Mối lo cháy rừng
Dù năm 2020 chứng kiến nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng, song theo số liệu của Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) thuộc Liên hiệp châu Âu (EU), lượng khí thải CO2 do cháy rừng gây ra trong năm nay là một trong những mức thấp.
Thuộc chương trình quan sát Trái Đất có tên Copernicus của EU, CAMS cung cấp thông tin liên quan vấn đề ô nhiễm không khí, năng lượng mặt trời, khí nhà kính... trên thế giới, thông qua vệ tinh quan sát.
Trong hơn 15 năm qua, CAMS đã tiến hành giám sát vị trí, cường độ và ước tính lượng phát thải gây ô nhiễm khí quyển của các vụ cháy rừng trên thế giới bằng các vệ tinh quan sát. Kể từ khi CAMS bắt đầu triển khai hoạt động quan sát năm 2003, lượng khí thải CO2 do cháy rừng gây ra trên thế giới có xu hướng giảm dần.
Các nhà khoa học và chuyên gia về cháy rừng tại CAMS cho rằng, dù có nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, song lượng khí thải toàn cầu lại thấp hơn nhờ các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng. Tuy nhiên, theo CAMS, lượng khí thải CO2 giảm cũng do số vụ cháy rừng tại một số khu vực khác giảm mạnh.
Theo số liệu của CAMS, lượng khí thải CO2 từ các đám cháy rừng trong năm 2020 là khoảng 1,7 tỉ tấn. Con số này thấp hơn mức 1,9 tỉ tấn CO2 của năm 2019 và thấp hơn mức trung bình của những năm trước. Tuy nhiên, trong năm 2020, cường độ cháy rừng tại các nước, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như miền tây nước Mỹ, Australia... lại cao hơn.
Nhiệt độ cao, thời tiết khô nóng do biến đổi khí hậu cũng như những tác động của con người được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng. Tình trạng cháy rừng dẫn tới việc không khí bị ô nhiễm lan sang các khu vực khác, gây tác động tiêu cực với hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của con người.
Các số liệu của CAMS cho thấy, miền tây nước Mỹ đã chịu cảnh cháy rừng nghiêm trọng do khí hậu nắng nóng bất thường trong tháng 8 và 9 vừa qua. Khói từ các vụ cháy rừng tại các bang California, Oregon và Washington của Mỹ đã vượt Đại Tây Dương và lan đến tận châu Âu, thải ra hơn 30 triệu tấn CO2 vào khí quyển. Theo CAMS, quy mô và cường độ của các đám cháy tại Mỹ cao hơn gấp nhiều lần so với mức trung bình giai đoạn 2003 - 2019.
Tại khu vực nằm trong Vòng Bắc Cực, tính đến đầu tháng 9-2020, khí thải từ cháy rừng là 244 triệu tấn, cao hơn so mức 181 triệu tấn của cả năm 2019 và đã vượt kỷ lục của nhiều năm trước đó. Còn tại Australia, các vụ cháy rừng với cường độ kỷ lục đã thải ra khoảng 400 triệu tấn CO2 trong năm 2020. Lượng khí thải carbon từ những vụ cháy tại một số khu vực của rừng Amazon cũng cao hơn mức quan sát được trong năm 2019 và mức trung bình giai đoạn 2003 - 2018. Trong khi đó, khu vực Caribe cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, do các đám cháy ở Guatemala có lượng khí thải cao kỷ lục và cao hơn mức khí thải trung bình cả khu vực này.
Nhằm nâng cao nhận thức về quy mô và hậu quả của cháy rừng trên khắp thế giới, các cơ quan, tổ chức quan sát như CAMS liên tục theo dõi tình hình và kịp thời thông tin tới các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức hoạt động vì môi trường, cũng như mọi người dân. Điều này sẽ giúp các quốc gia, tổ chức khu vực, quốc tế tiến hành những kế hoạch phòng, chống, cũng như giải quyết những hậu quả từ cháy rừng, cùng chung tay góp phần bảo vệ những “lá phổi xanh”.
Như Ngọc