Thứ sáu, 29/03/2024 12:39 (GMT+7)
Thứ tư, 17/08/2022 17:07 (GMT+7)

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 17/8

Theo dõi KTMT trên

Nợ vay của Chính phủ nhích tăng, dư nợ công lên tới 3,7 triệu tỷ đồng; Nợ công của Italia chạm mức cao kỷ lục... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 17/8.

Nợ vay của Chính phủ nhích tăng, dư nợ công lên tới 3,7 triệu tỷ đồng

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa phát hành bản tin nợ công số 14 của Việt Nam giai đoạn 2017-2021. Số liệu thống kê năm 2021 có thể sẽ được chỉnh lý sau khi quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 được Quốc hội phê chuẩn.

Theo thông tin từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm dần thời gian qua. Tính đến hết năm 2021, nợ công tương đương 43,1% GDP. So với GDP, nợ nước ngoài tính đến hết năm 2021 khoảng 38,4% GDP.

Tính đến hết năm 2021, thứ nhất, nợ Chính phủ lên đến gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 160 nghìn tỷ so với thời điểm cuối tháng 6/2021.

Trong đó, vay nước ngoài khoảng 1,075 triệu tỷ đồng (giảm khoảng 33 nghìn tỷ so với cuối tháng 6/2021); trong khi đó, vay trong nước tăng lên hơn 2,2 triệu tỷ đồng (tăng trên 190 nghìn tỷ đồng), chiếm 67,2% dư nợ Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo. Ngược lại, dư nợ vay vốn nước ngoài của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hằng năm và đang có xu hướng giảm dần, giúp làm giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 17/8 - Ảnh 1
Nợ vay của Chính phủ nhích tăng, dư nợ công lên tới 3,7 triệu tỷ đồng.

Tính riêng tổng trả nợ trong kỳ đạt gần 370 nghìn tỷ đồng, gồm 262 nghìn tỷ để trả nợ gốc và hơn 107 nghìn tỷ để trả lãi và phí.

Phân theo từng bên cho vay, chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản hơn 316 nghìn tỷ, Hàn Quốc, Pháp và Đức lần lượt cho vay hơn 32 nghìn tỷ, 30 nghìn tỷ và 14 nghìn tỷ đồng.

Tính theo đối tác đa phương, Ngân hàng Thế giới đứng đầu danh sách chủ nợ với hơn 380 nghìn tỷ, tiếp đến là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với hơn 188 nghìn tỷ...

Thứ hai, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh tính đến cuối năm 2021 đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ nước ngoài khoảng 168 nghìn tỷ đồng; nợ trong nước.

Tổng trả nợ trong kỳ đạt gần 89 nghìn tỷ đồng, gồm 74 nghìn tỷ trả nợ gốc và hơn 14 nghìn tỷ trả lãi và phí.

Thứ ba, dư nợ của chính quyền địa phương khoảng 51 nghìn tỷ đồng.

Tổng trả nợ trong kỳ đạt gần 5,7 nghìn tỷ đồng, gồm hơn 4 nghìn tỷ trả nợ gốc và khoảng 1,5 nghìn tỷ trả lãi và phí.

Về kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022, kế hoạch vay của Chính phủ tối đa 673.546 tỷ đồng, gồm: vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 646.849 tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương tối đa là 450.700 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc không quá 196.149 tỷ đồng; vay về cho vay lại 26.697 tỷ đồng.

Trả nợ của Chính phủ khoảng 335.815 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 299.849 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại 35.966 tỷ đồng.

Liên quan đến Chiến lược nợ công đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 460/QĐ-TTg tháng 4 vừa qua, một số mục tiêu đáng chú ý như phấn đấu nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Việc xây dựng Chiến lược nợ công đến năm 2030 kế thừa vai trò tích cực của chính sách quản lý nợ công giai đoạn vừa qua, góp phần tăng cường ổn định vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, tác động sâu rộng tới việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước, các cơ quan, tổ chức, các địa phương cần sớm nghiên cứu, quán triệt đầy đủ và đề ra kế hoạch, lộ trình chi tiết đối với từng mục tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể tại từng cơ quan, tổ chức, địa phương, tổ chức thực hiện các giải pháp huy động, quản lý và sử dụng vốn vay nợ công để triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030 một cách hiệu quả, thiết thực.

