Cấp thiết xử lý, tái chế rác thải nông thôn
Hiện nay, số lượng rác thải phát sinh ở khu vực nông thôn tương đối lớn, khoảng 13 triệu tấn rác thải/năm. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ TN&MT, tỉ lệ thu gom còn thấp, đạt khoảng 40 - 50%; tỉ lệ tái chế cũng chỉ mới dừng ở 3,24%.
Gian nan xử lý rác
Mặc dù đến nay đã có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, tỉ lệ thu gom chưa đáp ứng nhu cầu nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ và các điểm giáp ranh giữa các thôn, xóm. Theo thống kê có khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ
Đơn cử như tại Bắc Ninh, mỗi ngày ở vùng nông thôn thải ra gần 400 tấn rác sinh hoạt các loại nhưng chỉ có khoảng hơn 20% số rác thải này được thu gom, tập kết vào nơi quy định để xử lý. Tại Tuyên Quang, chất thải mỗi ngày phát sinh khoảng 202 tấn, tỉ lệ thu gom chỉ đạt khoảng 30%, tương đương 60,6 tấn/ngày, dẫn đến tình trạng có nơi 5 ngày mới thu gom một lần. Tại Nghệ An, hàng ngày thải ra môi trường gần 900 tấn rác, hầu hết ở tình trạng chưa phân loại. Riêng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, những địa phương còn khó khăn của tỉnh vẫn còn phổ biến tình trạng xả rác thải sinh hoạt ngay tại vườn hoặc những địa điểm công cộng như chợ, đường giao thông và điểm giáp ranh giữa các thôn, xóm…
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn hiện nay đang gặp nhiều bất cập. Trong đó, có bất cập về việc đầu tư trong công tác quản lý chất thải nói chung, chất thải sinh hoạt nông thôn chưa được quan tâm đúng mức; Khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội từng địa phương, đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng vùng miền.
Hiện nay, có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt. Trong khi đó, nhiều điểm xử lý rác còn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vẫn phát sinh.
Đôn đốc địa phương triển khai các giải pháp thu gom và xử lý rác
Trước thực trạng về vấn đề rác thải sinh hoạt nói chung, trong đó có vấn đề xử lý rác thải nông thôn, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có yêu cầu rõ đến năm 2025, phải thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ.
95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỉ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn và Chủ tịch ủy ban cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải tại địa phương mình.
Để đẩy mạnh quản lý rác thải nông thôn, Bộ TN&MT đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 sẽ tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 của Thủ tướng về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể để thu gom và xử lý rác.
Trước hết, các địa phương phải rà soát lại các quy hoạch quản lý chất thải hiện có, có kế hoạch, lộ trình để chấm dứt việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã, khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh. Chấm dứt việc sử dụng các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, các khu vực lưu giữ chất thải, các bãi chôn lấp không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát, sửa đổi Quy chuẩn Việt Nam 61-MT: 2016/BTNMT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Tập trung sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong xử lý chất thải rắn theo hướng nghiêm ngặt hơn, tiệm cận với chuẩn của các nước tiên tiến. Đồng thời, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn theo hướng làm thí điểm tại các địa phương có các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khác nhau, trên cơ sở đó làm cơ sở nhân rộng cho các địa phương có điều kiện tương tự. Công bố danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với vùng, miền khu vực nông thôn.
Linh Chi