Nhiều chủ đầu tư sử dụng 'mác' công trình xanh để thương mại hóa sản phẩm
KTS.ThS Trần Thành Vũ cho rằng, tại Việt Nam thời điểm này, khái niệm công trình xanh đang bị lạm dụng để bán hàng và nó mang tính chất thương mại.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững - KTS.ThS Trần Thành Vũ cho rằng, cụm từ công trình xanh (green building) mang tính chất hình ảnh chứa đựng nghĩa bóng nhiều hơn nghĩa đen. Hiện nay cụm từ này cũng mang tính quảng bá thương mại sản phẩm cao. Khái niệm này xuất phát từ một số nước ở châu Âu, với các bộ công cụ đánh giá tính bền vững môi trường, nổi tiếng nhất là LEED. Đây là chủ ý tốt nhằm chỉ tới công trình thân thiện môi trường, tiện nghi cao cho người sử dụng… và nhiều lợi ích khác.
Tuy nhiên tại Việt Nam, do quá trình phát triển nóng và nhu cầu nhà ở cao mà đôi khi người mua nhà hoặc cả chủ đầu tư, có cả vô tình và cố ý quên đi bản chất phát triển bền vững của công trình xanh, mà trọng tâm trong đó là thực hành tiết kiệm năng lượng, tăng tối đa tiện nghi nhiệt thụ động của công trình, sử dụng hiệu quả tài nguyên…
Để tiếp cận với quan điểm tổng quan về công trình xanh, các tiêu chí xếp loại công trình xanh tại Việt Nam và những vấn đề trong quá trình xây dựng công trình, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với KTS.ThS Trần Thành Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững.
-Nhìn một cách tổng quát nhất, chúng ta có thể hiểu công trình xanh là gì thưa ông?
-Thực tế tại Viêt Nam, thời điểm này, khái niệm công trình xanh mang tính chất thương mại nhiều hơn. Thậm chí, nó bị lạm dụng để bán hàng nhiều hơn là thực hành sự bền vững trong suốt quá trình từ khởi động dự án, thiết kế, vận hành cho tới kết thúc vòng đời công trình.
Trong các văn bản chính thức của Việt Nam, theo tôi thấy, chúng ta không sử dụng cụm từ này, bởi nó dễ gây nhầm lẫn trong xã hội. Công trình xanh dễ bị hiểu lầm sang công trình đơn thuần là trồng nhiều cây xanh hay sơn màu xanh… Tại Pháp, họ dùng khái niệm công trình sinh thái (bâtiment écologique), phát triển bền vững để chỉ tới công trình thân thiện môi trường thay cho công trình xanh.
Phát triển bền vững tức là tiến hành xây dựng, sử dụng tài nguyên đáp ứng nhu cầu của con người hiện tại nhưng không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai về tài nguyên và môi trường. Đối với công trình cụ thể, chúng phải cần đạt các tiêu chí phát triển bền vững mà thế giới đang hướng đến, nhưng không loại trừ cả những tiêu chí mang tính đặc thù phát triển theo từng giai đoạn cụ thể của mỗi khu vực, mỗi đất nước.
Trong câu chuyện này, không ít chủ đầu tư sử dụng “mác” công trình xanh để thương mại hóa sản phẩm. Sự vào cuộc của truyền thông quá tích cực, sử dụng hình ảnh trồng cây, thảm cỏ quá nhiều, nhưng chưa truyền tải đầy đủ khiến người mua nhà đôi khi hiểu chưa đúng về bản chất của công trình xanh. Công trình xanh thực chất sẽ đem đến cảm giác thoải mái, dễ chịu, giảm thiểu độc hại hoá chất nhưng tiêu tốn ít năng lượng và do đó chi phí vận hành cũng thấp hơn bình thường.
Tuy nhiên, không phải ban quản lý thiết kế, xây dựng nào cũng đi theo hướng sinh thái, tăng tiện nghi sử dụng. Nhất là các công trình cao cấp đắt tiền luôn đi liền với nội thất đẹp mắt, thương hiệu lớn, nhiều kính (hiện đại), trang bị phải nhập khẩu châu Âu, châu Mỹ… Thực tế, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa. Ví dụ như công trình trang bị hiện đại nhưng chưa được trang bị tốt, vào ngày nắng nóng, nhiệt độ trong nhà khi đi làm về, lúc chưa bật điều hoà có thể tới là 45 độ C, cần bật điều hòa công suất lớn để hạ xuống 25-27 độ C, làm mát căn phòng. Thế nhưng nếu cũng ngôi nhà đó, được thiết kế cẩn thận từ đầu, thì khi về tới nhà nhiệt độ trong nhà khoảng là 29-32 độ C, Khi đó, chúng ta chỉ cần bật quạt, thậm chí mở cửa lấy gió tự nhiên đã đủ dễ chịu. Và nếu có bật điều hoà cũng chỉ cần chạy ở mức tối thiểu là đủ.
Đây là khác biệt cơ bản, chất lượng tiện nghi nhiệt của 2 công trình này ở 2 cấp độ khác nhau xa. Tiếc là ở Việt Nam, khái niệm thiết kế đi kèm với tính toán kiểm soát tiện nghi nhiệt công trình ngay từ giai đoạn thiết kế thậm chí còn chưa tồn tại.
Tại Việt Nam, để đạt được chứng chỉ xanh, công trình cần chứng minh nó sẽ tiêu thụ điện thấp hơn mức cơ sở (ví dụ công trình vừa đủ tuân thủ Quy chuẩn 09) khoảng trên 10% là đủ và sau đó bổ sung một loạt các tiêu chí khác để đủ đạt chứng nhận xanh. Tất nhiên cũng có nhiều công trình đạt hơn 10%, có thể tới trên 30%. Thế nhưng ở nhiều nước phát triển khác, rất nhiều công trình không cần chứng nhận xanh, họ tập trung nhiều nhất vào tiết kiệm năng lượng, hướng tới 50%, 70% thậm chí công trình đạt Net Zero Energy building (NZEB) tức là năng lượng tái tạo sinh ra (do mái lắp tấm PV chẳng hạn) bằng với năng lượng tiêu thụ của công trình đó trong 1 năm, những công trình như vậy đã xanh từ bản chất, không cần phải chứng nhận gì nữa.
-Vậy tại Việt Nam, chúng ta đang sử dụng những tiêu chí nào để đánh giá công trình phát triển bền vững hay công trình xanh?
-Chúng ta đang có 5 bộ công cụ chính để đánh giá công trình xanh, gồm công cụ CTX do Hội Môi trường xây dựng Việt Nam biên soạn (năm 2014); Công cụ EDGE - Hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả do Tổ chức Tài chính quốc tế khai sinh, một thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (được dùng nhiều nhất với chung cư); Công cụ LOTUS - Hệ thống đánh giá công trình xanh do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ sáng lập; Công cụ LEED - Hệ thống đánh giá công trình xanh do Hội đồng Công trình xanh Mỹ nghiên cứu và áp dụng cho cả các công trình trên toàn thế giới; Công cụ Green Mark - Hệ thống đánh giá công trình xanh do BCA – Singapore (Building and Construction Authority) đưa ra, ngoài ra ít được biết đến hơn còn có hệ thống HQE, của Pháp.
Trong mỗi một hệ thống đánh giá công trình xanh hay công trình phát triển bền vững đều có những tiêu chí riêng. Tuy nhiên, tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất mà tất cả các nước có trình độ phát triển nhất định đều kiểm soát bằng luật, đó là tiêu thụ năng lượng, các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn làm việc này rất tốt bằng các chế tài khuyến khích, thưởng phạt rõ ràng
Tại Việt Nam, 15 năm qua, chúng ta vẫn chưa đưa được Quy chuẩn năng lượng công trình vào thực tế thực hành thiết kế (gọi tắt cho Quy chuẩn 09, các phiên bản 2005, 2013, 2017), gọi là Quy chuẩn bắt buộc, nhưng được sử dụng như tiêu chuẩn tham khảo tự nguyện. Thực tế hiện nay, các công trình thiếu sự kiểm soát, khống chế các tiêu chí năng lượng khi thiết kế, mặc dù quy chuẩn 09 được thiết kế để dễ áp dụng nhất, giống như một sự làm quen ban đầu cho các đơn vị thiết kế tập áp dụng, chưa hề có các tính toán năng lượng phức tạp.
Trong khi đó, để đạt được các mục tiêu cam kết với quốc tế về cắt giảm khí thải, đặc biệt là để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, việc này đòi hỏi kiểm soát năng lượng phải trở thành nội dung phê duyệt khi cấp phép xây dựng và là một trong những nội dung cần thiết khi nghiệm thu công trình. Đã tới lúc cần thực hiện chặt chẽ kiểm soát thiết kế năng lượng (Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã đề cập, nhưng bao giờ đi vào thực tế lại là chuyện khác), những tiêu chí còn lại về công trình xanh, sinh thái… sẽ do thị trường điều tiết, tuỳ thuộc vào mức độ cao cấp, hướng tới sinh thái của sản phẩm bất động sản và sự quan tâm của thị trường. Nhưng Nhà nước cũng nên dần có sự khuyến khích ưu đãi cho các dạng công trình này.
-Việc tồn tại nhiều bộ công cụ đánh giá công trình xanh tại một quốc gia có bất cập gì không, thưa ông?
-Theo tôi thì không có bất cập. Việc tồn tại nhiều bộ công cụ là tự do thị trường, thúc đẩy sự cạnh tranh để phát triển. Vấn đề là Nhà nước rất cần kiểm soát được việc tiêu thụ năng lượng của công trình một cách chặt chẽ, khoa học, siết chặt và nâng cấp theo thời gian. Bắt buộc phải thực hiện bằng các biện pháp thưởng, phạt, khuyến khích cụ thể, vì nó liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia. Và đồng thời cũng là chất lượng tiện nghi nhiệt của các sản phẩm mà người dân có thể phải mất cả đời dành dụm mới mua được.
-Nhiều quan điểm cho rằng, công trình xanh vừa đảm bảo lợi ích cho người sử dụng, vừa đem lại lợi ích cho chủ đầu tư. Theo ông, quan điểm này có chính xác hay không và cụ thể những lợi ích đem lại cho các bên là gì?
-Tôi công nhận là công trình xanh đem đến nhiều lợi ích. Đối với người sử dụng, do công trình xanh yêu cầu các vật liệu không độc hại, có tầm nhìn ra bên ngoài tốt, chiếu sáng tự nhiên tốt, thông gió tự nhiên… và nhiều yếu tố khác nữa tốt cho sức khỏe của người sử dụng cũng như môi trường.
Tại các nước châu Âu, họ tập trung nhiều vào năng lượng, sử dụng năng lượng ít thì đồng nghĩa với tiện nghi nhiệt của căn nhà đó tốt. Còn các tiêu chuẩn khác, như chiếu sáng tự nhiên, tầm nhìn ra ngoài, tiện nghi âm thanh (giảm thiểu tiếng ồn không mong muốn)… đều đã nằm trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, xây dựng bắt buộc trước cả khi có khái niệm công trình xanh. Nhưng tại Việt Nam, chúng ta vẫn cho phép xây chung cư với phòng ngủ không có cửa sổ và bán bằng giá các phòng khác… Mặc dù chúng ta cũng có nhưng tiêu chuẩn về chiếu sáng tự nhiên, cách âm… nhưng đang bị lãng quên hoặc cũng đã quá lạc hậu.
Đối với chủ đầu tư, một số thích gắn nhãn xanh để bán hàng với tốt hơn, nâng cao hình ảnh thương hiệu, đó là lợi ích lớn nhất của họ. Với vai trò là khách hàng, chưa hiểu rõ về công trình xanh, tiện nghi công trình, năng lượng…, nên đôi khi bỏ tiền mua căn hộ trong công trình xanh nhưng thực chất chưa chắc đã xanh… Việc này cũng nên có những tổ chức, nhóm hội hỗ trợ kiến thức cho người mua nhà và xác định sản phẩm chất lượng thực sự, theo dạng hiệp hội người tiêu dùng bất động sản chẳng hạn.
-Thời gian qua, chia sẻ với truyền thông, nhiều chủ đầu tư cho biết, chi phí để xây dựng công trình xanh cao hơn nhiều so với các dự án thông thường. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
-Ở Việt Nam, thông thường chi phí xây dựng công trình xanh sẽ bị cao lên. Nguyên nhân là do chưa có kỹ thuật để tối ưu hóa thực sự, đội ngũ kỹ sư đang áp dụng những công nghệ cũ, có ít sự cập nhật trong khi công nghệ của thế giới đã đi rất xa. Việc không áp dụng công nghệ mới đã làm “đội giá” chi phí xây dựng một cách không cần thiết, mà vẫn làm tiêu hao năng lượng lớn. Đơn cử như dự án vài dự án văn phòng lớn ở Hà Nội, hệ thống điều hoà thiết kế ở mức 230%, nếu coi mức cần thiết là 100%, một toà văn phòng khác khoảng 180%.
Chúng ta đang tốn nhiều tiền để nhập các trang thiết bị công trình nhưng chính các thiết bị này lại làm tiêu thụ nhiều năng lượng, rất lãng phí. Ở phía ngược lại, chi phí trả cho nghiên cứu, tạo điều kiện tăng hiệu quả công trình khi thiết kế hầu như không có, thiết kế phí chủ yếu là đếm bản vẽ trả tiền, thay vì trả cho các tài liệu nghiên cứu, thuyết minh tính toán định lượng với số liệu chi tiết về hiệu quả kinh tế, môi trường mà thiết kế đó có thể đem lại. Như vậy là chi phí rất lớn chảy ra nước ngoài để nhập khẩu thiết bị. Điều này đồng nghĩa với việc không có chi phí dành cho phát triển nguồn lực chất xám trong nước. Vậy là chúng ta đang đi ngược lại với chủ trương thúc đẩy nội lực, công nghệ trong nước.
Hiện trạng không có chế tài kiểm soát thời gian nghiên cứu, thuyết minh tính toán môi trường, năng lượng, các đơn vị quản lý dự án cũng thường đòi hỏi thiết kế gấp rút để sớm đưa ra công trường… làm cho chất lượng thiết kế nhiệt, năng lượng, hiệu quả tài nguyên không thể cao được. Để phát triển tốt, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, hoà nhập với thế giới trong thời đại bảo vệ môi trường, cần xem xét, điều chỉnh quy trình, điều tiết thời gian thực hiện thiết kế, thẩm tra, phê duyệt cấp phép xây dựng, nghiệm thu… Tất nhiên, đây là khối lượng công việc rất lớn, tính chất cũng mới, liên quan tới nhiều chuyên ngành và các luật lệ đã tồn tại lâu dài, không dễ gì hoàn thành sớm được.
Việc này cần kêu gọi sự tham gia và nguồn lực của nhiều bên mới có thể thực hiện hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng môi trường hành nghề, để hướng tới tăng hiệu quả sử dụng vốn trong xã hội, bổ sung tính sinh thái, tính bền vững, hiệu quả năng lượng cho các công trình xây dựng. Và hơn hết, cần tôn trọng và thúc đẩy các giá trị chất xám, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường nội lực thay vì “độ dầy của hồ sơ bản vẽ”.
Xin cảm ơn chia sẻ của ông!
Vương Liễu (thực hiện)