Công trình xanh: Chiêu bài quảng cáo đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
KTS Trần Huy Ánh cho rằng ở nhiều dự án, khái niệm công trình xanh, bất động sản xanh chỉ là chiêu bài quảng cáo, kích thích tiêu dùng của các chủ đầu tư.
Nhiều bất cập
Những năm gần đây, việc xuất hiện các giải thưởng tôn vinh dự án bất động sản thu hút sự quan tâm của dư luận. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng xanh và thông minh, nhiều đơn vị đã phối hợp tổ chức các chương trình tôn vinh các dự án được đánh giá là công trình xanh theo các bộ công cụ đánh giá đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay sau khi công bố và trao giải, nhiều dự án từng bị công luận lên án về chất lượng sản phẩm, chủ đầu tư có nhiều sai phạm góp mặt trong danh sách nhận giải thưởng đã khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ. Thực trạng đã chỉ ra nhan nhản các giải thưởng bất động sản dù được tổ chức bởi các đơn vị uy tín vẫn tồn tại bất cập. Nhiều dự án, doanh nghiệp tai tiếng cũng được vinh danh đã làm biến tướng những giá trị đích thực, cốt lõi của các giải thưởng.
Đơn cử như dự án EcoLife Capitol (số 58 Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ Đô làm chủ đầu tư. Dù đạt chứng chỉ xanh EDGE (do Tổ chức Tài chính quốc thiết lập), lọt vào danh sách dự án công trình xanh tốt nhất tại giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam, thế nhưng trước đó, dự án này dính hàng loạt tai tiếng khi chủ đầu tư đã tự ý thay đổi rất nhiều về thiết kế và danh mục hoàn thiện căn hộ so với hợp đồng đã ký với khách hàng khiến nhiều cư dân vô cùng phẫn nộ.
Thậm chí, ngay những ngày giáp Tết Nguyên đán năm 2018, cư dân Ecolife Capitol đã xuống đường căng băng rôn tố chủ đầu tư “treo đầu dê, bán thịt chó", "thu tiền thật giao hàng rởm cho cư dân", "quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng"...
Theo đó, cư dân cho rằng, chủ đầu tư xây dựng một số tiện ích theo kiểu “hình thức”, “làm cho có” chứ không đáp ứng nhu cầu của bà con cư dân. Cụ thể, sân chơi trẻ em rất nhỏ và thiếu an toàn, trung tâm thương mại với vài cửa hàng lèo tèo, bán giá đắt, cư dân không thể sử dụng…
Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, chất lượng công trình có nhiều điểm đã xuống cấp, chủ đầu tư lại ra thông báo, áp đặt mức thu phí dịch vụ quá cao 11.000 đồng/m2. Giữa lúc Ban đại diện cư dân và chủ đầu tư đang đàm phán với nhau và chưa dứt điểm thì chủ đầu tư cho đơn vị quản lý tòa nhà cắt nước của cư dân Ecolife Capitol.
Chiêu bài quảng cáo đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững, KTS.ThS Trần Thành Vũ, cụm từ công trình xanh (green building) mang tính chất hình ảnh chứa đựng nghĩa bóng nhiều hơn nghĩa đen, hiện nay cụm từ này cũng mang tính quảng bá thương mại sản phẩm cao.
Trong khi đó, xuất phát điểm khái niệm từ một số nước phương Tây, với các bộ công cụ đánh giá tính bền vững môi trường, nổi tiếng nhất là LEED mang chủ ý tốt nhằm chỉ tới công trình thân thiện môi trường, tiện nghi cao cho người sử dụng…và nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên tại Việt nam, do quá trình phát triển nóng và nhu cầu nhà ở cao mà đôi khi người mua nhà, hay ngay cả chủ đầu tư, có cả vô tình và cố ý quên đi bản chất phát triển bền vững của công trình xanh, mà trọng tâm trong đó là thực hành tiết kiệm năng lượng, tăng tối đa tiện nghi nhiệt thụ động của công trình, sử dụng hiệu quả tài nguyên…
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, các giải thưởng hiện nay được tổ chức đều mang tính thương mại nhiều hơn là nhân văn.
“Đây là chiêu bài quảng cáo nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ bất động sản, cũng là một hình thức phát triển kinh tế bằng cách kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, việc làm này không quan tâm đến tính bền vững mà chỉ thuần túy là kinh doanh, là cuộc đua của các nhà kinh doanh với nhau, cạnh tranh thông qua các giải thưởng mà thôi”, KTS Trần Huy Ánh nói.
Kiến trúc sư lập luận rằng, hơn bao giờ hết, cuộc cạnh tranh hiện nay trở nên khốc liệt do thị trường đang ở giai đoạn thoái trào, tỉ lệ cung cầu mất cân đối. Lợi dụng thời điểm này, cộng thêm việc nhiều nhà đầu tư, khách hàng mù mờ không am hiểu, ban tổ chức móc nối với doanh nghiệp “làm giải”, tạo hiệu ứng đám đông, đưa ra các tiêu chí không rõ ràng, thông qua giải thưởng để đẩy mạnh quảng cáo, bán được nhiều sản phẩm hơn.
“Các giải thưởng chỉ chú trọng đến lợi nhuận, ban tổ chức và doanh nghiệp đều thu được những lợi nhuận trực tiếp hay gián tiếp mà không quan tâm đến lợi ích của người mua. Chính vì vậy, khách hàng phải chịu nhiều rủi ro nhất. Họ là nạn nhân, đứng cuối cùng trong việc tung hô và chịu thiệt hại”, KTS Trần Huy Ánh khẳng định.
Trong khi các tiêu chí đánh giá giải thưởng không rõ ràng nhưng tính lan truyền lại không hạn chế, những trường hợp vinh danh sai đối tượng sẽ gây ra hậu quả khôn lường, làm mất niềm tin trong xã hội.
Do đó, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng dư luận, để hạn chế những tiêu cực trong việc tôn vinh, trao giải thưởng nói chung, lĩnh vực bất động sản nói riêng thì chính giới truyền thông cần tự nâng cao trách nhiệm xã hội. Những kênh truyền thông uy tín phải có lập luận, phân tích thông tin đa chiều, cẩn trọng khi cung cấp thông tin đến bạn đọc.
Vương Liễu