Lợi nhuận nhiều ngân hàng đã gần cán đích cả năm chỉ sau 6 tháng

Bất chấp những khó khăn lớn vẫn còn tồn tại sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều dấu hiệu khả quan, với nhiều thành viên đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt, thậm chí có thành viên đã gần cán đích kế hoạch lợi nhuận năm dù mới chỉ đi qua một nửa quãng đường.

Saigonbank là một ví dụ. Báo cáo tài chính quý 2/2022 mới công bố cho thấy, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 176 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nhập từ lãi tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng với 499 tỷ đồng (tăng trưởng gần 46%) nhờ tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng ở mức khá cao (9,7%). Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng tăng lần lượt tăng 27,7% và 42% so với cùng kỳ.

Với kế hoạch lợi nhuận 190 tỷ đồng cho cả năm 2022, ngân hàng đã hoàn thành tới 93% mục tiêu lợi nhuận của cả năm.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 17/8 - Ảnh 2

Trong khi đó, Ngân hàng Bản Việt cũng đang tiến đến rất gần đích khi hoàn thành được tới 79% kế hoạch năm chỉ trong 6 tháng.

Tương tự, nhiều thành viên khác như Eximbank, LienVietPostBank hay ACB cũng chỉ cần nửa năm để hoàn 2/3 chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng vẫn còn cách vạch đích khá xa như OCB (mới hoàn thành 24% kế hoạch), VietBank (36%), BacABank (45%)…

Xét về con số tuyệt đối, Vietcombank vẫn đang dẫn đầu hệ thống với mức lợi nhuận ghi nhận trong 6 tháng đầu năm lên tới 17.373 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ, hoàn thành 57% kế hoạch năm.

Trong khi đó, nhờ ghi nhận khoản thu nhập đột biến thỏa thuận độc quyền với bảo hiểm AIA trong quý 1 đã giúp VPBank - một đại diện từ khối ngân hàng thương mại tư nhân vượt qua một loạt các “ông lớn” để trở thành ngân hàng đạt lợi nhuận cao thứ 2 hệ thống.

Cụ thể, sau 6 tháng, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 15.323 tỷ đồng, tăng trưởng tới 70% so với cùng kỳ và hoàn thành 52% kế hoạch năm.

Dù chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất, nhưng một “ông lớn” có vốn nhà nước là Agribank cũng đạt kết quả khả quan với 15.080 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ sau 6 tháng, tăng trưởng tới 59% so với cùng kỳ, cao thứ ba trong hệ thống.

Hai ngân hàng TMCP tư nhân là Techcombank và MB đang lần lượt chiếm vị trí thứ tư và năm trong bảng xếp hạng lợi nhuận, với con số đạt được lần lượt là 14.106 tỷ đồng (tăng trưởng 22%) và 11.896 tỷ đồng (tăng trưởng 49%).

Với mức lợi nhuận 11.607 tỷ đồng và 11.084 tỷ đồng, VietinBank và BIDV bị đẩy xuống vị trí thứ sáu và bảy trong top các ngân hàng có lợi nhuận lợi nhất trong 6 tháng đầu năm nay. Dù vậy, hai ngân hàng cũng đã hoàn thành trên 50% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh, đi cùng với đó, bộ đệm dự phòng của các nhà băng cũng được đẩy lên mức cao chưa từng có nhằm giúp ngân hàng phòng trừ rủi ro do biến động thị trường trong thời gian tới, đặc biệt là sau khi Thông tư 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng kết thúc.

Thống kê tại 26 ngân hàng cho thấy, có tới 18 thành viên tiếp tục gia tăng tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu trong 6 tháng qua. Trong đó cá biệt ghi nhận thành viên có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới hơn 504% như Vietcombank.

Trong số 26 ngân hàng trong nhóm khảo sát nói trên, hiện đã có 10 thành viên có tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 100%. Trong chiều dài lịch sử phát triển hệ thống NHTM Việt Nam, quy mô có 10 thành viên đạt tỷ lệ nói trên là chưa từng có, phản ánh sự chủ động hơn của hệ thống trước rủi ro tiềm ẩn.

Theo quy định hiện hành, các NHTM được phép giãn trích lập dự phòng đối với nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được cơ cấu lại; tuy nhiên nhiều thành viên đã tiến hành trích lập đủ và là một yếu tố khiến tỷ lệ bao phủ nói trên tăng cao.

Tỷ lệ này càng cao khiến lợi nhuận càng trở nên tương đối, và ngược lại. Ở một khía cạnh khác, ngân hàng có thể "ẩn bớt" một phần lợi nhuận ở đây để tránh công bố mức lợi nhuận quá cao trong bối cảnh nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp còn khó khăn sau đại dịch.

Lạm phát tại Anh lập kỷ lục mới trong 40 năm

Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 17/8 cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, lạm phát của Anh đã tăng lên mức kỷ lục mới trong 40 năm qua do giá lương thực tăng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này.

Theo ONS, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 7 đã tăng lên 10,1%, từ mức 9,4% trong tháng 6.

Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 7 tăng vọt là do giá thực phẩm tăng, chủ yếu là bánh mì, ngũ cốc, sữa, phô mai và trứng.

Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo, lạm phát có thể lên tới trên 13%, mức cao nhất kể từ năm 1980, có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài đến cuối năm 2023.

Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 17/8 - Ảnh 3
Lạm phát tại Anh lập kỷ lục mới trong 40 năm.

BoE đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 1,75%, nhằm giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao.

Đây là đợt tăng lãi suất lần thứ sáu kể từ tháng 12/2021 và là đợt tăng mạnh nhất trong 27 năm qua, đưa lãi suất của Anh lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2008.

Động thái của BOE đã đưa quỹ đạo thắt chặt tiền tệ của ngân hàng này tiến gần hơn với xu hướng do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra, khi 2 cơ quan này đã tăng lãi suất tương ứng 0,75 và 0,5 điểm phần trăm trong tháng 7 vừa qua.

Nợ công của Italia chạm mức cao kỷ lục

Ngày 16/8, Ngân hàng Trung ương Italia thông báo, trong bối cảnh đồng euro yếu hơn và lạm phát gia tăng, nợ công của nước này đã tăng lên mức cao chưa từng thấy.

Báo cáo tháng của Ngân hàng Trung ương Italia cho thấy, nợ công của nước này đã lên tới 2.766 tỷ euro (2.812 tỷ USD) và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Con số này cũng cao hơn 1,9% so với mức 2.714 tỷ euro (2.759 tỷ USD) được ghi nhận vào đầu năm.

Đồng euro yếu hơn là một trong những yếu tố góp phần làm nợ công của Italia tăng cao trong bối cảnh hầu hết các khoản nợ được định giá bằng đồng euro.

Từ cuối tháng 6, đồng euro bắt đầu giao dịch ngang giá với đồng USD, thậm chí có một số thời điểm dưới ngang giá trong tháng 7.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Italia cho biết, giá cả tăng cao là yếu tố thứ hai khiến nợ công gia tăng.

Giá cả cao hơn đã giúp doanh thu thuế gia tăng. Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Italia cũng cho biết, doanh thu thuế của nước này đã tăng 11,9% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó giúp ngân sách chính phủ tăng thêm 23,2 tỷ euro.

Nhưng mặt khác, lạm phát kết hợp với nhiều yếu tố khác như bất ổn chính trị tại nước này và những lo ngại về tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên mức cao nhất kể từ năm 2014.

Tính đến ngày 16/8, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italia là 3,135%, thấp hơn mức đỉnh 4% vào giữa tháng 6 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 1,089% vào đầu năm nay.

Lợi suất trái phiếu tăng - 1 biểu hiện cho thấy những lo lắng của giới đầu tư về triển vọng kinh tế của nước này, đã làm tăng chi phí đi vay của Chính phủ Italia.

Ngoài ra, chi tiêu công gia tăng cũng là 1 nguyên nhân lớn đằng sau việc nợ công của Italia gia tăng.

Chính phủ nước này đã phải thực hiện nhiều biện pháp để giúp đất nước vượt qua những ảnh hưởng kinh tế tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Minh Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 17/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.