Thứ bảy, 23/11/2024 09:27 (GMT+7)
Thứ tư, 23/11/2022 18:45 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 23/11

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc đón đợt rét diện rộng; Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030; Thời tiết khắc nghiệt gây căng thẳng cho kinh tế Australia... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.

Miền Bắc đón đợt rét diện rộng

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, khoảng cuối tháng 11, một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh có thể tăng cường xuống nước ta.

Do tác động của đợt không khí lạnh này nên khoảng ngày 29-30/11, miền Bắc có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Khoảng sau ngày 1/12, miền Bắc đón một đợt rét diện rộng của mùa đông năm nay.

Trước khi đón đợt không khí lạnh mạnh, hôm nay (23/11), một đợt không khí lạnh yếu đang tăng cường xuống nước ta.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 23/11 - Ảnh 1
Khoảng cuối tháng 11, một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh có thể tăng cường xuống nước ta.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường yếu kết hợp với nhiễu động gió Đông trên mực 1500m nên các tỉnh phía Đông Bắc Bộ từ đêm nay (23/11) đến ngày 24/11 có mưa, mưa rào và có nơi có dông, riêng khu vực Nam đồng bằng có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến từ 15-30mm, có nơi trên 50mm.

Từ đêm 23/11 đến ngày 24/11, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ trời chuyển lạnh, vùng núi đêm và sáng trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi phía Đông Bắc Bộ phổ biến từ 16-19 độ, khu vực trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ từ 19-21 độ.

Tại miền Trung, từ đêm nay đến ngày mai (24/11), khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 80mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo từ tháng 12, không khí lạnh sẽ gia tăng cường độ và tần suất, ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ nước ta.

Tăng cường hợp tác trong quy hoạch không gian biển vì đại dương bền vững

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và sứ quán Na Uy ở Hà Nội vừa ký thỏa thuận về hỗ trợ quy hoạch quốc gia không gian biển vì sự bền vững của đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Gói kỹ thuật mới này sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam củng cố và thực hiện quy hoạch không gian biển (MSP). Gói này cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam tạo dựng và thiết lập cấu trúc không gian biển hợp lý hơn và kết nối giữa các mục đích sử dụng, cân bằng nhu cầu tăng trưởng với nhu cầu duy trì các hệ sinh thái biển và các mục tiêu kinh tế và xã hội theo cách thức cởi mở và có tổ chức.

Nỗ lực này đặc biệt nhằm thúc đẩy cách tiếp cận liên ngành để quản lý lồng ghép các mối quan tâm về kinh tế, môi trường và xã hội trong kế hoạch chiến lược và đầu tư dài hạn. Quy hoạch không gian biển không nhằm thay thế việc lập kế hoạch theo ngành cụ thể. Thay vào đó, cung cấp định hướng cho những người ra quyết định chịu trách nhiệm về các lĩnh vực, hoạt động hoặc vấn đề cụ thể để đưa ra các quyết định đầy đủ hơn.

Gói hỗ trợ kỹ thuật này sẽ được thực hiện ở cấp trung ương và ba địa điểm ở cấp địa phương. Các địa điểm được lựa chọn dựa trên các tiêu chí sau: vùng sinh thái nhỏ có tiềm năng cho một giải pháp thiết thực; hỗ trợ chính trị và hành chính; sự sẵn có của nguồn dữ liệu lý sinh không gian và thông tin về các nguồn tài nguyên quan trọng; và cơ quan có thẩm quyền sẵn sàng xây dựng và thực hiện các quy hoạch không gian biển.

Việt Nam là một quốc gia với hơn một phần ba dân số sống ở các vùng ven biển. Kinh tế từ biển của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước, riêng kinh tế biển đóng góp từ 20 đến 22%. Tuy nhiên, đại dương của Việt Nam đang bị đe dọa do môi trường sống bị chia cắt, suy thoái, đánh bắt cá và các hình thức khai thác quá mức, biến đổi khí hậu và ô nhiễm chủ yếu là rác đại dương.

Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030

Ngày 23/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định 3220/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch phân công các nội dung công việc cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (tổ chức chủ trì, phối hợp, nguồn vốn và thời gian thực hiện) và xác định danh mục các chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên triển khai để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 23/11 - Ảnh 2
Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,  kế hoạch đã đề ra 8 nhiệm vụ cụ  thể. Đó là, xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; điều tra quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện các giải pháp và mô hình thí điểm về bảo tồn, phục hồi sử dụng bền vững hệ sinh thái, loài, nguồn gen và kiểm soát các tác động tới đa dạng sinh học; theo dõi, đánh giá việc tổ chức thực hiện kế hoạch, chiến lược.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học là đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược; chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai, thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên theo Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này và các nhiệm vụ thường xuyên nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch; định kỳ hàng năm thực hiện rà soát Kế hoạch, đánh giá, báo cáo, đề xuất các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Chiến lược.

Đồng thời, theo dõi, đánh giá và xây dựng báo cáo đánh giá việc thực hiện Chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được giao của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch hành động cấp tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược.

Động đất độ lớn 5,9 ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 22 người nhập viện

Theo Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất xảy ra vào khoảng 4h08 sáng 23/11 (giờ địa phương, tức 8h08 giờ Việt Nam) với tâm chấn tại thị trấn Golkaya, thuộc tỉnh Duzce - cách thành phố Istanbul khoảng 200 km về phía Đông. 

Trận động đất đã gây tâm lý hoảng loạn cho người dân địa phương và điện sinh hoạt tạm thời bị gián đoạn. Những rung chấn của trận động đất này được cảm nhận rõ tại thành phố Istanbul, thủ đô Ankara và nhiều khu vực khác của Thổ Nhĩ Kỳ. Ít nhất 35 dư chấn đã được ghi nhận sau trận động đất này.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu, ít nhất 22 người đã được đưa vào viện điều trị các vết thương gặp phải trong lúc hoảng loạn, trong số này bao gồm nhiều trường hợp nhảy từ ban công hoặc cửa sổ để tìm cách thoát thân. 

Trong khi đó, Tỉnh trưởng Duzce - ông Cevdet Atay cho biết nhiều trường học tại khu vực xảy ra động đất đã được lệnh tạm thời đóng cửa để đề phòng các nguy cơ có thể xảy ra.

Tại tỉnh Duzcer từng xảy ra trận động đất mạnh khiến khoảng 800 người thiệt mạng ngày 12/11/1999. Trước đó, vào tháng 8 cùng năm, một trận động đất mạnh đã khiến ít nhất 17.000 người thiệt mạng và tàn phá tỉnh Kocaeli (gần Duzce) cùng các khu vực khác ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời tiết khắc nghiệt gây căng thẳng cho kinh tế Australia

Theo CNN, trong báo cáo khí hậu hai năm một lần, Cơ quan Khoa học quốc gia Australia, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) và Cục Khí tượng Australia lên tiếng Australia đã trải qua những hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây như lượng mưa lớn dữ dội, hỏa hoạn kéo dài và mực nước biển dâng cao.

Các cơ quan này cảnh báo những thay đổi đang diễn ra nhanh hơn và sẽ gây thêm áp lực buộc Australia phải chuyển đổi nền kinh tế của mình hướng tới nhiên liệu xanh.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 23/11 - Ảnh 3
Australia đã trải qua những hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây như lượng mưa lớn dữ dội, hỏa hoạn kéo dài và mực nước biển dâng cao.

"Các mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra, bao gồm lượng mưa lớn, hạn hán, nắng nóng và cháy rừng đã và đang tác động rộng đến ngành nông nghiệp của Australia, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và sản xuất lượng thực", ông Michael Robertson, Giám đốc Nông nghiệp và thực phẩm tại CSIRO cho biết.

Australia là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản như thịt bò, rượu, đường, bông và len. Nước này cũng được biết đến bởi sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như quặng sắt, than đá và khí đốt.

"Chúng ta đang đối mặt với những thách thức đáng kể và cần thêm sự hỗ trợ và điều phối những thay đổi trong cơ sở hạ tầng, quy định, kỹ năng, công nghệ, tài chính và đầu tư cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường", ông Michael Battaglia, Người đứng đầu Sứ mệnh phát thải ròng bằng 0 (Towards Net Zero Mission) tại CSIRO nói trong một tuyên bố.

Australia gần đây đã chứng kiến những tác động tàn khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu, từ những đợt nắng nóng trên biển gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt tại Rạn san hô Great Barrier cho đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bao gồm cả lũ lụt. Năm nay, quốc gia này đã trải qua hiện tượng khí hậu La Nina lần thứ ba liên tiếp, gây ra những trận mưa lớn và thường xuyên hơn, khiến các con sông vỡ bờ, gây ra lũ lụt cho các cộng đồng dân cư gần bờ biển và nội địa.

Sau nhiều năm đối phó với hạn hán, nông dân đã mất mùa do quá nhiều nước trũng và các nhà dự báo thời tiết cảnh báo hiện tượng này sẽ còn tiếp diễn thường xuyên hơn. Khí hậu là vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử Australia gần đây vào tháng 5 khi Chính phủ mới lên nắm chính quyền với hứa hẹn sẽ thúc đẩy năng lượng tái tạo. Ngay sau khi nhậm chức, Tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã tăng cường kế hoạch cắt giảm 43% lượng khí thải của Australia vào năm 2030 – giống với mục tiêu của năm 2005. Đây là mục tiêu đầy tham vọng so với chính quyền tiền nhiệm nhưng các chuyên gia khí hậu cho rằng vẫn chưa đủ mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 23/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới