Thứ năm, 28/03/2024 17:56 (GMT+7)
Thứ bảy, 23/05/2020 16:00 (GMT+7)

Các địa phương đẩy mạnh phòng, chống cháy rừng

Theo dõi KTMT trên

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, mặc dù một số khu vực trên cả nước đã có mưa, nhưng lượng mưa không nhiều; một số nơi tại Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn còn chịu những đợt nắng nóng gay gắt; nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Do đó, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), hiện nay tại nhiều địa phương có rừng đang đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng, thực hiện nghiêm kế hoạch, phương án bảo vệ rừng, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra…

Các địa phương đẩy mạnh phòng, chống cháy rừng - Ảnh 1
Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) dùng máy thổi dọn băng nhằm giảm nguy cơ cháy lan rộng. (Ảnh: Đình Châu)

Chủ động phòng ngừa

Theo Cục Kiểm lâm, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều địa phương như Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau… có nguy cơ cháy rừng cao. Đây cũng là những địa phương, hằng năm vào mùa khô thường xảy ra cháy rừng.

Trước tình hình trên, chính quyền các địa phương có rừng đã và đang chỉ đạo quyết liệt các lực lượng và nhân dân chủ động trong công tác PCCCR. Tại tỉnh Cà Mau, toàn bộ diện tích rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh với hơn 43.500 ha đã được cảnh báo cháy cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ Huỳnh Minh Nguyên nhận định, tình hình khô hạn sẽ rất khốc liệt cho nên ngay từ đầu mùa khô 2019-2020, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã đắp các cống, đập để giữ nước ngọt phục vụ PCCCR. Các đơn vị chủ rừng còn chủ động phát quang, tạo đường băng cản lửa hơn 1.000 km các tuyến giao thông đường bộ và các tuyến kênh, mương trong rừng, cũng như các khu vực giao khoán. Đồng thời, cơ quan chức năng Cà Mau đã chủ động sửa chữa và trang bị mới 124 máy bơm nước chữa cháy các loại và hơn 70 nghìn mét vòi chữa cháy cho các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng; bố trí sẵn 78 máy ICOM phục vụ công tác thông tin liên lạc trong PCCCR...

Hiện nay, tỉnh Bình Định đang trong trình trạng nắng nóng, khô hạn gay gắt, dự báo cháy rừng đang ở cấp cao (từ cấp IV đến cấp V). Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra nhiều đợt nắng nóng với cường độ mạnh và kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn, với hơn 164.395,57 ha rừng. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR năm 2020, đồng thời chỉ đạo lập Tổ trực PCCCR thường trực tại Văn phòng Chi cục Kiểm lâm tỉnh để chủ động nắm tình hình, thông tin dự báo cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng để chỉ đạo chủ rừng, người dân biết, chủ động phòng ngừa.

Trước diễn biến thời tiết nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao và gay gắt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Tại huyện Phong Điền, địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh với tổng diện tích đất lâm nghiệp là 68.428 ha, vào mùa khô, dưới tán rừng có thảm thực bì khô rất dễ bén lửa, nếu không có các biện pháp tích cực trong PCCCR, khả năng bùng phát cháy rừng rất cao. Huyện đang tăng cường chỉ đạo các đơn vị trong huyện, nhất là những địa bàn trọng điểm, thực hiện tốt các biện pháp PCCCR.

Tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp 347.621,66 ha. Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng khộp, rụng lá vào mùa khô, phân bố ở vùng núi cao, độ dốc lớn, địa hình hiểm trở và bị chia cắt mạnh… Diện tích rừng trồng và rừng trồng chưa thành rừng chủ yếu là keo, phi lao, bạch đàn… phần lớn nằm tiếp giáp với dân cư, các điểm du lịch và đất canh tác nông nghiệp, cho nên dễ bị xâm hại và có nguy cơ cháy cao. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ban hành cảnh báo cháy rừng cấp V (cực kỳ nguy hiểm) thuộc địa bàn các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh và TP Phan Thiết; cấp IV (rất nguy hiểm) thuộc địa bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và thị xã La Gi. Vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và có nguy cơ cháy cao khoảng 241.423 ha, chiếm 80,83% diện tích có rừng.

Tại An Giang, một trong những địa phương thường xảy ra cháy rừng vào mùa khô, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 14 vụ cháy rừng ở hai huyện vùng cao Tịnh Biên, Tri Tôn, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 11 vụ. Ngành kiểm lâm tỉnh dự báo, do khô hạn nên việc PCCCR năm 2020 trên địa bàn tỉnh có khả năng kéo dài thêm từ hai đến ba tháng so với các năm trước đây, dự báo đến hết tháng 7/2020.

Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Trương Minh Hùng cho biết, công tác chữa cháy trên các vùng cao thường rất khó khăn. Do đó, các lực lượng và người dân cần chủ động phòng là chính, tránh xảy ra đột xuất, bất ngờ trong công tác PCCCR.

Tỉnh Hà Tĩnh có hơn 110 nghìn ha rừng trọng điểm dễ cháy, trải đều tại các huyện, thị xã. Hằng năm, từ tháng 5 đến 9, toàn tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió phơn Tây Nam với nhiệt độ bình quân cao từ 39 đến 42oC, nguy cơ cháy rừng và cháy lớn rất dễ xảy ra. Đặc biệt, năm 2019, các trận cháy rừng liên tiếp xảy ra đã thiêu rụi 460 ha rừng ở Hà Tĩnh, trong đó 300 ha không còn khả năng phục hồi.

Ngay từ đầu năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai sớm, đồng bộ các biện pháp, giải pháp PCCCR. Các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao đều được các chủ rừng bố trí lực lượng, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ người ra vào rừng, đồng thời bố trí các điểm trực gác, phát hiện sớm lửa rừng. Các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các hệ thống công trình PCCCR như đường băng cản lửa, xử lý thực bì giảm vật liệu cháy rừng; các thiết bị dụng cụ, phương tiện để tu sửa, xây dựng, mua sắm nhằm kịp thời đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Sẵn sàng phương án ứng phó

Theo dự báo, tình hình nắng nóng còn kéo dài. Nắm bắt được tình hình đó, các địa phương có rừng đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm PCCCR hiệu quả, không để bị động trong mọi tình huống. Tại tỉnh Cà Mau, Chi cục trưởng Kiểm lâm Lê Văn Hải cho biết, lực lượng kiểm lâm đang duy trì 74 tổ máy bơm và các lực lượng luân phiên ứng trực trên 107 chòi canh lửa. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể huy động hơn 2.600 người. Trước nguy cơ cháy rừng, tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố, của tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR năm 2020.

Các địa phương đã tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện công tác PCCCR của chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng của cơ sở. Toàn bộ 10 hạt kiểm lâm đã phân công lịch trực PCCCR trong mùa nắng nóng; kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị, công cụ bảo đảm hoạt động tốt khi có cháy rừng xảy ra. Bên cạnh đó, các địa phương, chủ rừng cũng tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ ở những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao nhằm kiểm soát chặt chẽ người ra, vào; rà soát, bổ sung điều chỉnh các vùng trọng điểm cháy rừng vào phương án PCCCR giai đoạn 2019-2023 để bố trí nguồn lực phù hợp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng kiểm tra công tác PCCCR và yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách về PCCCR trong mùa nắng nóng, xem đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, của toàn dân.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra nhiều trường hợp cháy thực bì (lá và cỏ khô) dưới tán rừng. Các đơn vị chủ rừng phát hiện sớm, đã huy động hơn 700 lượt người tại chỗ của các trạm bảo vệ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng, phối hợp cùng kiểm lâm địa bàn chữa cháy kịp thời, không để lan rộng gây thiệt hại tài nguyên rừng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy (BCH) các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và PCCCR các cấp ở cơ sở, gồm chín BCH cấp huyện; 50 BCH cấp chủ rừng; 52 BCH cấp xã. Thành lập lực lượng ứng cứu cấp huyện 128 người, cấp chủ rừng 460 người và cấp xã 474 người; 362 tổ, đội PCCCR cấp chủ rừng, cấp xã với hơn 3.100 người tham gia và 2.070 hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Tại tỉnh An Giang, thời gian vừa qua, tình hình được kiểm soát tốt do lực lượng kiểm lâm kết hợp các đoàn thể, các xã có rừng tuyên truyền về PCCCR trong các buổi họp dân, bố trí phương tiện, máy móc và dụng cụ thô sơ phục vụ PCCCR tại 230 điểm.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, tình hình nắng nóng, khô hạn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là khu vực miền trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, hầu hết những diện tích rừng của các địa phương có nguy cơ cháy rất cao và thực tế cháy rừng đã xảy ra tại một số nơi… Do đó, các địa phương có rừng cần chủ động trong công tác PCCCR.

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Các địa phương đẩy mạnh phòng, chống cháy rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, bảo vệ môi trường chính là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Khi kinh tế xã hội phát triển giúp chúng ta có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.