Thứ tư, 24/04/2024 08:33 (GMT+7)
Thứ hai, 19/12/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 19/12

Theo dõi KTMT trên

Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục rét đậm; WWF cảnh báo tình trạng khai thác cát gây sụt lún tại ĐBSCL; Chất lượng không khí tại New Delhi lại giảm xuống mức “rất kém”... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.

Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục rét đậm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 19/12, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam.

Dự báo khoảng đêm 20/12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ. Gió đông bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7.

Từ ngày 21/12, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời tiếp tục rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 10-13 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6-9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 6 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 13-16 độ C.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 19/12 - Ảnh 1
Đỉnh Tà Chì Nhù, xã Xà Hồ và đỉnh Tà Xùa ở xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, vào sáng, đêm hôm qua và sáng sớm nay (19/12) đã xuất hiện băng tuyết trên diện rộng.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường liên tục, những ngày qua, nhiệt độ ở Yên Bái giảm sâu, vùng núi cao dưới 7 độ C, có nơi ở mức 0 độ C và xuất hiện băng giá, sương muối.

Tại đỉnh Tà Chì Nhù, xã Xà Hồ và đỉnh Tà Xùa ở xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, vào sáng, đêm hôm qua và sáng sớm nay (19/12) đã xuất hiện băng tuyết trên diện rộng.

Trên biển, từ đêm 20/12, vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực giữa Biển Đông gió đông bắc lại mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 3,0-5,0m, riêng Vịnh Bắc Bộ 2,0-4,0m, biển động. Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, vùng biển phía tây khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh.

Cảnh báo, từ đêm 20 đến ngày 21/12, khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to và dông; khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.

Từ ngày 21-23/12, khu vực Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại. Vùng núi Bắc Bộ có khả năng xảy ra băng giá, sương muối.

Hơn 2.000 ha rừng đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái

Ngày 16/12, UBND xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị đã tổ chức công bố chứng nhận FSC dịch vụ hệ sinh thái về lưu trữ và hấp thụ carbon cho 2.145ha rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý.

Giai đoạn 2020 - 2022, thông qua Dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” do Liên minh Châu Âu và tổ chức MCNV tài trợ, lần đầu tiên tại Việt Nam, 2.145 ha rừng tự nhiên của 5 cộng đồng gồm thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng), thôn Hồ và thôn Cát (xã Hướng Sơn), thôn Trăng – Tà Puồng (xã Hướng Việt) và thôn Xa Bai (xã Hướng Linh) thuộc huyện miền núi Hướng Hóa đã được cấp chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái về lưu trữ và hấp thụ carbon với trữ lượng lưu trữ tại các diện tích rừng này khoảng 350.000 tấn CO2 và lượng hấp thụ hàng năm khoảng 7.000 tấn CO2.

Kết quả này mang đến cơ hội cho các chủ rừng cộng đồng trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ và chi trả tự nguyện cho dịch vụ hệ sinh thái do Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế (Forest Steward Council – FSC) khởi xướng trên toàn cầu.

Tỉnh Quảng Trị có khoảng 20.000 ha đã được giao cho các cộng đồng ở khu vực miền núi quản lý và bảo vệ. Trong đó, khoảng 2/3 diện tích chưa có các cơ chế tài chính để hỗ trợ cộng đồng bao vệ rừng. Các cộng đồng được giao rừng quản lý và bảo vệ rừng chủ yếu trên tinh thần tự nguyện, khó đảm bảo sự bền vững trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Việc tạo ra các cơ chế hỗ trợ tài chính và nâng cao năng lực cho những cộng đồng này trong công tác quản lý rừng bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Sóng lớn hất văng 10 container chứa tủ lạnh, máy giặt xuống biển

Ngày 19/12, Công ty TNHH MTV Vận tải biển Gemadept báo cáo Cảng vụ Hàng Hải Quảng Ngãi và Quảng Nam về vụ việc nhiều container bất ngờ rơi từ tàu chở hàng văng xuống vùng biển miền Trung.

Theo đó, tàu Pacific Express rời Cảng TP.HCM lúc 23h54 ngày 15/12, chở 8.117 tấn hàng hóa đến Cảng Hải Phòng. Khoảng 17h10 ngày 17/12, tàu đi ngang qua Hòn Ông gần cửa Đà Nẵng thì sóng lớn giật cấp 8, cấp 9 hất văng nhiều container xuống biển.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 19/12 - Ảnh 2
Sóng lớn hất văng 10 container chứa tủ lạnh, máy giặt xuống biển.

Quá trình đánh giá và kiểm đếm, thuyền trưởng và các thuyền viên phát hiện 10 container chứa thiết bị điện tử, điện lạnh rơi xuống biển. Sau đó, thuyền trưởng tàu Pacific Express báo khẩn cấp cho Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng để phát bản tin an toàn và cảnh báo các tàu xung quanh.

Liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Dung Quất (Quảng Ngãi), cho hay qua kiểm tra, đơn vị xác định bên trong hai container chứa nhiều tủ lạnh, tivi và máy giặt trôi dạt vào gành đá mũi Nam Châm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

Ảnh hưởng thời tiết xấu biển động mạnh nên ngày 19/12, cơ quan chức năng vẫn chưa thể trục vớt được hai container trôi dạt vào khu vực này. Bước đầu, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Dung Quất xác định chủ sở hữu của hai container trôi dạt nhiều khả năng của Công ty TNHH MTV Vận tải biển Gemadept (doanh nghiệp chuyên về logistics, có trụ sở tại TP.HCM).

Bên hông mỗi container có dòng chữ Gemadept Logistics dạt vào bờ, mắc cạn trên ghềnh đá. Một container bị thủng phần đáy, cửa bị mở, bên trong chứa nhiều thùng carton ghi dòng chữ "tủ đông". Một số thiết bị điện lạnh bị sóng đánh bung ra ngoài.

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất đã điều lực lượng bảo vệ tại hiện trường, đề phòng các vật thể trôi dạt, va chạm gây nguy hại cho công trình, tàu thuyền trên biển.

Hồi tháng 2/2021, tàu sắt dài hơn 30 m chở 71 kiện hàng, không có người, trôi dạt cách bờ biển Bình Định 100 km, sau đó được ngư dân lai dắt vào bờ giao cho chính quyền và bán đấu giá 380 triệu đồng. Mới đây, hôm 9/12, thêm tàu sắt dài khoảng 40 m, rộng 10 m dạt vào bờ biển Quảng Trị.

WWF cảnh báo tình trạng khai thác cát gây sụt lún tại ĐBSCL

Ngày 19/12, tại Cần Thơ, diễn ra Tọa đàm "Quản lý Cát bền vững ở ĐBSCL và Giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông" do Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam WWF- Việt Nam) và báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia dự án Quản lý Cát Bền vững ở ĐBSCL, WWF - Việt Nam cho biết, sự mất cân bằng khá nghiêm trọng ngân hàng cát ở ĐBSCL âm từ 26,5 – 39,5 triệu tấn/năm. Hiện nay toàn vùng có 665 điểm sạt lở với chiều dài 656 km. Trong đó, đặc biệt nguy hiểm 181 điểm, dài 172,4km; nguy hiểm 137 điểm, dài 193,2km.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 19/12 - Ảnh 3
WWF cảnh báo tình trạng khai thác cát gây sụt lún tại ĐBSCL.

Theo ông Anh, do quá nhiều đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn dẫn đến lượng trầm tích đổ về đồng bằng từ thượng nguồn giảm theo thời gian, đến 2040 dự đoán chỉ còn 4,5 triệu tấn trầm tích đổ về ĐBSCL trong đó 10- 15% là cát so với 143,2 triệu tấn năm 2007.

Ông Hà Huy Anh khuyến cáo, khai thác cát thay vì dựa trên trữ lượng cát ở đáy sông, cần dựa trên cân bằng của ngân hàng cát để hạn chế rủi ro về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, cát sông của ĐBSCL hoàn toàn phụ thuộc vào các quốc gia thượng nguồn, có vai trò rất quan trọng, đang cạn kiệt nhanh chóng.

Các tài liệu khoa học cho thấy, lưu vực sông Mekong đóng góp lượng trầm tích cho vùng ÐBSCL với tỷ lệ bồi tụ trung bình hằng năm từ 0,3 - 1,8mm. Lượng trầm tích đổ về đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sự sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn... và là nguồn duy trì, nuôi dưỡng đồng bằng. Tuy nhiên, các nghiên cứu của giới chuyên gia thời gian qua cho thấy, lượng phù sa, bùn cát của sông Mekong đã giảm khoảng 50%, từ 160 triệu tấn vào năm 1992 xuống còn 75 triệu tấn năm 2014.

Theo báo cáo của Ủy hội Sông Mekong công bố năm 2018, tổng lượng trầm tích (bao gồm cát) đổ về sông Tiền và sông Hậu đang ngày càng giảm dần và dự kiến chỉ còn khoảng 4,5 triệu tấn trầm tích vào năm 2040. Nguyên nhân là do hàng loạt thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn.

Chất lượng không khí tại New Delhi lại giảm xuống mức “rất kém”

Sau vài ngày trời trong xanh, ngày 19/12, ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ lại giảm xuống mức 'rất kém' do nhiệt độ hạ và trời lặng gió khiến các chất ô nhiễm tích tụ trong không khí.

Theo số liệu của Cơ quan Giám sát chất lượng không khí trung ương Ấn Độ, Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại khu vực Anand Vihar thuộc thủ đô New Delhi là 457, cao gấp 9 lần so với mức "tốt".

Hệ thống Chất lượng không khí, Nghiên cứu và Dự báo thời tiết của Chính phủ Ấn Độ cho rằng chất lượng không khí suy giảm là do nhiệt độ và tốc độ gió giảm. Trong những ngày gần đây, nhiệt độ tại thủ đô New Delhi dao động quanh mức 6 độ C, thấp hơn mức tối thiểu thông thường 8 độ C được ghi nhận vào thời điểm này hằng năm.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 19/12 - Ảnh 4
Ngày 19/12, ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ lại giảm xuống mức "rất kém" do nhiệt độ hạ và trời lặng gió khiến các chất ô nhiễm tích tụ trong không khí.

Tình trạng ô nhiễm tại New Delhi thường trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa Đông do không khí nặng ẩm khiến khí thải từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trường xây dựng và khói mù từ việc người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch tích tụ khó tan. Ô nhiễm gây ra các bệnh như hen suyễn và một số vấn đề hô hấp khác.

Năm nay, tình trạng ô nhiễm từ việc đốt rơm rạ tại các bang lân cận Punjab, Haryana và Uttar Pradesh đã giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, các biện pháp như thỉnh thoảng tạm dừng hoạt động xây dựng, rửa đường phố và hạn chế các phương tiện chạy bằng dầu diesel cũng chỉ giúp khắc phục phần nào tình trạng ô nhiễm tại thủ đô New Delhi.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 19/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.