Thứ sáu, 22/11/2024 19:39 (GMT+7)
Thứ năm, 22/12/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 22/12

Theo dõi KTMT trên

WWF kêu gọi giảm nhu cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã dịp Tết; Rét đậm, rét hại sẽ còn kéo dài đến đầu năm 2023; Nắng nóng ở Chile làm trầm trọng thêm cháy rừng... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.

WWF kêu gọi giảm nhu cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã dịp Tết

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) vừa chính thức khởi động chiến dịch truyền thông giảm nhu cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các nguy cơ liên quan.

Đây là nội dung trong Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thực hiện.

Với thông điệp “Thịt rừng kề miệng, nguy cơ chực chờ”, chiến dịch nêu bật 3 nguy cơ chính gắn liền với hành vi tiêu thụ thịt động vật hoang dã, bao gồm: Nguy cơ sức khỏe cộng đồng; nguy cơ vi phạm pháp luật trong nước, quốc tế và nguy cơ tác động tiêu cực tới thiên nhiên. Chiến dịch được triển khai từ ngày 21/12 và xuyên suốt dịp Tết Quý Mão 2023 với nhiều hoạt động truyền thông trực tuyến và tại nhiều địa phương có diện tích rừng lớn như Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng….

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 22/12 - Ảnh 1
WWF chính thức khởi động chiến dịch truyền thông giảm nhu cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã, với thông điệp “Thịt rừng kề miệng, nguy cơ chực chờ”.

Việt Nam là một trong số các nước châu Á sử dụng thịt và các sản phẩm khác từ thú rừng làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh trong suốt nhiều thế hệ. Nhu cầu liên tục đối với các sản phẩm này dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài trong tự nhiên tại Việt Nam, đồng thời tạo áp lực đến quần thể động vật hoang dã ở các nước láng giềng.

Theo ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học, để đạt được mục tiêu giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng, phải có một sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của từng cá nhân, và chuẩn mực, quan niệm xã hội. Hành vi tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã phải được coi là không thể chấp nhận được trong xã hội. Chúng ta cần tất cả người dân chấm dứt hành động trên để ngăn ngừa các nguy cơ đại dịch và rủi ro cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời đảm bảo cơ hội sinh tồn cho quần thể các loài động vật trong tự nhiên.

Rét đậm, rét hại sẽ còn kéo dài đến đầu năm 2023

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 1 đến 3/2023, không khí lạnh sẽ tiếp tục hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại ở nhiều tỉnh. 

Vào cuối tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023, không khí lạnh sẽ tiếp tục hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại.

Chuyên gia Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), cho biết từ tháng 1-3/2023, La Nina (hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường) có khả năng tiếp tục duy trì với xác suất trong khoảng từ 50-55%.

Với xu thế đó, trong 2 tháng đầu năm 2023, không khí lạnh sẽ tiếp tục hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại.

Riêng trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 31/12, ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, thời tiết phổ biến là trời rét. Trong đó, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại; thời kỳ đêm 28, ngày 29/12 có mưa, mưa rào rải rác.

Cùng với không khí lạnh, từ nay đến tháng 3/2023, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện 1 hoặc 2 xoáy thuận nhiệt đới và tập trung ở khu vực Nam Biển Đông, không ngoại trừ khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Nam.

Dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước từ tháng 1-3/2023 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn khoảng 0,5 độ C; khu vực Bắc Bộ, trong tháng 2/2023, nhiệt độ cao hơn khoảng 0,5 độ C trung bình nhiều năm.

Quảng Ngãi: Đập ngăn mặn hư hỏng, ảnh hưởng hàng trăm ha đất nông nghiệp

Sau hơn 20 năm sử dụng, một số hạng mục công trình Đập ngăn mặn Hiền Lương (thuộc xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi) bị hư hỏng. Hàng trăm hecta đất nông nghiệp của người dân đang đối diện với nguy cơ không sản xuất được

Theo phản ánh của người dân, sau nhiều năm sử dụng và trải qua nhiều đợt mưa, lũ, một số hạng mục của đập Hiền Lương bị hư hỏng, xuống cấp. “Đập này bị hư hỏng đã lâu và ngày càng nặng hơn, nhất là khi thủy triều lên, nước mặn ngập vào, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Để đối phó với tình trạng này, bà con sạ lúa dày nhằm trừ hao khi lúa bị ngập mặn. Tuy nhiên, do đập Hiền Lương đã bị hư hỏng nhiều điểm ở đáy đập nên lượng nước mặn tràn vào lớn, đến khi thủy triều rút thì nước ngọt tại các kênh đều có lẫn nước mặn”, anh Nguyễn Thanh Quang (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) than phiền.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 22/12 - Ảnh 2
Một số hạng mục của đập Hiền Lương bị hư hỏng, xuống cấp.

Không những sản xuất nông nghiệp đối diện tổn thất, tình trạng đập Hiền Lương xuống cấp còn ảnh hưởng đến kết nối giao thông thôn Hiền Lương, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) với xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Hạng mục cầu, đường dẫn đang trong tình trạng bong tróc, hư hỏng nặng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân.

Theo đơn vị vận hành – Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Quảng Ngãi, đập ngăn mặn Hiền Lương hàng năm vẫn được duy tu, sửa chữa nhưng do điều kiện môi trường nước mặn xâm thực, một số kết cấu hạng mục công trình như ăn mòn bề mặt bê tông lớp bảo vệ, các kết cấu thép của hệ thống cửa van.

Gần 90% dân số châu Phi chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) vừa công bố một kết quả khảo sát cho thấy, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp và tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của 88% dân số châu Phi.

Đây là khảo sát về khí hậu đầu tiên của EIB thực hiện tại các quốc gia châu Phi bao gồm Angola, Cameroon, Côte d'Ivoire, Ai Cập, Jordan, Kenya, Maroc và Tunisia.

Theo kết quả khảo sát, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của người dân châu Phi, với 61% cho rằng thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Những tổn thất này thường là do hạn hán nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao, xói mòn bờ biển hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão lụt.

57% số người châu Phi tham gia khảo sát cho biết, họ hoặc những người mà họ biết đã thực hiện một số hành động để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, như đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm nước để giảm tác động của hạn hán.

Trong khi đó, hơn 1/3 (34%) số người được hỏi đánh giá biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà người dân ở đất nước họ đang phải đối mặt, bên cạnh những thách thức lớn khác như lạm phát hoặc khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Khi được hỏi về các nguồn năng lượng mà đất nước họ nên đầu tư, 76% người châu Phi cho rằng nên ưu tiên cho năng lượng tái tạo, vượt xa nhiên liệu hóa thạch (13%). Ông Ambroise Fayolle, Phó Chủ tịch EIB cho biết: “EIB đã hỗ trợ đầu tư năng lượng sạch ở Châu Phi, như năng lượng gió, thủy điện và các giải pháp hệ thống năng lượng mặt trời không nối lưới trong nhiều năm. EIB sẵn sàng sử dụng đầy đủ các công cụ tư vấn và tài chính để hỗ trợ các đối tác nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích ứng với các tác động tiêu cực và đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng”.

Mặc dù góp phần ít nhất vào biến đổi khí hậu, nhưng Châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi vấn đề này. Lục địa này phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu kéo dài, ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, an ninh lương thực và nước, hệ sinh thái, sinh kế, sức khỏe, cơ sở hạ tầng và di cư.

Nắng nóng ở Chile làm trầm trọng thêm cháy rừng

Một đợt nắng nóng vừa tấn công Chile, với nhiệt độ kỷ lục ở một số khu vực và thiếu lượng mưa đã làm gia tăng các vụ cháy rừng, thiêu rụi hơn 7.000 ha ở quốc gia Nam Mỹ này.

Theo các quan chức, hàng chục người đã phải sơ tán khỏi nhà vì cháy rừng và thủ đô Santiago trong tình trạng báo động về sức khỏe cộng đồng do đám khói từ cháy rừng.

Tổng công ty Lâm nghiệp Quốc gia Chile (CONAF) cho biết, các nhân viên cứu hỏa đã giải quyết 18 đám cháy tập trung ở các khu vực miền Trung nước này, cũng như một số lượng nhỏ hơn ở phía Nam.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 22/12 - Ảnh 3
Nắng nóng tấn công Chile đã làm gia tăng các vụ cháy rừng, thiêu rụi hơn 7.000 ha ở quốc gia Nam Mỹ này.

Tại một số địa phương ở vùng Valparaiso, cư dân của khoảng 40 ngôi nhà đã được sơ tán và hàng chục ngôi nhà bị lửa thiêu rụi.

Tại thành phố Santiago, nơi sinh sống của khoảng 6 triệu người, khói mù mịt do cháy rừng ở thị trấn nông thôn Curacavi gần đó, nơi ngọn lửa đã tàn phá diện tích hơn 1.700 ha và 120 động vật, gia súc đã được chuyển ra khỏi khu vực. Chính quyền địa phương đã ban hành cảnh báo sức khỏe cộng đồng do khói cháy rừng.

Bà Constanza Martinez, đại diện chính quyền thành phố Santiago cho biết, thành phố đã theo dõi các hạt mịn và hạt thô hơn để xem xét ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe. Trong khi đó, chính phủ Chile đã tăng cường nguồn lực để kiểm soát sự lây lan của cháy rừng.

Ông Miguel Munoz, Giám đốc Văn phòng khẩn cấp quốc gia thành phố Santiago cho biết, sóng nhiệt không chỉ khiến những đám cháy rừng ngày càng gia tăng cường độ mà các nhân viên cứu hỏa của CONAF cũng phải đối mặt với tình trạng mất nước nhiều hơn.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 22/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới