Thứ sáu, 22/11/2024 22:09 (GMT+7)
Thứ ba, 22/02/2022 12:00 (GMT+7)

Chăm sóc trẻ em F0 tại nhà phải đặc biệt lưu ý điều gì?

Theo dõi KTMT trên

Việc chăm sóc và điều trị cho trẻ F0 là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Đặc biệt số ca mắc Covid-19 ở trẻ nhỏ đang tăng với tốc độ chóng mặt, phụ huynh cần nắm chắc một số dấu hiệu trẻ em F0 chuyển nặng và những yếu tố nguy cơ có thể làm bệnh nặng.

Dấu hiệu trẻ em F0 chuyển nặng

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay tình trạng mắc Covid-19 ở trẻ ngày càng gia tăng do trẻ đi học trở lại, một số lượng lớn các em chưa được tiêm vắc xin, cộng thêm tốc độ lây lan nhanh của virus. “Thông thường, khi trẻ mắc Covid-19, chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỉ lệ rất nhỏ vào viện khám.

Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số bão hòa ô xy giảm, bác sĩ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà. Thể nặng và nguy kịch là khi bão hòa ô xy tụt, trẻ kém ăn, bỏ bú, tổn thương phổi rõ rệt, thậm chí có trường hợp bị sốc, suy đa phủ tạng, phải thở máy…”, PGS Hiếu nói.

Chăm sóc trẻ em F0 tại nhà phải đặc biệt lưu ý điều gì? - Ảnh 1
Những đứa trẻ tại khu cách ly. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia y tế, đối tượng chăm sóc tại nhà gồm 2 nhóm chính. Thứ nhất là trẻ mắc bệnh đã được điều trị tại cơ sở y tế, được ra viện theo dõi tiếp tại nhà, dù vẫn còn dương tính - đối tượng này ngày càng nhiều. Thứ hai là trẻ mới mắc bệnh, mức độ nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ diễn biến bệnh nặng. Mục tiêu điều trị tại nhà là phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng để đưa trẻ vào viện; điều trị các triệu chứng thông thường - giống như cảm cúm, sốt virus; tránh lây nhiễm chéo trong gia đình.

“Chúng ta không nên quá căng thẳng mục tiêu thứ 3 vì thường các trẻ đã mắc thì bố mẹ cũng dễ mắc, nên việc bắt trẻ suốt ngày đeo khẩu trang cũng rất khổ. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là kịp thời phát hiện các triệu chứng nặng để báo cho cơ quan y tế và chuyển trẻ đến bệnh viện khi cần”, ông Hiếu nói.

Các bậc phụ huynh khi cần đưa con đến bệnh viện hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để trẻ được thăm khám kịp thời, tránh tình trạng lựa chọn bệnh viện không cần thiết vì Bộ Y tế đã giao các bệnh viện/viện có nhiệm vụ thăm khám, tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.

Những yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc Covid-19 diễn biến nặng

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em của Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh của trẻ là từ 2 - 14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày. Theo đó, các yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng cụ thể như sau:

- Trẻ đẻ non, cân nặng thấp;

- Béo phì, thừa cân;

- Đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá;

- Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản;

- Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi…);

- Bệnh thận mạn tính;

- Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu;

- Bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp);

- Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần);

- Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác;

- Các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải;

- Bệnh gan;

- Đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác;

- Các bệnh hệ thống.

Chăm sóc trẻ em F0 tại nhà phải đặc biệt lưu ý điều gì? - Ảnh 2
Trẻ mắc Covid-19 ở mức độ nguy kịch khi có dấu hiệu suy hô hấp. (Ảnh minh họa)

Theo đó, trẻ mắc Covid-19 ở mức độ nguy kịch có một trong các dấu hiệu sau: 

- Suy hô hấp nặng SpO2 < 90% khi thở khí trời, cần đặt NKQ thông khí xâm nhập;

- Dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng: Tím trung tâm; Thở bất thường, rối loạn nhịp thở; Thần kinh: ý thức giảm khó đánh thức hoặc hôn mê; Trẻ bỏ bú/ăn hoặc không uống được;

- Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS);

- Huyết áp tụt, sốc, sốc nhiễm trùng, lactat máu > 2 mmol/L;

- Suy đa tạng;

- Hội chứng viêm hệ thống liên quan tới Covid-19 trẻ em (MIS-C) có sốc/suy đa cơ quan;

- Cơn bão cytokin.

Theo hướng dẫn, khi điều trị F0 là trẻ em tại nhà, phụ huynh phải báo ngay với nhân viên y tế khi trẻ có triệu chứng bất thường như: Sốt trên 38 độ C; Trẻ lớn đã biết kêu tức ngực, trẻ nhỏ hơn thì người chăm sóc thấy trẻ quấy khóc hoặc các biểu hiện khác thường của trẻ; Trẻ kêu đau rát họng, ho; Trẻ cảm giác khó thở hoặc người lớn quan sát và nhận thấy trẻ khó thở; Trẻ bị tiêu chảy; Đo SpO2 dưới 96%; Trẻ mệt, không chịu chơi; Trẻ ăn/bú kém.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chăm sóc trẻ em F0 tại nhà phải đặc biệt lưu ý điều gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới