Thứ bảy, 20/04/2024 10:31 (GMT+7)
Thứ tư, 30/11/2022 18:15 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 30/11

Theo dõi KTMT trên

Từ tối nay, miền Bắc chìm trong mưa rét; Australia hỗ trợ 6 dự án về thị trường carbon tại Việt Nam; Hàn Quốc đón đợt tuyết rơi đầu tiên muộn hơn mọi năm... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Từ tối nay, miền Bắc chìm trong mưa rét

Chiều nay (30/11), không khí lạnh đã bắt đầu ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía Đông Bắc Bộ như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang… Dự báo tối và đêm nay, không khí lạnh mở rộng ảnh hưởng đến miền Bắc và Bắc Trung Bộ. 

Nền nhiệt bắt đầu giảm ở các tỉnh vùng núi Đông Bắc Bộ từ chiều nay. Vào 15h30, nhiệt độ tại Cao Bằng phổ biến 16-21 độ C, Lạng Sơn 17-19 độ C, riêng Mẫu Sơn 12-13 độ C. Ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng phổ biến 19-21 độ C.

Dự báo từ tối và đêm nay, các tỉnh Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời chuyển rét.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 30/11 - Ảnh 1
Dự báo từ tối và đêm nay, các tỉnh Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời chuyển rét.

Cụ thể, trong đêm nay và ngày mai (1/12), vùng núi Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất từ 9-11 độ C, có nơi dưới 5 độ C, khu vực trung du, đồng bằng từ 11-14 độ C, Bắc Trung Bộ từ 14-17 độ C.

Đêm 1/12 đến ngày 2/12 là thời điểm rét nhất của đợt rét này, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi Bắc Bộ xuống còn 8-11 độ C, có nơi dưới 3 độ C, trung du và đồng bằng Bắc Bộ từ 11-14 độ C, Bắc Trung Bộ từ 13-15 độ C, Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ 17-19 độ C. Riêng vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá, mưa tuyết thời gian này.

Dự báo sang ngày 3/12, nền nhiệt tăng nhẹ, vùng núi và trung du Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại, vùng đồng bằng Bắc Bộ trời rét.

Thủ đô Hà Nội nền nhiệt giảm từ đêm nay, sang ngày 1/12, nhiệt độ trong ngày dao động từ 14-16 độ C, trời nhiều mây, có mưa rào. Ngày 2/12, Hà Nội nhiều mây, có mưa nhỏ, nhiệt độ dao động từ 13-17 độ C. Sang ngày 3/12, trời nhiều mây, không mưa, nhiệt độ dao động từ 15-20 độ C.

Cơ quan khí tượng nhận định, đợt rét này còn kéo dài trong nhiều ngày tới ở miền Bắc.

Cùng với nền nhiệt giảm sâu, đợt không khí lạnh lần này kết hợp với gió Đông còn gây mưa diện rộng. Từ đêm nay, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ đêm nay đến sáng mai phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 40mm.

Từ gần sáng ngày 1/12 đến ngày 2/12, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 200mm.

Việt Nam - Na Uy thúc đẩy hợp tác toàn diện về lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Chiều 30/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tiếp và làm việc với bà Hilde Solbakken, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Na Uy tại Việt Nam và tập trung bàn thảo về các chương trình hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thời gian tới.

Tại buổi làm việc, bà Hilde Solbakken mong muốn có thể thúc đẩy được các hoạt động hợp tác nhất là trong những lĩnh vực mà Na Uy rất có thế mạnh như điều tra đánh giá tiềm năng và quy hoạch không gian biển, phát triển kinh tế biển xanh.

Bên cạnh đó, bà Hilde Solbakken cho biết, hiện nay, Chính phủ Na Uy đang có nguồn quỹ tài chính xanh hỗ trợ cho các hoạt động phát triển bền vững. Đại sứ mong muốn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ thêm thông tin, nhu cầu của Việt Nam, trên cơ sở đó, phía Na Uy có thể hỗ trợ tiếp cận và hưởng lợi từ nguồn vốn này.

Trao đổi với bà Hilde Solbakken, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về những chương trình thích ứng với BĐKH cũng như những lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế biển, tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, đa dạng sinh học…

Bộ trưởng đề nghị, phía Na Uy với những thế mạnh của mình sẽ giúp cho Việt Nam xây dựng được quy hoạch không gian biển quốc gia, giao khu vực biển; xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà phát triển dự án có kinh nghiệm, năng lực và có cam kết rõ ràng về tiến độ, chất lượng khảo sát điện gió ngoài khơi; Quy hoạch tổng thể quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ để Việt Nam có thể phát triển được kinh tế biển, năng lượng tái tạo và cùng Na Uy hợp tác, khai thác bền vững nguồn tài nguyên tiềm năng của Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng trao đổi với Đại sứ về nội dung quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam, trong đó, có các mục đích, nhu cầu hiện nay của Việt Nam đang đàm phán, do đó, việc hỗ trợ nguồn tài chính đối với Việt Nam là quan trọng.

Australia hỗ trợ 6 dự án về thị trường carbon tại Việt Nam

Mới đây, Đại sứ quán Australia đã công bố 6 dự án thúc đẩy sự phát triển của các thị trường carbon tại Việt Nam, trong khuôn khổ Nền tảng Đối tác Kinh doanh (BPP) của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT). Tổng vốn đầu tư các dự án là 3,7 triệu USD, trong đó, DFAT sẽ hỗ trợ 3,3 triệu USD.

Cụ thể, 6 dự án gồm: "Khuyến khích sản xuất lúa gạo phát thải thấp thông qua công nghệ vệ tinh” do CarbonFarm Technology, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, Rikolto và DFAT hợp tác thực hiện. Dự án sẽ đào tạo và hỗ trợ các đơn vị sản xuất lúa gạo chuyển sang thực hành phát thải thấp hơn, đồng thời thí điểm giải pháp Đo lường, Báo cáo và Xác minh (MRV) dựa vào vệ tinh đầu tiên trên thế giới cho lúa gạo. MRV vệ tinh sẽ tận dụng những tiến bộ trong công nghệ viễn thám để phát hiện các thực hành bền vững và ước tính chính xác mức giảm phát thải từ hình ảnh vệ tinh. Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế đang cung cấp tư vấn khoa học và hỗ trợ kiểm soát dữ liệu tại chỗ, nhằm đảm bảo dự án đạt được mức giảm phát thải mong muốn.

“Mở rộng tiếp cận thị trường carbon cho các nhà sản xuất lúa gạo bền vững” do Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, Gold Standard và DFAT hợp tác thực hiện. Dự án tạo ra nền tảng số giúp đơn giản hóa quá trình đăng ký và đánh giá các dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo theo phương pháp mới; cung cấp các công cụ đào tạo và nâng cao năng lực để hướng dẫn áp dụng rộng rãi các phương pháp và nền tảng; đồng thời, hỗ trợ các nhà sản xuất lúa gạo quy mô nhỏ tham gia thị trường carbon.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 30/11 - Ảnh 2
6 dự án thúc đẩy sự phát triển của các thị trường carbon tại Việt Nam NẰM trong khuôn khổ Nền tảng Đối tác Kinh doanh (BPP) của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT).

“Thúc đẩy các dự án carbon dựa vào thiên nhiên” do NatureCo, One Tree Planted, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển, Cooper Energy và DFAT hợp tác thực hiện. Dự án sẽ đánh giá cơ hội cho các Giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) trên phạm vi cả nước; phối hợp với các tổ chức địa phương để xây dựng và phát triển một dự án NbS thí điểm, tập trung giảm thiểu carbon thông qua trồng rừng. Những bài học kinh nghiệm sẽ được sử dụng để xây dựng bộ công cụ và tạo đà cho tăng trưởng trong tương lai và đầu tư của khu vực tư nhân vào NbS tại Việt Nam.

“Trồng cây vùng cao để tạo thu nhập và hấp thụ carbon” do Greenfield Consulting and Development, Đại học Queensland, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Tây Bắc và DFAT hợp tác thực hiện. Dự án sẽ tạo ra tín chỉ carbon bằng cách trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả kết hợp lấy gỗ trên đất dốc ở tỉnh Sơn La. Dự án đặt mục tiêu trồng 100.000 cây xanh và tạo ra ít nhất 300.000 tín chỉ các-bon (tương đương 300.000 tấn CO2), đồng thời, cải thiện sinh kế địa phương và bảo vệ môi trường.

“Than sinh học để loại bỏ carbon và cải thiện sinh kế” do Biocare Projects, EnergyLink Services, Đại học Adelaide, Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Mai Anh Đồng Tháp và DFAT hợp tác thực hiện. Dự án sẽ sản xuất than sinh học ở ĐBSCL nhằm loại bỏ khoảng 15.000 tấn CO2 tương đương hàng năm, tạo ra nguồn thu nhập mới cho cộng đồng địa phương thông qua việc thu mua nguyên liệu sinh khối và bán tín chỉ carbon.

“Thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua các dự án trồng rừng carbon” do South Pole, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng năng lượng và môi trường Việt Nam (VNEEC) và DFAT phối hợp thực hiện. Dự án sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các dự án REDD+ có thẩm quyền và lồng ghép, sử dụng mô hình dự án trồng rừng hiện có ở Tây Bắc; tăng cường năng lực cho các cá nhân và tổ chức để triển khai các dự án carbon, thông qua hỗ trợ, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ - tạo nền tảng bền vững cho quản lý rừng và các dự án carbon trong tương lai.

Hàn Quốc đón đợt tuyết rơi đầu tiên muộn hơn mọi năm

Đợt tuyết đầu tiên năm nay tại Hàn Quốc đến muộn hơn năm ngoái 19 ngày và muộn hơn mọi năm 9 ngày. Vùng núi cao ở đảo Jeju cũng đã đón đợt tuyết đầu tiên của năm 2022.

Cơ quan khí tượng Hàn Quốc cho biết đợt không khí lạnh tiến sâu vào đất liền Hàn Quốc lúc nửa đêm đã khiến nhiệt độ sáng sớm 30/11 ở thủ đô Seoul giảm xuống -6,9 độ C. Nhiệt độ buổi sáng đã giảm tới 16,2 độ so với ngày 29/11. Khu vực xã Imnam, huyện Cheorwon, tỉnh Gangwon ghi nhận nhiệt độ xuống tới -17,1 độ C, thành phố Gyeryong (tỉnh Nam Chungcheong) ghi nhận -10,9 độ C.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 30/11 - Ảnh 3
Đợt tuyết đầu tiên năm nay tại Hàn Quốc đến muộn hơn năm ngoái 19 ngày và muộn hơn mọi năm 9 ngày.

Các địa phương nằm sâu trong đất liền như thủ đô Seoul, phía Tây tỉnh Gangwon, tỉnh Bắc Chungcheong đã đưa ra cảnh báo "rét đậm”. Dự báo nhiệt độ sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong sáng 1/12 tới, theo đó thủ đô Seoul xuống -9 độ C và huyện Cheorwon (tỉnh Gangwon) xuống -14 độ C. Dự báo nhiệt độ sẽ vẫn giữ ở ngưỡng thấp vào ban ngày, trong đó miền Trung Hàn Quốc 0 độ C, miền Nam dưới 5 độ C. Phía Tây vùng Honam (bao gồm thành phố Gwangju, tỉnh Nam và Bắc Jeolla) và khu vực vùng núi đảo Jeju sẽ có tuyết rơi dày tối đa lên tới 7 cm.

Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cho biết đợt rét đậm lần này sẽ bắt đầu suy yếu dần từ ngày 2/12 tới, đồng thời khuyến cáo những người mắc bệnh về não, tim mạch, người cao tuổi, sức khỏe yếu và trẻ em nên ở trong nhà khi thời tiết lạnh sâu, trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài thì cần phải giữ ấm đầu và mặt. Ngoài ra, người dân cũng chú ý không để xảy ra tai nạn do tuyết đóng băng trên đường phố.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 30/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới