Thứ năm, 25/04/2024 16:53 (GMT+7)
    Thứ tư, 09/12/2020 16:01 (GMT+7)

    Chủ đầu tư, thị trường chờ đợi hướng dẫn đánh giá công trình xanh từ Bộ Xây dựng

    Theo dõi KTMT trên

    Hiện nay, Chính phủ Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho hoạt động đánh giá, chứng nhận công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng. Thị trường đang vận động theo cơ chế tự do, tự nguyện.

    Số lượng công trình xanh tại Việt Nam tương đối nhỏ

    Phát biểu khai mạc Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2020, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2020 là sự kiện quan trọng đánh dấu nỗ lực của ngành xây dựng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, góp phần vào giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam.

    Các cam kết của Chính phủ Việt Nam về vấn đề này đã và đang hiện thực hóa trong nhiều chính sách như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030; Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị quy định về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 140 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55.

    Chủ đầu tư, thị trường chờ đợi hướng dẫn đánh giá công trình xanh từ Bộ Xây dựng - Ảnh 1
    Thứ trưởng Lê Quang Hùng và các đại biểu cắt băng khai mạc Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2020. 

    Thứ trưởng nhận định, thực tế trong các năm gần đây, các doanh nghiệp phát triển dự án đã có nhiều thay đổi trong tầm nhìn và định hướng phát triển hướng tới cung cấp ra thị trường các công trình có yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng. Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dụng và giải pháp sinh hoạt giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiêu thụ năng lượng có thể đạt từ 25-60% với chi phí gia tăng từ 0 - 3% và thời gian hoàn thành cho vốn đầu tư cho phần tăng thêm là khoảng 5 năm.

    Tuy nhiên theo thống kê, hiện tổng số công trình xanh được chứng nhận chính thức mới chỉ khoảng 150 công trình (IFC thống kê đến quý III/2020, Việt Nam có 155 công trình xanh -PV). Một con số tương đối nhỏ so với các quốc gia Đông Nam Á và trên thế giới”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết.

    Do vậy, Thứ trưởng cho rằng, việc hướng tới tổ chức Tuần lễ công trình xanh hàng năm sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển của các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

    Theo đó, chương trình bao gồm các hoạt động hội thảo tọa đàm tập trung chủ yếu vào 5 chuyên đề bao gồm đô thị xanh và công trình xanh; Thiết bị, công nghệ hiệu quả năng lượng, tài nguyên; Cơ chế tài chính xanh; Vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng; Chính sách phát triển đô thị, công trình xanh và công trình hiệu quả năng lượng.

    Thông qua chương trình, các chuyên gia, các nhà quản lý, tổ chức, cá nhân hoạt động quy hoạch phát triển đô thị, hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất và cung ứng dịch vụ, vật liệu, thi công xây dung, quản lý vận hành sẽ thảo luận, đề xuất và kiến nghị cơ chế chính sách, giới thiệu các giải pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm thúc đẩy sự phát triển công trình xanh, đô thị xanh và công trình tiết kiệm năng lượng.

    Chưa có hướng dẫn cụ thể đánh giá công trình xanh

    Trình bày tổng quan về tình hình phát triển đô thị xanh, công trình xanh ở Việt Nam, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết,155 công trình xanh do IFC thống kê là động thái tự nhiên, đúng xu hướng của thị trường, tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho hoạt động đánh giá, chứng nhận công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng. Do vậy, chủ đầu tư hết sức băn khoăn, thị trường đang chờ đợi sự hướng dẫn, sự gợi ý, định hướng của Bộ Xây dựng.

    Chủ đầu tư, thị trường chờ đợi hướng dẫn đánh giá công trình xanh từ Bộ Xây dựng - Ảnh 2
    Công trình xanh đang vận động một cách tự do, tự nguyện. Ảnh minh họa. 

    Đồng thời, Việt Nam cũng chưa chính thức công bố bộ công cụ cụ thể cho hoạt động đánh giá, chứng nhận công trình xanh. Thay vào đó, thị trường đang vận động một cách tự do, tự nguyện theo các bộ công cụ.

    “Điều này là tốt, tuy nhiên khi đặt ra câu hỏi làm sao thúc đẩy thị trường một cách nhanh hơn, mạnh hơn thì chắc chắn phải giải bài toán này, khi có một chính sách cụ thể thì đây sẽ là cơ sở để thực hiện các chính sách tiếp theo liên quan đến ưu đãi, tính toán chi phí đầu tư… Thực sự, Nhà nước cần phải có một bộ công cụ làm khung để xã hội có thể tham chiếu”, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan nói.

    Từ đó, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan đề xuất một số giải pháp cần thực hiện ngay. Cụ thể là củng cố cơ sở pháp lý liên quan đến tiết kiệm năng lượng và công trình xanh; Lựa chọn bộ chứng chỉ đánh giá – công nhận công trình xanh chính thức để làm cơ sở cho các chính sách cụ thể khác; “Nhà nước tiên phong” thực hiện công trình xanh cho các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo quy mô lớn công trình sử dụng vốn công.

    Đồng thời, chú trọng thúc đẩy công trình xanh tại các địa phương bằng cách nâng cao vai trò của chính quyền địa phương; Xây dựng khung ưu đãi thực hiện công trình xanh thuộc khu vực đầu tư vốn tư nhân, xây dựng bằng các cơ chế ưu tiên, ưu đãi liên quan đến tài chính/phi tài chính.

    Ngoài ra, cần thông tin, tuyên truyền về công trình xanh, quản lý và vận hành công trình xanh; Đào tạo nhân lực và nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng công trình xanh và các giải pháp khác.

    Nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Tuần lễ công trình xanh thế giới, Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2020 được tổ chức dưới dự phối hợp của Bộ Xây dựng và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc/Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), hỗ trợ kỹ thuật bởi Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và hỗ trợ bởi tập đoàn IEC. Sự kiện diễn ra từ ngày 9-11/12/2020 tại Khách sạn InterContinental Hanoi landmark 72, TP Hà Nội. 

    Vương Liễu

    Bạn đang đọc bài viết Chủ đầu tư, thị trường chờ đợi hướng dẫn đánh giá công trình xanh từ Bộ Xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
    Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.