Thứ bảy, 23/11/2024 05:15 (GMT+7)
Thứ hai, 02/05/2022 08:30 (GMT+7)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng

Theo dõi KTMT trên

Chỉ số CPI tháng 4/2022 tăng 0,18% so với tháng 3/2022; tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 tăng 0,18% so với tháng 3/2022; tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,18% của CPI tháng 4/2022 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Cụ thể, trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch có mức tăng cao nhất với 1,16% do giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 5,22% so với tháng trước do nhu cầu du lịch tăng trở lại; Nhóm giáo dục tăng 0,96% (làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm), trong đó dịch vụ giáo dục tăng 1,07% do một số địa phương tăng học phí trở lại năm học 2021-2022 sau thời gian miễn, giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,58% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,02%; giá tiền thuê nhà tháng 4 tăng 0,47%; giá gas tăng 2,63%; giá dầu hỏa tăng 7,25%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng - Ảnh 1
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng (Ảnh minh họa).

Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05% (làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực tăng 0,21% (tác động CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm); thực phẩm giảm 0,32% (tác động giảm 0,07 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,51% (tác động CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm);

Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,12%;

Nhóm giao thông giảm 0,59% (làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 01/4/2022, 12/4/2022 và 21/4/2022 làm cho giá xăng giảm 2,5%; giá dầu diezen tăng 7,01%. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,72% do giá nhiên liệu tăng; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,42%; phí thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,32%; phí học bằng lái xe tăng 0,11%.

Lạm phát cơ bản tháng 4/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,1%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.

Giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/4/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.950 USD/ounce, giảm 0,3% so với tháng 3/2022 do áp lực lợi suất trái phiếu tăng trở lại làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2022 tăng 0,73% so với tháng trước; tăng 12,28% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 5,65%.

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ quyết định đẩy mạnh việc nâng lãi suất trong thời gian tới.

Tính đến ngày 25/4/2022, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 100,04 điểm, tăng 1,58 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.016 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2022 tăng 0,07% so với tháng trước và giảm 0,64% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 4 tháng đầu năm 2022 giảm 0,66%.

Phải kiểm soát lạm phát kỳ vọng

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. Cùng với đó, giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát hiện hữu. Việc triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 để chủ động trong phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay, nhưng cũng sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, áp lực lạm phát còn đến từ khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý (như giá điện, nước, y tế, giáo dục…) có thể xảy ra, tạo áp lực tăng lạm phát đáng kể đối với Việt Nam. Việc triển khai mạnh Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 cũng sẽ là một tác nhân tăng cung tiền, gia tăng lạm phát 2 năm đó và có thể cả năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, ảnh hưởng trực tiếp tới giá một số hàng hóa quan trọng, Cục Quản lý giá tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường.

Trong quản lý, điều hành giá năm 2022, Cục Quản lý giá tiếp tục chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Để kiểm soát giá cả thị trường, không thể thiếu công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Thiện Tâm

Bạn đang đọc bài viết Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới