Thứ năm, 02/05/2024 19:12 (GMT+7)
Thứ năm, 22/09/2022 18:15 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 22/9

Theo dõi KTMT trên

Cảnh báo hai đợt mưa rất lớn liên tiếp cuối tháng 9; Quảng Bình: Đề xuất tháo gỡ vướng mắc về đất cho hoạt động khoáng sản; Động đất mạnh tại miền Tây Mexico khiến nhiều tòa nhà rung lắc... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Cảnh báo hai đợt mưa rất lớn liên tiếp cuối tháng 9

Chiều 22/9, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã diễn ra phiên họp trực tuyến về công tác dự báo đợt mưa lớn trong những ngày cuối tháng 9 tới đây.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Chủ tịch Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã chủ trì phiên họp trực tuyến với sự tham gia của 3 đài KTTV khu vực: Bắc Bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ và các Viện Khoa học KTTV và Môi trường, Viện Khoa học Địa chất khoáng sản

Tại cuộc họp các dự báo viên và chuyên gia đã thảo luận và thống nhất nhận định về những dấu hiệu cảnh báo một đợt mưa lớn từ 22-25/9 và đợt tiếp theo khả năng diễn ra từ 27- đến 28, 29/9. Những nguy cơ, tác động của đợt mưa này đến các hồ đập, công trình thủy lợi, khả năng sạt lở, lũ quét ở vùng núi, ngập úng ở vùng đồng bằng trũng thấp.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 22/9 - Ảnh 1
Cảnh báo hai đợt mưa rất lớn liên tiếp cuối tháng 9.

Qua theo dõi và phân tích hiện trạng hệ thống thời tiết và sản phẩm dự báo cho thấy khả năng cao xuất hiện các đợt mưa lớn kéo dài ở khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ trong thời gian tới. Trong khoảng thời gian từ đêm 22/9 đến khoảng ngày 25/9 mưa từ 150-250mm, có nơi trên 350mm, trọng tâm từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Tiếp theo có thể xuất hiện đợt mưa lớn từ ngày 27-29/9 ở cùng khu vực nói trên với xác suất 60-70%.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, năm nay do ảnh hưởng của La Nina nên không khí lạnh có thể hoạt động sớm và mạnh hơn bình thường. Theo dự báo hiện tại, sẽ có đợt không khí lạnh yếu ảnh hưởng đến nước ta kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, cùng với hoạt động của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao có thể gây mưa to đến rất to cho các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các vùng trũng thấp. Cần rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh.

Quảng Bình: Đề xuất tháo gỡ vướng mắc về đất cho hoạt động khoáng sản

Góp ý cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2013, tỉnh Quảng Bình có một số kiến nghị liên quan đến vấn đề xác định loại đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản. Cụ thể, vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn cần giải quyết trong cách xác định loại đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản.

Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: Theo mục 2.2.5.6, Phụ lục số 01, Thông tư 27/2018/TT- BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ TN&MT quy định về thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, quy định: Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản là đất để thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản gắn liền với khu vực khai thác khoáng sản, đất xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động khoáng sản và hành lang an toàn trong hoạt động khoáng sản; Trừ khoáng sản là đất, đá, cát, sỏi sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm, sứ, thủy tinh.

Quy định nêu trên “trừ khoáng sản là đất, đá, cát, sỏi sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng” là không khớp với quy định tại Điều 152, Luật Đất đai. Đồng thời, Luật Khoáng sản cũng quy định, đối với đất, đá, cát, sỏi sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng cũng được xác định là khoáng sản và phải thực hiện cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định. Vậy nên, xác định đất để thăm dò, khai thác khoáng sản là đất, đá, cát, sỏi sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm, sứ, thủy tinh vào loại đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm là chưa phù hợp.

Hoàn trả cho nhà nước gần 6,35 tỷ đồng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản

Sáng 22/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định báo cáo kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đầu tư Báo cáo kết quả xác định chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư mỏ đá vôi Chư Tsê, xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ông Triệu Trung Kiên - Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Báo cáo đã khái quát tình hình điều tra, đánh giá, thăm dò mỏ đá vôi Chư Tsê từ trước đến nay; kết quả địa chất đạt được cũng như chất lượng của từng công trình, công việc đã thi công; khối lượng sử dụng; phương pháp tiến hành, điều kiện thi công được đánh giá chi tiết. Đồng thời, báo cáo đã sơ bộ đánh giá tình hình khai thác đá vôi từ trước cho tới nay cũng như hiện trạng của mỏ.

Báo cáo kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư đối với các giấy phép khai thác khoáng sản trong phạm vi “Báo cáo điều tra, đánh giá triển vọng sa khoáng ven biển từ Khánh Hoà đến Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Trần Minh Sơn thuộc Trung tâm Kiểm định địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết, qua kết quả rà soát, tập thể tác giả đã xác định có 2 giấy phép thuộc đối tượng xác định chi phí hoàn trả. Theo đó, chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư là khoảng 3,4 tỷ đồng.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 22/9 - Ảnh 2
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định báo cáo kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả.

Báo cáo xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư đối với các giấy phép khai thác khoáng sản trong phạm vi Báo cáo tìm kiếm nước khoáng vùng Đèo Bụt - Đá Chồng, Quảng Ninh, ông Nguyễn Việt Bảo thuộc Trung tâm Kiểm định địa chất cho biết: Kết quả tính toán của tập thể tác giả là chính xác, phản ánh đúng đắn và khách quan số tiền nhà nước đã đầu tư một số công trình địa chất để đánh giá nước khoáng trong khu vực đề nghị cấp phép khai thác nước khoáng tại lỗ khoan LK3B phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Thế giới cam kết tăng cường hỗ trợ tài chính để chống khủng hoảng đa dạng sinh học

Bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ mới đây, Đức đã cam kết tài trợ 1,5 tỷ euro mỗi năm cho đa dạng sinh học quốc tế - tăng hơn gấp 2 lần so với các cam kết hiện tại.

Các quốc gia sẽ sớm tập trung tại Montreal, Canada để tham gia hội nghị thượng đỉnh quan trọng về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc (COP15) vào tháng 12 năm nay nhằm hoàn thiện và thông qua một khuôn khổ để bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng COP15 phải là bước ngoặt cho nỗ lực bảo tồn trên toàn cầu. Với khoản đóng góp 1,5 tỷ euro mỗi năm, Đức mong muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ về kết quả tham vọng của COP15 về đa dạng sinh học.

Trong khi Đức cam kết khoản đóng góp lớn nhất trong số các nước công nghiệp phát triển, các nước khác đã công bố các chiến lược mới, bao gồm kế hoạch tài trợ cho đa dạng sinh học được Ecuador, Gabon, Vương quốc Anh và những quốc gia khác ủng hộ.

Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso cho hay, kế hoạch này kêu gọi đóng góp từ các chính phủ, các thế chế tài chính, lĩnh vực tư, các nhà hảo tâm... để huy động các nguồn lực cho đa dạng sinh học.

Những người tham dự sự kiện cấp cao bên lề, trong đó có Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nhắc lại cam kết bảo vệ và bảo tồn ít nhất 30% lãnh thổ đất liền và đại dương của nước này trước năm 2030. Theo ông, Canada đang nỗ lực để đạt được cam kết và sẽ tiếp tục huy động sự hỗ trợ toàn cầu để đạt được mục tiêu này, cũng như bảo vệ đa dạng sinh học trên khắp hành tinh.

Theo báo cáo năm 2021 của Diễn đàn kinh tế thế giới, hiện có khoảng 17% lãnh thổ thế giới được bảo vệ, nhưng chỉ 7% đại dương toàn cầu được bảo tồn một phần và chưa đến 3% được bảo vệ ở mức cao.

Các nhà kinh tế nhấn mạnh, để đảo ngược sự suy giảm đa dạng sinh học vào năm 2030, thế giới cần chi 967 tỷ USD mỗi năm, cao hơn con số hiện tại là hơn 800 tỷ USD một năm.

Động đất mạnh tại miền Tây Mexico khiến nhiều tòa nhà rung lắc

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết vào lúc 6h16 GMT (13h16 giờ Việt Nam), một trận động đất có độ lớn 6,8 đã làm rung chuyển bang Michoacan, miền Tây Mexico. Hiện chưa có báo cáo thương vong hay thiệt hại do trận động đất này.

Theo USGS, tâm chấn nằm ở độ sâu 20,7km, cách thủ đô Mexico City khoảng 410km. Trung tâm Cảnh báo sóng thần (Mỹ) không đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra sóng thần sau động đất.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 22/9 - Ảnh 3
Trận động đất có độ lớn 6,8 đã làm rung chuyển bang Michoacan, miền Tây Mexico.

Động đất khiến nhiều tòa nhà bị rung lắc và cư dân thành phố Mexico City đã chạy ra khỏi nhà khi chuông báo động vang lên.

Trận động đất trên xảy ra chỉ vài ngày sau trận động đất có độ lớn 7,7 khiến 2 người thiệt mạng và 10 người bị thương trưa 19/9 giờ địa phương (tức rạng sáng 20/9 giờ Hà Nội).

Ngoài ra, hơn 200 tòa nhà đã bị hư hại. Hầu hết thiệt hại tập trung ở bang Colima và Michoacan.  

Mexico nằm trong khu vực địa chấn cao, với sự tương tác của 5 mảng kiến tạo gồm Bắc Mỹ, Cocos, Thái Bình Dương, Rivera và Caribe, đồng thời cũng thuộc Vành đai Lửa - vòng cung từ châu Mỹ sang châu Á, nơi tập trung tới 90% các trận động đất trên thế giới, trong đó có 8/10 trận động đất mạnh nhất.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 22/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.