Thứ bảy, 23/11/2024 00:59 (GMT+7)
Thứ năm, 22/12/2022 11:55 (GMT+7)

Hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam”

Theo dõi KTMT trên

Sáng nay (22/12), tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với sự hỗ trợ của Vương Quốc Anh, Chương trình Cải cách Kinh tế ASEAN... (UNDP) tổ chức hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam”

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (SDforB) - VCCI chia sẻ, chúng ta đang ở những ngày cuối cùng của năm 2022. Đối với các doanh nghiệp, đây có lẽ là thời điểm hối hả, bận rộn nhất để “bứt tốc và về đích” hoàn thành các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Cũng chính vì thế, mà sự tham gia đông đảo của đại diện các doanh nghiệp trong Hội thảo ngày hôm nay cho thấy sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp đến chủ đề luôn nóng – kinh doanh liêm chính, kinh doanh công bằng.

Hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam” - Ảnh 1
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (SDforB) - VCCI. (Ảnh: Huyền Diệu)

Nhận định của bà Sanda Ojiambo, Giám đốc điều hành Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu (UN Global Compact): “Tham nhũng hiện vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế xã hội toàn cầu. Tham nhũng làm tác động tới tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; tác động tiêu cực đến các thị trường và gây ra những hệ lụy bất bình đẳng đến cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Hành động tập thể đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy kinh doanh liêm chính và xây dựng một nền kinh tế toàn cầu minh bạch hơn”. 

Nhận thức tham nhũng là vấn đề có tác động toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu trong phòng chống tham nhũng, với tầm nhìn thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, VCCI hiểu rằng chỉ khi kiến tạo được một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, liêm chính, chúng ta mới có thể huy động và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực của khối doanh nghiệp tư nhân, tránh thất thoát lãng phí, từ đó doanh nghiệp có thể đặt niềm tin và tập trung nguồn lực cho sản xuất – kinh doanh, đầu tư dài hạn, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững của địa phương và quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam” - Ảnh 2
Ông Tomas Kvedaras, Chuyên gia dự án, Mạng lưới Liêm chính Tư pháp tại ASEAN, Dự án FairBiz, Văn phòng UNDP vùng tại Bangkok. (Ảnh: Huyền Diệu)

Nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020 và thực hiện Kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện, tập hợp cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam, VCCI đã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm phát huy vai trò của DN, HHDN, hiệp hội ngành nghề trong PCTN thông qua việc: xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của DN; từng bước xóa bỏ tệ hối lộ trong quan hệ giữa DN và cơ quan nhà nước; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn và phát hiện kịp thời hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ của cán bộ, công chức…

VCCI đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác, gắn kết với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong triển khai các hoạt động thúc đẩy thực hiện PCTN trong kinh doanh. VCCI tích cực tham gia vào các sáng kiến để học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu và làm nổi bật các nỗ lực trong nước về công tác thúc đẩy kinh doanh liêm chính. VCCI là thành viên Ban điều hành của Mạng lưới trách nhiệm xã hội DN ASEAN (ASEAN CSR Network), là thành viên Tổ công tác về liêm chính tại ASEAN; là đối tác hiệu quả với các tổ chức quốc tế như OECD, UNDP, và thành viên Mạng lưới hiệp ước toàn cầu - UNGC, Hội đồng DN vì sự Phát triển Thế giới - WBCSD...

Hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam” - Ảnh 3
Bà Ruth Turner, Tham tán chính trị và phát triển, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội. (Ảnh: Huyền Diệu)

VCCI đã phối hợp rất chặt chẽ với UNDP từ năm 2017, dưới sự hỗ trợ của Vương quốc Anh triển khai Dự án Fairbiz và Sáng kiến Liêm chính giữa doanh nghiệp và Chính phủ (GBII). Điểm lại một số kết quả tiêu biểu mà chúng tôi đã đạt được trong thời gian qua có thể kể đến như: gần 1500 doanh nghiệp đã được đào tạo về cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử; thu hút 15 hiệp hội doanh nghiệp với gần 13 nghìn hội viên tham gia ký cam kết kinh doanh liêm chính; hỗ trợ kỹ thuật cho 05 doanh nghiệp bao gồm Traphaco, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Fine Scandinavia, và 02 doanh nghiệp do nữ làm chủ; khởi xướng Mạng lưới Doanh nghiệp Kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBIN) năm 2021.

Sự ra đời của VBIN thể hiện nỗ lực lớn của VCCI, UNDP, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam trong việc thúc đẩy nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp VN về kinh doanh liêm chính, thúc đẩy hành động của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về các nguyên tắc và thực tiễn kinh doanh liêm chính, cũng như tăng cường sự tham gia của nhiều bên, đối thoại chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn tại Việt Nam.

Hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam” - Ảnh 4
Bà Đinh Thị Bích Xuân, Phó Giám đốc, SDforB, VCCI, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào các sáng kiến tập thể thông qua Mạng lưới Kinh doanh Liêm chính Việt Nam (VBIN). (Ảnh Huyền Diệu)

VBIN đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng và đáng khích lệ như: ra mắt Bộ chỉ số kinh doanh liêm chính, đánh giá hiện trạng thực hiện kinh doanh liêm chính cho 30 công ty niêm yết tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, xây dựng nền tảng công cụ đánh giá trực tuyến mức độ thực hiện kinh doanh liêm chính của doanh nghiệp. Tất cả những nội dung này cũng sẽ được chia sẻ cụ thể với quý vị đại biểu trong chương trình Hội thảo hôm nay.

Kết quả điều tra Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI thực hiện đã cho thấy rằng các hoạt động phòng chống tham nhũng trong những năm gần đây đã đem lại những kết quả tích cực. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức nói chung trong điều tra PCI 2021 giảm xuống mức 41,4%, so với mức 44,9% của năm 2020. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (năm 2006 là 70%). Quy mô khoản chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể theo thời gian khi mà tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để chi trả loại chi phí này chỉ khoảng 4,1%, thấp hơn gấp đôi so với năm 2016 (9,1%).

Hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam” - Ảnh 5
TS .Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành, Economica Việt  Nam, Chuyên gia tư vấn, giới thiệu Chỉ số Kinh doanh liêm chính (VBII) - Bộ công cụ tự đánh giá dành cho doanh nghiệp. (Ảnh: Huyền Diệu)

Không gian cải thiện vẫn còn rất nhiều. Ví dụ, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết “Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” là 57,4% trong năm 2021, cao hơn con số 54,1% của năm 2019-2020. Nói thế để thấy rằng để tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn, ngoài sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp chính quyền, thì sự chủ động, chung tay, hành động tập thể của cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định. Hành động tập thể giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực, tạo ra những tác động có tính lan tỏa cao hơn, giúp thúc đẩy nhanh hơn những thay đổi mang tính hệ thống hướng tới kinh doanh liêm chính, minh bạch.

Thùy Dung - Thế Anh

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới