Thứ bảy, 20/04/2024 21:06 (GMT+7)
Thứ ba, 29/11/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 29/11

Theo dõi KTMT trên

Nhiều đợt không khí lạnh liên tiếp tràn về miền Bắc trong tháng 12; Quảng Nam: Đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng khu neo đậu tàu cá; Núi lửa lớn nhất thế giới phun trào lần đầu trong 40 năm... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Nhiều đợt không khí lạnh liên tiếp tràn về miền Bắc trong tháng 12

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh miền Bắc sẽ có nhiều ngày rét trong nửa đầu tháng 12 do có nhiều đợt không khí lạnh liên tiếp tràn về.

Theo đó, từ ngày 30/11, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa nên các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét.

Trong đợt không khí lạnh mạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi và trung du Bắc Bộ phổ biến từ 9-12 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C, vùng đồng bằng Bắc Bộ từ 12-14 độ C, Bắc Trung Bộ 13-16 độ C.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 29/11 - Ảnh 1
Nhiều đợt không khí lạnh liên tiếp tràn về miền Bắc trong tháng 12.

Trong đó, ngày 1-2/12 là hai ngày trời rét sâu nhất khiến khu vực Bắc Bộ nhiều khả năng rét đậm, vùng núi rét hại. Sang ngày 3/12, vùng núi và trung du Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại, vùng đồng bằng Bắc Bộ trời rét.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 1-3/12, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét, vùng núi có nơi rét đậm. Thời tiết Hà Nội ngày 30/11 có nhiệt độ giảm xuống còn 17-24 độ C, trời nhiều mây, mưa dông. Trong ngày 1/12, nhiệt độ tại Hà Nội chỉ dao dộng từ 12-16 độ C, nhiệt độ ngày 2/12 từ 14-16 độ C. Sang ngày 3/12, nền nhiệt tăng lên 15-22 độ, trời hửng nắng.

Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, từ chiều tối và đêm 29/11 đến đêm 30/11, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Riêng khu vực vùng núi Đông Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 120mm.

Từ đêm 1/12 đến ngày 3/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm.

Sau đợt không khí lạnh mạnh nói trên, dự báo khoảng ngày 4-5/12, một đợt không khí lạnh mới tiếp tục được tăng cường xuống miền Bắc, Bắc Trung Bộ, gây mưa dông, trời rét kéo dài nhiều ngày.

Quảng Nam: Đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng khu neo đậu tàu cá

UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng khu neo đậu và tránh trú bão tàu cá khu vực 3 xã Tam Tiến, Tam Hòa và Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành) tại thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến).

Dự án sẽ đầu tư tuyến kè bờ kết hợp trụ neo dài khoảng 200m, điểm đầu tuyến nối với bờ khu neo đậu cũ (phía bờ hữu khu neo đậu hiện tại), điểm cuối kéo dài hướng tuyến về phía cầu Tam Tiến; bao gồm các hạng mục: đỉnh kè rộng khoảng 5m, hệ cọc bê tông cốt thép dự ứng liên kết với bản đáy tường kè, trên đỉnh kè hệ thống mố neo bê tông cốt thép, bên ngoài bọc thép không gỉ, bố trí một số phao neo, hệ thống thoát nước và nạo vét khu vực bờ sông xây dựng kè…

Tổng mức đầu tư dự án là 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án: năm 2023 - 2025, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư.

Trước đó, UBND xã Tam Tiến và Đồn Biên phòng Tam Thanh (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) tổ chức ra mắt mô hình “Bến bãi an toàn” ở khu vực biên giới biển.

Tham gia mô hình có 30 chủ tàu thuyền khai thác hải sản của xã Tam Tiến. Các chủ tàu thuyền cam kết neo đậu tàu thuyền đúng vị trí, đảm bảo đầy đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm và các giấy tờ khác theo đúng quy định trước khi đăng ký xuất bến tại trạm kiểm soát biên phòng; kiểm tra trạng thái an toàn của tàu thuyền, trang thiết bị an toàn cứu nạn cho người và tàu thuyền khi rời bến.

Trong quá trình đánh bắt hải sản phải đúng ngành nghề, đúng vùng biển theo giấy phép đăng ký; khi có bão, áp thấp nhiệt đới phải mở máy liên lạc 24/24 giờ, thường xuyên liên lạc với Bộ đội Biên phòng Quảng Nam; tham gia cứu nạn cứu hộ khi có tàu thuyền gặp nạn… Cũng thông qua hoạt động của mô hình, ngư dân ngày càng đoàn kết gắn bó với nhau, họ sẵn sàng giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, thiên tai bão lũ xảy ra. Cùng chia sẻ thông tin về ngư trường để cùng đánh bắt được nhiều hải sản, mối quan hệ giữa phương tiện khai thác và phương tiện thu mua hải sản được gắn kết chặt chẽ hơn cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá ngay trên biển.

Thừa Thiên – Huế: Trồng 3.000 cây bản địa hưởng ứng “Chương trình 1 tỷ cây xanh”

3.000 cây bản địa như sến, lim xanh, chò, huỷnh... đã được các cơ quan, đơn vị ở Thừa Thiên – Huế tiến hành trồng nhiều nơi.

Theo đó, kỷ niệm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11) và hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ; Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức hoạt động trồng cây từ ngày 23-28/11.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 29/11 - Ảnh 2
3.000 cây bản địa như sến, lim xanh, chò, huỷnh... ở Thừa Thiên – Huế được trồng ở nhiều nơi nhằm hưởng ứng “Chương trình 1 tỷ cây xanh”.

Số cây được trồng tập trung tại khu vực Đội Cây Lợi thuộc xã Phong Thu (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế), khu vực ranh giới rừng giữa Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và rừng trồng của người dân huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), và khu vực từ Trạm Kiểm lâm Tây Sao La đến Trạm Kiểm lâm cửa rừng A Tép (huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế).

Chuỗi hoạt động trên còn duy trì, thực hiện hoạt động trồng cây xanh, xem việc trồng cây, trồng rừng là thiết yếu, thường xuyên và cần sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội.

Việt Nam – Nhật Bản hợp tác cùng phát triển trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Ngày 28/11, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường (InNET) đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác và tư vấn do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chủ trì nhằm mục đích về Khảo sát lập kế hoạch chi tiết triển khai Dự án SATREPS JICA – JST “Phát triển công nghệ cao chế tạo thiết bị phân tích nhanh, dễ sử dụng và tăng cường nguồn nhân lực phục vụ kiểm soát an toàn thực phẩm và chất lượng môi trường”.

Đây là hợp phần duy nhất thuộc Dự án nhằm xây dựng chương trình, trong đó, bao gồm tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực, tăng cường năng lực thực tiễn và cập nhật, tiếp cận, làm chủ các công nghệ tiên tiến, hiện đại của Nhật Bản về quan trắc, phân tích chất lượng môi trường.

Đối tượng của các khóa đào tạo, bồi dưỡng do nhà Trường triển khai trong khuôn khổ Dự án là cán bộ quản lý, công chức, viên chức được giao thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn có liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trên cả nước và các Bộ, ban, ngành có liên quan tại Trung ương và địa phương.

Qua đó, ông Hideaki Matsuoka – Trưởng đoàn Công tác, Nhóm quản lý môi trường, Vụ Môi trường toàn cầu của JICA cũng nhấn mạnh, sự vào cuộc mạnh  mẽ  và tham gia tích cực trong quá trình chuẩn bị và triển khai Dự án của các cơ quan Chính phủ Việt Nam là điều kiện cần thiết và quan trọng cho sự  thành công  của Dự  án, đặc biệt là Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ tài nguyên và môi trường với  vị  thế  là  đơn  vị  sự  nghiệp  công  lập  có  chức  năng  đào  tạo, bồi  dưỡng  cán  bộ, phục  vụ  chức  năng  quản  lý  Nhà  nước  của  Bộ  Tài  nguyên  và  Môi  trường.  

Trong chương trình Khảo sát lập kế hoạch chi tiết triển khai Dự án SATREPS JICA – JST về  “Phát triển công nghệ cao chế tạo thiết bị phân tích nhanh, dễ sử dụng và tăng cường nguồn nhân lực phục vụ kiểm soát an toàn thực phẩm và chất lượng môi trường”, Đoàn công tác và nhóm tư vấn lên kế hoạch làm việc và tổ chức triển khai các buổi khảo sát thực địa tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường (InNET); Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-HUS); Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh với thời gian dự kiến triển khai Dự án từ tháng 4/2023 – tháng 4/2028.

Dự án được triển khai trong khuôn khổ Chương trình hợp tác về Khoa học và Công nghệ phục vụ Phát triển bền vững (SATREPS), trong đó, xây dựng kế  hoạch chi tiết về phát triển công nghệ mới để giải quyết vấn đề toàn cầu và tăng cường năng lực cho các tổ chức nghiên cứu, mang lại lợi ích phục vụ  cho hai quốc gia và tìm ra phương hướng để duy trì Dự án. JICA thấy được tầm quan trọng của nhà trường đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát  triển nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường, và đặt nhiều kỳ vọng vào kết  quả tốt đẹp trong việc triển khai Dự án khi phối hợp cùng nhà trường. 

Núi lửa lớn nhất thế giới phun trào lần đầu trong 40 năm

Núi lửa Mauna Loa thuộc Công viên núi lửa quốc gia Hawaii (Mỹ) phun trào dung nham từ ngày 28/11, nhưng không đe dọa cộng đồng dân cư xung quanh, Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho biết ngày 28/11.

“Tất cả dấu hiệu cho thấy hoạt động phun trào chỉ diễn ra ở vùng đông bắc. Khí, có thể cả tro bụi và dung nham sẽ bị gió đẩy đi”, Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho biết.

Cơ quan quản lý giao thông khuyến cáo hành khách đi trên các chuyến đến sân bay quốc tế Hilo hoặc Ellison Onizuka tại Keahole cần kiểm tra thông tin với hãng bay trước khi đến ga hàng không, để bảo đảm không bị hoãn chuyến vì hoạt động của núi lửa.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 29/11 - Ảnh 3
Núi lửa lớn nhất thế giới phun trào lần đầu trong 40 năm.

Cục Hàng không liên bang Mỹ cho biết đang theo dõi tình hình và sẽ ban hành khuyến cáo sau khi xác định được quy mô đám mây bụi.

Cơ quan Quản lý tình huống khẩn cấp Hawaii cho biết, đến nay chưa thấy dấu hiệu cho thấy dung nham và bụi khí từ núi lửa đe dọa các cộng đồng dân cư xung quanh. Tuy nhiên, để đề phòng, hai trung tâm sơ tán đã được mở để sẵn sàng tiếp nhận người dân.

Bụi núi lửa có thể gây hư hại cho xe cộ và nhà cửa, gây ô nhiễm nguồn nước, làm tắc cống và mất điện, gây hại hoặc làm chết cây cối. Bụi núi lửa có thể bay vào mắt người và đi vào phổi qua đường hô hấp.

Vì vậy, giới chức địa phương khuyến cáo người dân ở trong nhà để tránh hít phải bụi, những người cần ra ngoài nên che kín miệng và mũi.

Với diện tích khoảng 4.000 dặm, Hawaii, còn được gọi là Đảo Lớn, là đảo lớn nhất trong chuỗi đảo Hawaii nhưng dân số chỉ hơn 200.000 người. Hầu hết người dân sống tập trung ở khu vực đô thị và ven biển.

Lam Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 29/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới