Thứ sáu, 22/11/2024 18:13 (GMT+7)
Chủ nhật, 06/06/2021 16:30 (GMT+7)

Chất lượng không khí Hà Nội ở mức rất xấu

Theo dõi KTMT trên

Ngày 6/6, trên bản đồ quan trắc chỉ số chất lượng không khí của một số ứng dụng cho thấy, chất lượng không khí tại Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng.

Tối ngày 5/6 và sáng ngày 6/6, bầu trời Hà Nội âm u, mịt mù như được bao phủ bởi làn khói mỏng. Hiện tượng này kéo dài nhiều giờ khiến tầm nhìn xa bị hạn chế đáng kể, thậm chí gây cảm giác ngột ngạt cho người dân khi ra đường. 

Chất lượng không khí Hà Nội ở mức rất xấu - Ảnh 1
Bầu trời Hà Nội âm u sáng ngày 6/6. (Ảnh: Zingnews)

Ghi nhận thời điểm 9h sáng nay, các ứng dụng theo dõi ô nhiễm không khí như PAM Air, Air Visual… đều đưa ra mức cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể, ứng dụng Air Visual của Tổ chức quan trắc chất lượng không khí thế giới đã đưa ra mức cảnh báo ô nhiễm không khí màu đỏ - mức xấu, giá trị AQI là 184. Thậm chí khu vực Tây Hồ tại thời điểm 11h30 có chỉ số không khí ở ngưỡng tím, rất có hại cho sức khỏe.

Trước đó, vào lúc 0h cùng ngày, chất lượng không khí trên ứng dụng IQAir tại Hà Nội ở mức tím (202 – mức rất xấu).

Trao đổi về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, đây không phải ngày đầu tiên trong mùa hè Hà Nội hứng chịu ô nhiễm không khí. Thực tế, suốt một tuần qua, thành phố nhiều ngày ghi nhận chỉ số AQI ở mức báo động. 

Các chuyên gia phân tích, đốt rơm rạ sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO2 , CH4, CO, SO2 và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển. Hơn nữa, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất.

Theo đó, nguyên nhân gây ra hiện tượng ô nhiễm trên là do tình trạng đốt rơm rạ sau vụ mùa gặt lúa. Chuyên gia lý giải thời điểm từ 17h-19h hàng ngày là khoảng thời gian người dân đốt rơm rạ sau một ngày dọn dẹp, thu gom trên đồng ruộng. Sau đó, cột khói bốc lên cao, các chất bụi bẩn, ô nhiễm lan khắp nội thành.

"Khói từ việc đốt rơm rạ có khả năng khuếch tán không quá xa, nhưng gặp điều kiện thuận lợi như gió, nhiệt độ đã mang các chất bụi bẩn vào nội thành. Đồng thời, Hà Nội là khu vực có nhà cao tầng chắn gió, mật độ dân số cao nên các chất ô nhiễm có khả năng bám lại lâu", ông Tùng cho hay. 

Ngoài ra, việc Hà Nội ô nhiễm không khí, xuất hiện lớp sương sáng ngày 6/6 xảy ra một phần do thời tiết khu vực chuyển mưa dông nên bầu trời âm u. Việc này cũng khiến các chất bụi bẩn khó khuếch tán nên chất lượng không khí ở nhiều nơi trở nên tồi tệ.

Cần giải pháp bền vững

Theo TS Hoàng Dương Tùng, chất lượng không khí tại miền Bắc vào mùa hè đa phần tốt hơn so với mùa thu đông. Thời gian qua, Hà Nội cũng có nhiều ngày chất lượng không khí trong lành do thời tiết thuận lợi và lượng người tham gia giao thông hạn chế vì dịch bệnh.

Chất lượng không khí Hà Nội ở mức rất xấu - Ảnh 2
Việc đốt rơm rạ làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển gây ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Báo Lao Động)

Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ đã khiến chất lượng không khí ảnh hưởng ngay lập tức. Bụi mịn PM2.5 cao ở AQI đỏ có hại cho sức khỏe, người dân cần hạn chế ra ngoài vào thời điểm về đêm. 

Ngoài ra, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, người dân nên tận dụng rơm rạ thu gom được để làm chế phẩm sinh học hoặc làm nấm, hạn chế xử lý bằng việc đốt.

Bên cạnh việc kêu gọi ý thức của người dân, chính quyền các quận, huyện ngoại thành có thể khuyến khích người dân thu gom tập trung để xử lý đồng bộ, bằng cách chi trả phí thu gom rơm rạ cho người dân. Việc này hỗ trợ người dân trong việc thu gom, xử lý rơm rạ sau mùa vụ, giảm tình trạng đốt rơm rải rác trên các cánh đồng.

"Đặc biệt, không nên trách người dân vì sao lại đốt rơm rạ, mà cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài hơn để họ hiểu và thực hiện. Theo tôi, chính quyền Hà Nội cần bắt tay vào thực hiện các giải pháp ngay từ bây giờ, trước khi mùa vụ mới kết thúc vào tháng 10-11 tới", chuyên gia Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

Từ việc phân tích các đặc tính xung quanh cây lúa, nhiều giải pháp được thiết lập nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả xử lý rơm rạ. Trong đó, với quy mô nhỏ áp dụng với các hộ gia đình, cá nhân có thể ủ rơm bằng chế phẩm sinh học, vi sinh (làm phân bón hữu cơ ngay tại đồng ruộng hoặc hỗ trợ các cây trồng khác); trồng nấm; tận dụng rơm rạ trong chăn nuôi (làm thức ăn và làm đệm lót sinh học); làm sản phẩm thủ công…

Quy mô lớn áp dụng với các khu vực sử dụng máy móc, công nghệ có thể cày vùi rơm rạ vào đất và lấy nước vào ruộng ngay sau thu hoạch; mô hình kết hợp (cuốn rơm - cày vùi gốc rạ - rải phân vi sinh); sử dụng làm nhiên liệu cho sản xuất năng lượng sinh học thay thế. Cùng trong một huyện nhưng các xã, cụm xã có thể lựa chọn nhiều giải pháp khác biệt để phù hợp với đặc tính địa phương như: Vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa), Bò sữa (huyện Ba Vì), Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm)….

Trước đó, ngày 18/9/2020, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ... Trong đó, UBND thành phố tăng cường và quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương.

Đặc biệt, tại Chỉ thị 15 của thành phố nêu rõ, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo từ ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn. 

Tuy nhiên đến nay, các biện pháp vẫn chưa đạt được hiệu quả. Khu vực ngoại thành vẫn tái diễn tình trạng đốt rơm rạ trên các cánh đồng.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Chất lượng không khí Hà Nội ở mức rất xấu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới