Thứ bảy, 23/11/2024 05:40 (GMT+7)
Thứ hai, 28/11/2022 18:15 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 28/11

Theo dõi KTMT trên

Chuyên gia nhận định đợt rét đậm đầu tiên trong mùa Đông 2022-2023; Động đất 3 độ ở TP.Hà Giang; Bhutan đứng đầu thế giới về giảm lượng khí thải carbon... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 28/11.

Chuyên gia nhận định đợt rét đậm đầu tiên trong mùa Đông 2022-2023

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa Đông năm nay sẽ xảy ra vào khoảng dịp Noel (trung tuần và khoảng nửa cuối của tháng 12/2022). Các rét đậm, rét hại tiếp theo dự báo sẽ tập trung vào tháng 1 và nửa đầu tháng 2 năm 2023.

Thời điểm hiện tại đang là cuối tháng 11/2022, đợt rét đậm đầu tiên chưa xảy ra nên chưa thể kết luận rét đậm, rét hại đến sớm hay muộn.

Bên cạnh đó, theo đặc điểm khí hậu, mỗi năm tần suất và chu kỳ hoạt động của khối không khí lạnh ở Bắc bán cầu sẽ khác nhau. Vì thế, các giai đoạn tăng nhiệt và giảm nhiệt ở khu vực Bắc bộ do tác động của không khí lạnh cũng khác nhau.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 28/11 - Ảnh 1
Xen kẽ các đợt không khí lạnh tăng cường yếu với thời tiết oi nóng thì có thể xuất hiện đợt không khí lạnh mạnh gây rét đậm, rét hại.

Tính trung bình thì thông thường rét đậm xuất hiện vào khoảng tuần thứ 3-4 của tháng 12 (dịp Noel hàng năm).

Theo dự báo, hiện tượng rét đậm, rét hại chủ yếu xuất hiện trong tháng 12/2022 và tháng 1 cùng nửa đầu tháng 2 năm 2023. Nơi có nền nhiệt độ thấp nhất sẽ là các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn...; đặc biệt là tại những nơi có địa hình núi cao ở khu vực này.

Dự báo nền nhiệt độ các tháng chính Đông năm nay ở mức xấp xỉ đến cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm. Xen kẽ các đợt không khí lạnh tăng cường yếu với thời tiết oi nóng thì có thể xuất hiện đợt không khí lạnh mạnh gây rét đậm, rét hại.

Trong các đợt có ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, gây rét đậm, rét hại, với nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ C, vùng núi 8-11 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C và có khả năng xảy ra băng giá thì có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trọng tâm lưu ý về rét đậm, rét hại xảy ra trong mùa Đông năm nay là ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai.

Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu, xu hướng nhiệt độ tăng trong tương lai gần như chắc chắn. Dù chúng ta có cắt giảm phát thải khí nhà kính ngay lập tức thì lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển hiện nay cũng đã làm cho Trái Đất nóng lên hơn 1 độ C so với hiện nay vào giữa thế kỷ.

Điều có có nghĩa, trong tương lai, chúng ta có thể có nhiều mùa Đông ấm hay “mất mùa Đông” ở nước ta. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ xảy ra nhiều hơn về tần suất và cường độ.

Động đất 3 độ ở TP.Hà Giang

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam vừa phát đi cảnh báo, một trận động đất có độ lớn 3.0 vừa xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.819 độ vĩ Bắc, 104.989 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km. Động đất xảy ra tại khu vực TP.Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Cụ thể, lúc 5h42 (giờ Hà Nội) sáng nay (28/11) động đất xảy ra tại khu vực TP.Hà Giang. Vào thời điểm đó, người dân trên địa bàn TP.Hà Giang nghe thấy tiếng nổ lớn và cảm nhận rõ sự rung lắc của nhà cửa. Tuy nhiên, trận động đất ít có khả năng gây ra rủi ro thiên tai, cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về tài sản của người dân.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho biết, vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Thanh Hóa khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển, giảm rủi ro thiên tai

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn biến ngày càng phức tạp, nước sông đã xâm thực sâu vào đất sản xuất, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 50 vị trí và các khu vực sạt lở nguy hiểm, khi xảy ra mưa lớn bất thường sẽ làm tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, công trình, tài sản của người dân; trong đó, giai đoạn 2021-2025 có 35 công trình, vị trí cần được ưu tiên xử lý, khắc phục khẩn cấp. 

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 28/11 - Ảnh 2
Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn biến ngày càng phức tạp, nước sông đã xâm thực sâu vào đất sản xuất, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Huyện Vĩnh Lộc là địa phương có sông Mã đi qua với chiều dài khoảng 20km. Các bãi bồi sát mép dọc bờ sông Mã đoạn qua địa bàn xã Vĩnh Yên xuất hiện nhiều đoạn sạt lở và ăn sâu vào bãi sông. Riêng đoạn bãi sông thuộc các thôn Yên Tôn Hạ, thôn Phù Lưu đã bị nước sông ăn sâu vào từ 30-40m. 

Tương tự, tại các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Khang, thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc) cũng xảy ra các hiện tượng bờ sông bị sạt lở. Các khu vực sạt lở hầu hết là bãi bồi được nhân dân sử dụng canh tác trồng hoa màu, có những đoạn mép sạt cách chân đê chỉ từ 150-200m. 

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Lộc, hiện tại trên địa bàn huyện có 18 vị trí có nguy cơ bị xảy ra sạt lở bờ sông; trong đó có 3 vị trí nguy cơ cao.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, đã có hàng chục ha đất "bờ xôi, bãi mật" sản xuất nông nghiệp của người dân dọc 2 bờ sông Mã thuộc các xã nói trên bị sạt lở, cuốn trôi hoa màu xuống dòng sông.

Hàng trăm hộ dân ở khu vực ven sông có khả năng bị ảnh hưởng nếu không khắc phục kịp thời tình trạng sạt lở.

Việt Nam cam kết bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản và bảo vệ đại dương

Ngày 28/11, tại TP.Đà Nẵng diễn ra phiên khai mạc Hội nghị Thường niên lần thứ 19 Uỷ ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (Hội nghị WCPFC19).

Theo đó, Hội nghị năm nay sẽ tập trung đánh giá một số hoạt động quan trọng của Ủy ban hoạt động trong năm; các chính sách, biện pháp quản lý nghề cá ngừ trong khu vực trong năm tiếp theo. Quyết định sự tham gia, trong đó, có việc xem xét trách nhiệm tuân thủ và quyết định chấp thuận hay từ chối Đơn xin là quốc gia không phải thành viên chính thức có hợp tác (CNM) (trong đó có Việt Nam).

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết, ngành thủy sản Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ nghề cá quy mô nhỏ (nghề cá nhân dân) sang nghề cá hướng tới phát triển bền vững với định hướng tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản và giảm sản lượng khai thác thủy sản.

Ngành khai thác thủy sản Việt Nam đã có giai đoạn phát triển nhanh, nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Với mục tiêu duy trì phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản với cơ cấu tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; sản xuất an toàn, hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao đời sống ngư dân, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đồng thời tuân thủ các quy định của khu vực, quốc tế có liên quan, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện mục tiêu nói trên như Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững; Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030; Đề án phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU đến năm 2025.

Thông qua các dự án của WPCPFC đã tạo điều kiện cho Việt Nam được tiếp nhận sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản cá ngừ, cá kiếm, nhận được thông tin đầy đủ hơn về nguồn lợi. Đồng thời, giúp Việt Nam nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và nghiên cứu, tiếp cận và áp dụng những công cụ đánh giá và xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép hàng năm hoặc trong từng giai đoạn nhất định trên cơ sở đưa ra những giải pháp quản lý nguồn lợi và phương pháp khai thác để bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi hải sản di cư, trong đó chủ yếu là cá ngừ tại vùng biển Việt Nam.

Bhutan đứng đầu thế giới về giảm lượng khí thải carbon

Theo Les Echos, Bhutan là 1 trong 3 quốc gia duy nhất trên hành tinh có thể tự hào về việc đáp ứng các cam kết về môi trường, cho phép vương quốc nhỏ bé ở dãy Himalaya này có mức cân bằng carbon âm.

Trên thế giới chỉ có 3 quốc gia có thể tự hào về kỷ lục như vậy, đó là Panama, Suriname và Bhutan. Ba quốc gia này hiện hấp thụ nhiều khí nhà kính hơn là thải ra.

Ở Bhutan, một quốc gia chỉ có diện tích bằng Thụy Sỹ, nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, các nhà lãnh đạo đã không ngần ngại chấp nhận rủi ro khiến động lực của nền kinh tế có thể suy yếu để bảo vệ môi trường.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 28/11 - Ảnh 3
Bhutan là 1 trong 3 quốc gia duy nhất trên hành tinh có thể tự hào về việc đáp ứng các cam kết về môi trường, cho phép vương quốc nhỏ bé ở dãy Himalaya này có mức cân bằng carbon âm.

Giống như mọi nơi khác trên hành tinh, Bhutan đã phải chịu đựng sự nóng lên toàn cầu từ nhiều năm nay: tuyết rơi ít hơn, sông băng tan chảy, nhiệt độ tăng lên và những cánh đồng lúa xuất hiện ở một số vùng phía bắc của đất nước.

Đối mặt với tình hình này và mặc dù du lịch là hoạt động công nghiệp hàng đầu của đất nước, nhưng chính quyền đã đưa ra một quyết định triệt để khi mở cửa lại biên giới cho khách du lịch nước ngoài vào tháng Chín vừa qua: tăng gấp ba số tiền thuế "phát triển bền vững" áp dụng cho bất kỳ ai muốn thăm Bhutan.

Từ 65 USD, giờ thuế này đã tăng lên đến 200 USD/đêm, một cách để khiến khách du lịch phải đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường. Lý giải với báo giới về quyết định này, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Bhutan khẳng định: "Bảo vệ môi trường lâu dài quan trọng hơn lợi nhuận kinh tế trước mắt."

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, thủy điện chiếm 32,4% kim ngạch xuất khẩu và 8% GDP của đất nước. Chỉ với hơn 800.000 dân, Bhutan thực sự là "quốc gia mẫu mực" về nỗ lực giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Lam Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 28/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới