Thứ sáu, 19/04/2024 21:04 (GMT+7)
    Thứ sáu, 27/11/2020 11:55 (GMT+7)

    Có nên chọn một hệ thống đánh giá công trình xanh chính thức?

    Theo dõi KTMT trên

    Theo ý kiến của một số chuyên gia, Việt Nam cần thống nhất định nghĩa về công trình xanh (CTX) và chọn một hệ thống đánh giá chính thức CTX làm cơ sở để xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển CTX toàn quốc.

    Hệ thống đánh giá công trình xanh tại Việt Nam

    Hiện nay, trên thế giới đã có rất nhiều hệ thống đánh giá CTX. Đây là một công cụ hiệu quả góp phần định hướng xây dựng xanh, xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những hậu quả của việc phát triển thiếu tính bền vững.

    Mới đây, Chương trình phát triển CTX (Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC) cho biết, đến quý III/2020, tổng số CTX được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình.

    Theo các chuyên gia, hệ thống đánh giá CTX tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản. Hiện nay, Việt Nam có 6 hệ thống đánh giá CTX phổ biển gồm:

    - Hệ thống tiêu chí CTX của Hội Kiến trúc sư Việt Nam;

    - VACEE của Hội Môi trường xây dựng;

    - EDGE - hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả do Tổ chức Tài chính quốc tế, một thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới sáng tạo;

    - LOTUS - hệ thống đánh giá CTX do Hội đồng CTX Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ và là thành viên của Hội đồng CTX thế giới;

    - LEED - hệ thống đánh giá CTX do Hội đồng CTX Mỹ nghiên cứu và áp dụng cho cả các công trình trong và ngoài lãnh thổ Mỹ;

    - Green Mark - hệ thống đánh giá CTX do Hiệp hội CTX Singapore, trực thuộc Bộ Xây dựng Singapore đưa ra.

    Có nên chọn một hệ thống đánh giá công trình xanh chính thức? - Ảnh 1
    Việt Nam có 6 hệ thống đánh giá CTX phổ biển. (Ảnh minh họa: Internet)

    Trong 6 hệ thống đánh giá CTX nói trên, trừ Edge chỉ có 3 tiêu chí (gồm năng lượng, nước và vật liệu), 5 hệ thống đánh giá CTX còn lại đều đề cập đến cả 5 tiêu chí cơ bản như: Địa điểm xây dựng công trình bảo tồn hệ sinh thái, kết nội cộng đồng và thích ứng biến đổi khí hậu; sử dụng tiết kiệm nước, tận dụng nước thải và bảo tồn nước ngầm; sử dụng tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.

    Về các tiêu chí đánh giá CTX, các công cụ LOTUS và CTX có nhiều các tiêu chí gắn liền với các tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam hơn do được phát triển bởi các tổ chức tại Việt Nam. Mặc dù vậy, hầu hết các chủ đầu tư nước ngoài và cả những chủ đầu tư Việt Nam vẫn lựa chọn các bộ công cụ quốc tế như LEED và Green Mark do các bộ công cụ này mang lại giá trị quảng bá cao hơn.

    Trên thực tế, có thể dễ dàng nhận thấy từ các công trình áp dụng các bộ công cụ này đều là những công trình thuộc phân khúc trên và cao cấp nhất của thị trường xây dựng với năng lực áp dụng các tiêu chí xanh khắt khe ngay cả khi các tiêu chí này không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho chủ đầu tư.

    Khác với các công cụ này, EDGE chỉ đánh giá 3 khía cạnh giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trong công trình, đó là năng lượng, nước và vật liệu với mục tiêu thúc đẩy cả các công trình không thuộc phân khúc cao cấp trở nên bền vững hơn.

    Ngoài ra, EDGE còn được trang bị phầm mềm trực tuyến EDGE, giúp các công trình có thể tự đánh giá với EDGE và ngay lập tức biết được mức tiết kiệm khi áp dụng các giải pháp xanh trong công trình của mình. Từ đó, các kiến trúc sư và kỹ sư dễ dàng tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho một công trình cụ thể cũng như thuận lợi hơn trong việc thuyết phục các chủ đầu tư nâng cao hiệu quả công trình của mình.

    Kinh nghiệm thế giới

    Theo ý kiến của một số chuyên gia, Việt Nam cần thống nhất định nghĩa về CTX và chọn một hệ thống đánh giá chính thức CTX làm cơ sở để xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển CTX toàn quốc và áp dụng bắt buộc CTX đối với các công trình vốn ngân sách nhà nước.

    Tuy nhiên, đối với các công cụ đánh giá CTX, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy, hầu hết các quốc gia phát triển vẫn duy trì các hệ thống đánh giá CTX tự nguyện thay vì áp dụng bắt buộc. Đồng thời, như nghiên cứu từ Dự án năng lượng sạch của USAID đã khuyến nghị, Bộ Xây dựng nên cho phép tất cả các bộ công cụ đánh giá CTX được lưu hành tại Việt Nam thay vì chỉ định một bộ nhất định.

    Có nên chọn một hệ thống đánh giá công trình xanh chính thức? - Ảnh 2
    Khu phức hợp Kampung Admiralty ở Singapore. (Ảnh: Internet)

    Chia sẻ về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Đỗ Thanh Tùng cho rằng, hiện CTX hay các tiêu chí CTX như: Lotus, Leed là do các chủ đầu tư tự công nhận, các tổ chức tự đứng ra làm. Do đó cần phải xây dựng quy chuẩn chung, từ đó các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện theo.

    Còn theo PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh Việt Nam cho biết, trên thế giới có nhiều hệ thống đánh giá CTX nhưng đều có 5 tiêu chí cơ bản là vật liệu, địa điểm, nội thất, sử dụng nước và năng lượng.

    Ngoài ra, cùng với việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, một số nước có chính sách ưu đãi mạnh mẽ đầu tư CTX. Tại Trung Quốc, các đơn vị từ sản xuất vật liệu xây dựng xanh đến đầu tư phát triển CTX đều được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, lãi suất,... Chính phủ nước này còn ban hành chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay đối với người mua nhà trong các dự án đạt tiêu chuẩn xanh.

    Một số quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia ban hành các chính sách chặt chẽ hơn, buộc các nhà đầu tư phát triển dự án theo hướng xanh hóa, quy định cụ thể các khu vực nào chỉ được phép phát triển CTX…

    Bảo My

    Bạn đang đọc bài viết Có nên chọn một hệ thống đánh giá công trình xanh chính thức?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới