Thứ sáu, 26/04/2024 13:41 (GMT+7)
Thứ năm, 14/10/2021 10:11 (GMT+7)

Chất độc màu da cam hủy diệt môi trường Việt Nam ra sao?

Theo dõi KTMT trên

Chất độc màu da cam có chứa dioxin, là một chất độc cực mạnh, rất bền vững, khó phân hủy. Đây là một vũ khí hóa học chết người, để lại di hại khủng khiếp cho môi trường tự nhiên và nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn từ 1965 - 1971, đế quốc Mỹ đã dùng nhiều loại chất diệt cỏ, làm trụi lá cây nhằm phá hoại ta về quân sự và kinh tế. Ba loại chất độc hóa học chủ yếu đã được quân đội Mỹ dùng ở Việt Nam là: Chất độc màu da cam, chất trắng dùng để phá hủy rừng, chất xanh dùng để phá hoại mùa màng.

Chất độc màu da cam có chứa dioxin, là một chất độc cực mạnh, rất bền vững, khó phân hủy. Do đó chúng tồn tại rất lâu trong môi trường, tích lũy sau nhiều lần sử dụng, làm cho đất và nước bị ô nhiễm nặng, cây rừng bị hủy diệt.

Theo thống kê, tổng cộng đế quốc Mỹ đã rải 72 triệu lít chất diệt cỏ (bao gồm 44 triệu lít chất độc màu da cam, 20 triệu lít chất trắng, 8 triệu lít chất xanh) lên 1,7 triệu ha đất trồng và rừng ở miền Nam Việt Nam, ít nhất có 12% diện tích rừng, 5% diện tích đất trồng trọt bị rải chất độc màu da cam một hay nhiều lần.

Chất độc màu da cam hủy diệt môi trường Việt Nam ra sao? - Ảnh 1
Khu rừng Dương Minh Châu ( tỉnh Tây Ninh) trước và sau khi bị rải chất khai quang. (Ảnh: dientudacam.vn)

Theo đó, các chất diệt cỏ, làm trụi lá lần đầu tiên trong lịch sử loài người, được dùng với quy mô lớn ở miền Nam nước ta đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái và con người.

Trong đó, hàng triệu ha rừng ở nội địa và rừng ngập mặn ở ven bờ bị rải chất độc màu da cam nhiều lần, thậm chí đã có 10 - 20% số cây thuộc tầng cao nhất (chiếm 40 - 60% sinh khối của rừng) bị chết. Hậu quả nghiêm trọng nhất là khí hậu ở tầng thấp bị thay đổi, vì độ ẩm giảm, cường độ chiếu sáng tăng, nên các cây non dù có sống sót cũng khó phát triển. Ðến mùa khô, lửa rừng do bom đạn lan đến tiêu diệt luôn các cây con. Tiếp theo, đến mùa mưa đất bị xói mòn, thoái hóa dần, chỉ có một số loài thực vật ưa sáng như chè vè, lau, tre, nứa, là những loài cây có bộ rễ phát triển mạnh, thân ngầm khỏe, chịu được khô cằn có thể mọc được.

Đáng chú ý, nhiều vùng rừng bị nhiễm chất độc nặng nề, cho đến nay vẫn chưa thể “hồi sinh” được. Trong đó, hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, đặc biệt là rừng Sát (ở phía Ðông Bắc TP.HCM) và rừng ở huyện Năm Căn (Minh Hải) bị phá hủy nặng nề. Nguồn cung cấp gỗ cho người không còn, động vật không có nơi sinh sống, vai trò to lớn của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.

Không những thế, cây rừng bị trụi lá và nguồn nước bị ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến các loài động vật. Ðộng vật chết vì thiếu thức ăn, không có nơi trú ẩn và nguồn nước uống bị nhiễm độc. 

Chất độc màu da cam hủy diệt môi trường Việt Nam ra sao? - Ảnh 2
Trực thăng phun hóa chất khai quang ở Việt Nam. (Ảnh: Brian K.Grigsby)

Có thể nói rằng hệ sinh thái rừng mưa phong phú đã hoàn hoàn biến mất, thay vào đó là hệ sinh thái nghèo kiệt xơ xác. Chất diệt cỏ đã làm mất cân bằng sinh thái môi trường tự nhiên của Việt Nam.

Tuy nhiên, hệ lụy nghiêm trọng nhất mà chất diệt cỏ đem lại là tác động rất xấu đến con người. Theo đó, nguồn cung cấp lương thực bị đe dọa vì mùa màng, cây cối bị phá hủy. Nhiều dân thường, bộ đội sống trong vùng bị rải chất độc hóa học đã bị mắc các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư. Nhiều phụ nữ bị sảy thai, đẻ non.

Nguy hiểm hơn cả là chất độc màu da cam đã để lại di chứng cho đời sau, con cái của những người bị nhiễm chất độc hóa học, mặc dù sinh ra sau chiến tranh, thậm chí ở rất xa nơi có chiến sự, cũng mắc phải các bệnh hiểm nghèo hoặc có hình hài dị dạng. Sự tồn tại của hàng loạt các trẻ em dị tật trong các vùng bị nhiễm chất độc và trong các gia đình cựu chiến binh có bố hoặc mẹ từng công tác, chiến đấu trong vùng bị nhiễm chất độc màu da cam, đang trở thành nỗi đau và gánh nặng to lớn không chỉ riêng cho các em và gia đình, mà còn cho cả xã hội.

Có thể thấy, hậu quả của việc sử dụng chất độc màu da cam trong chiến tranh hoá học của Mỹ ở Việt Nam là to lớn, lâu dài, phức tạp, chưa được nghiên cứu đầy đủ và chưa có cách nào khắc phục được hoàn toàn nhanh chóng.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chất độc màu da cam hủy diệt môi trường Việt Nam ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới