Thứ sáu, 19/04/2024 23:19 (GMT+7)
    Thứ bảy, 28/11/2020 10:56 (GMT+7)

    Hiểu đúng về công trình xanh

    Theo dõi KTMT trên

    Vài năm gần đây, trào lưu xây dựng công trình xanh khá rầm rộ trên thị trường. Từ dự án bình dân đến dự án cao cấp, từ biệt thự đến căn hộ chung cư, các dự án thi nhau gắn với mác “xanh”.

    Tuy nhiên, thế nào là một công trình xanh đúng nghĩa không phải ai cũng hiểu, thậm chí có những dự án chỉ bố trí một vài không gian trồng cây xanh rồi tự nhận “công trình xanh”.

    Theo Liên hiệp quốc, công trình xây dựng tiêu thụ 36% năng lượng và chiếm 39% tổng lượng phát thải khí carbon, trong đó 28% đến từ quá trình vận hành và 11% còn lại đến từ phát thải nguyên vật liệu xây dựng dự án. Cùng với sự gia tăng dân số dẫn tới biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng từ 3,7 đến 4,8 độ C trong 80 năm tới.

    Kể từ COP 21 và Hiệp định Paris (hội nghị lần thứ 21 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), 104 quốc gia đã ký Hiệp định trên tổng số 194 quốc gia tham gia. Trong đó, 68 quốc gia đã có quy chuẩn về việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình.

    Hiểu đúng về công trình xanh - Ảnh 1
    Cây xanh, cảnh quan xanh chỉ là một phần rất nhỏ để đánh giá công trình xanh. (Ảnh: Internet)

    Công trình xanh là khái niệm được Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ đưa ra vào khoảng năm 1993. Đến năm 2007, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam đã được thành lập và đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá riêng về công trình xanh dựa trên các tiêu chuẩn chung của quốc tế.

    Theo đó, các tiêu chí cơ bản để xác định một công trình xanh dựa trên mức độ sử dụng hiệu quả năng lượng, giải pháp hạn chế ô nhiễm, đảm bảo chất lượng không khí, tính toán đến yếu tố môi trường trong thiết kế, vận hành. Các tiêu chí này đều có thang đo điểm và được cụ thể hóa bằng hệ thống tiêu chí LOTUS, từ đạt Chứng nhận cho đến hạng Bạch kim, Vàng, Bạc.

    Về chỉ tiêu cụ thể, công trình xanh có đóng góp lớn vào việc xây dựng đô thị xanh cho thành phố, nhờ góp phần cải thiện hiệu quả cho hai chỉ tiêu quan trọng là tỉ lệ đầu tư dự án mới thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh (0104) và tỉ lệ công trình xây dựng nghiệm thu được cấp chứng chỉ công trình xanh (0105), theo Thông tư 01/2018/TT-BXD.

    Về những con số, đối với các công trình mới, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng, lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ thì có thể tiết kiệm đến 30-40% năng lượng tiêu thụ so với các công trình khác. Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai giải pháp này thì hiệu quả cũng có thể tiết kiệm tới 25% năng lượng tiêu thụ.

    Thực tế, hiện nay, tại Việt Nam có không ít chủ đầu tư gắn mác công trình xanh để quảng bá, bán hàng. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng, nếu quảng cáo công trình xanh, dự án sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn từ khách hàng.

    Điều này cũng cho thấy, chủ đầu tư đã ý thức được giá trị của các công trình xanh cũng như sức hút của nó đối với người mua nhà. Bởi thị hiếu của khách hàng hiện nay là ai cũng mong muốn sở hữu một căn nhà hài hòa với thiên nhiên, gần gũi với môi trường.

    Thực tế, bản thân các chủ đầu tư này cũng có làm một chút cảnh quan xanh cho dự án của mình. Tuy nhiên, chỉ trồng cây xanh mà gắn mác là công trình xanh là chưa đủ. Cây xanh, cảnh quan xanh chỉ là một phần rất nhỏ, chiếm từ 1 - 2 điểm trong bộ tiêu chí tiêu chuẩn xanh thang điểm 100.

    Theo ông Trần Như Trung, Tổng giám đốc MIK Group, một dự án “xanh” không có nghĩa chỉ là một công trình được trồng nhiều cây xanh, hay được sơn màu xanh mát mắt như trước đây người ta thường nghĩ, mà xanh ở đây bao hàm ý nghĩa sinh thái và sự thân thiện với môi trường. Từ quy trình thiết kế, xây dựng, vận hành tòa nhà đều bảo đảm hạn chế và ngăn chặn các tác hại đến môi trường tự nhiên, hướng đến việc cải thiện hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải CO2.

    Bất kể công trình nào dù thuộc phân khúc cao hay thấp cũng đều có thể tiếp cận với mục tiêu xanh, chỉ khác là giải pháp cho mỗi công trình sẽ khác nhau.

    “Chúng ta phải nhìn từ thực tế, một công trình xanh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng khi vận hành và điều này thể hiện rõ nhất trên hóa đơn tiền điện của mỗi hộ gia đình trong tòa nhà”, ông Trung cho biết.

    Hà My

    Bạn đang đọc bài viết Hiểu đúng về công trình xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới