Thứ năm, 26/12/2024 17:22 (GMT+7)
Thứ sáu, 19/08/2022 18:05 (GMT+7)

Cập nhật tin môi trường nổi bật nhất ngày 19/8

Theo dõi KTMT trên

Khôi phục tài nguyên nước ở 3 Vườn Quốc gia, khu bảo tồn; Tạm dừng hoạt động lặn ngắm san hô trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc; Thế giới có thể giảm 700 triệu tấn CO2 nếu mọi người đạp xe nhiều hơn... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 19/8.

Trại viết cập nhật Báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu" 2022

Từ ngày 18 – 20/8, tại Sơn Tây (TP.Hà Nội), Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Trại viết cập nhật Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” 2022.

Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với UNDP xây dựng và công bố năm 2021. Báo cáo đã nêu lên hiện trạng, nút thắt về BĐKH; vai trò của thanh niên trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, các chính sách BĐKH, tài chính khí hậu… Báo cáo cũng kiến nghị lộ trình hành động khí hậu của thanh niên trong 5 năm từ 2021-2025. Báo cáo được gửi tới Chủ tịch COP 26 nhân dịp ông có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào năm 2021.

Cập nhật tin môi trường nổi bật nhất ngày 19/8 - Ảnh 1
Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Trại viết cập nhật Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” 2022.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đánh giá cao nỗ lực của các bạn thanh niên với nhiệt huyết, sự sáng tạo trong xây dựng Báo cáo. Báo cáo mới năm nay cần được cập nhật toàn diện hơn trên cơ sở các diễn biến mới về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), các báo cáo khoa học IPCC mới công bố, mục tiêu của thế giới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). Đặc biệt, lộ trình thanh niên phải dài hạn hơn, không chỉ tới năm 2025.

Báo cáo cập nhật cần nêu bật thực tiễn thanh niên ứng phó BĐKH trên cả nước và các ví dụ điển hình, nhấn mạnh về kinh tế tuần hoàn, cách thức giải quyết những rào cản trong Báo cáo công bố năm 2021 về tiếp cận chính sách, xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)… Đồng thời, đưa ra khuyến nghị của thanh niên cần làm gì để xây dựng chính sách ứng phó với BĐKH. Nếu báo cáo mang tính toàn diện, UNDP và Bộ TN&MT có thể sẽ chuyển tới Hội nghị COP27 vào cuối năm nay.

Khôi phục tài nguyên nước ở 3 Vườn Quốc gia, khu bảo tồn

Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Sơn, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai và Khu Bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười được lựa chọn triển khai chương trình khôi phục, làm giàu nguồn nước, góp phần phục hồi nguồn nước tại lưu vực sông Hồng, sông Tiền và sông Đồng Nai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Heineken Việt Nam vừa khởi động chương trình hợp tác phục hồi nguồn nước ở lưu vực sông Hồng, sông Tiền và sông Đồng Nai.

Chương trình được triển khai tại các lưu vực sông trọng điểm gồm Vườn Quốc gia Xuân Sơn (lưu vực sông Hồng), Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (lưu vực sông Đồng Nai) và Khu Bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười (lưu vực sông Tiền). Đây là những khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học và giá trị kinh tế xã hội cao đối với các địa phương. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức tài nguyên nước, rừng và đất, việc quản lý chưa hiệu quả các nguồn thải cùng với các tác động của biến đổi khí hậu đã khiến cho tài nguyên nước tại đây bị suy giảm về số lượng và suy thoái về chất lượng.

Với nguồn tài trợ 30 tỷ đồng, chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, các hệ sinh thái nước ngọt quan trọng thuộc ba khu vực trên sẽ được phục hồi, bảo vệ. Các cộng đồng trong khu vực sẽ thực hiện thói quen mới trong cuộc sống và sinh hoạt, giúp bảo vệ, phục hồi và tiết kiệm để hướng tới mục tiêu bảo tồn 3 tỷ lít nước mỗi năm cho môi trường cũng như sản xuất, sinh hoạt ở vùng hạ du lưu vực sông.

Cụ thể, gần 2 tỷ lít nước sẽ được gia tăng mỗi năm thông qua hoạt động nuôi dưỡng, làm giàu 1.100 ha rừng tự nhiên trên cả 3 lưu vực sông. Khoảng 200 triệu lít nước mỗi năm sẽ được gia tăng từ hoạt động trồng mới, bổ sung 32,3 ha rừng gỗ lớn và cây bản địa. Riêng tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, khoảng 800 triệu lít nước sẽ được bù hoàn mỗi năm thông qua việc nghiên cứu và áp dụng kế hoạch quản lý và điều tiết chế độ thuỷ văn phù hợp.

Tạm dừng hoạt động lặn ngắm san hô trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc

Sau khi tiến hành kiểm tra các điểm xây dựng, kinh doanh trái phép trên biển, sáng 18/8, Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc đã ký thông báo về việc tạm dừng các hoạt động lặn ngắm san hô, đưa du khách tham quan trong Khu Bảo tồn biển thuộc khu vực phường An Thới.

Theo đó, UBND TP.Phú Quốc thông báo đến Vườn Quốc gia Phú Quốc; Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng An Thới; các ban, ngành, đoàn thể thành phố; UBND xã, phường; các công ty du lịch lữ hành, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải... cùng với du khách đến với Phú Quốc những nội dung sau: Tạm dừng các hoạt động lặn, ngắm san hô trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc thuộc phường An Thới kể từ ngày 18/8/2022. Đồng thời, nghiêm cấm phương tiện chưa đủ điều kiện hoạt động theo quy định đưa rước khách du lịch từ bờ ra các thuộc quần đảo An Thới.

Cập nhật tin môi trường nổi bật nhất ngày 19/8 - Ảnh 2
Tạm dừng hoạt động lặn ngắm san hô trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc.

Giao UBND phường An Thới chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý Đô thị, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng An Thới và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đúng quy định; đồng thời, nhanh chóng thực hiện nội dung thông báo này.

Trước đó, ngày 16/8, Bí thư, Chủ tịch TP.Phú Quốc, cùng các cơ quan ban ngành tỉnh, TP đã tiến hành kiểm tra, chỉ đạo xử lý công trình xây dựng trái phép trên biển, trong đó, nhiều công trình nằm trong khu bảo tồn biển

Thế giới có thể giảm 700 triệu tấn CO2 nếu mọi người đạp xe nhiều hơn

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Communications Earth and Environment ngày 18/8, thế giới sẽ giảm được gần 700 triệu tấn ô nhiễm carbon mỗi năm - nhiều hơn lượng khí thải hàng năm của Canada - nếu mọi người áp dụng cách sống của người Hà Lan và đạp xe hàng ngày.

Lĩnh vực giao thông vận tải hiện đang chiếm 1/4 tổng lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến nhiên liệu đang làm hành tinh nóng lên. Một nửa lượng khí thải đó là từ xe khách và nhu cầu vận tải trên toàn thế giới được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần vào giữa thế kỷ này.

Nhằm khử carbon trong vận tải, các chính phủ và ngành công nghiệp đã chuyển hướng tới các loại xe điện, với 6,75 triệu chiếc được bán ra chỉ riêng trong năm 2021. Doanh số bán xe được theo dõi và công bố mỗi năm. Tuy nhiên, rất khó để tính toán việc sản xuất và sở hữu xe đạp - một phương tiện sử dụng công nghệ carbon thấp hơn nhiều.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã biên soạn bộ dữ liệu toàn cầu đầu tiên về quyền sở hữu và sử dụng xe đạp của quốc gia có từ đầu những năm 1960, sử dụng mô hình thống kê để lấp đầy bất kỳ khoảng trống thông tin nào. Qua đó, họ phát hiện, từ năm 1962-2015, số lượng xe đạp toàn cầu đã vượt xa ô tô, trong đó, Trung Quốc chiếm gần 2/3 trong tổng số hơn 123 triệu chiếc xe đạp được sản xuất trong năm 2015.

Nhóm nghiên cứu cho biết, tỷ lệ sở hữu xe đạp nói chung cao hơn ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao hơn nhưng tỷ lệ hành trình được thực hiện bằng ô tô cũng tương tự. Điều này cho thấy tỷ lệ sở hữu xe đạp cao không đồng nghĩa việc sử dụng xe đạp nhiều.

Trong số 60 quốc gia được đưa vào bộ dữ liệu, tỷ lệ sử dụng xe đạp cho các chuyến đi chỉ là 5%. Một số quốc gia có tỷ lệ sở hữu xe đạp thấp, trong khi những quốc gia khác có tỷ lệ sở hữu xe đạp cao, như Mỹ, có xu hướng coi đi xe đạp là một hoạt động giải trí hơn là một phương tiện giao thông.

Nhóm nghiên cứu tính toán rằng nếu mọi người mô phỏng hành trình đi xe đạp của người Đan Mạch trung bình 1,6 km mỗi ngày, thế giới có thể giảm khoảng 414 triệu tấn CO2 mỗi năm - tương đương với lượng khí thải hàng năm của Anh.

Tương tự, nếu đạp xe 2,6 km mỗi ngày như người dân ở Hà Lan sẽ giảm được 686 triệu tấn CO2 và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe do vận động nhiều hơn và chất lượng không khí được cải thiện.

Mưa xối xả trút xuống New Zealand trong ngày thứ 3 liên tiếp

Ngày 18/8 là ngày thứ 3 liên tiếp phía Tây và phía Bắc Đảo Nam của New Zealand hứng chịu mưa xối xả, gây sạt lở đất, buộc hàng trăm người phải sơ tán và đường sá, trường học phải đóng cửa.

New Zealand đang hứng chịu những trận mưa bão mới khiến tình hình thời tiết tồi tệ hơn. Các chuyên gia cho rằng thời tiết ẩm ướt bất hợp lý là do “sông khí quyển” (những vùng hơi ẩm hẹp tập trung trong khí quyển).

Cập nhật tin môi trường nổi bật nhất ngày 19/8 - Ảnh 3
Mưa xối xả trút xuống New Zealand trong ngày thứ 3 liên tiếp.

Theo số liệu của Cơ quan Khí Tượng Thuỷ văn New Zealand (Metservice), một phần phía Bắc của Đảo Nam đã hứng chịu lượng mưa lớn hơn 300 mm trong 24 giờ qua. Cơ quan này đã đưa ra cảnh báo mưa lớn cho các khu vực phía Tây của Đảo Nam và phía Bắc của Đảo Bắc.

Metservice cho biết, thành phố Nelson trên Đảo Nam đã hứng chịu lượng mưa 106 mm kể từ trưa 16/8 - cao hơn nhiều so với lượng mưa trung bình trong cả tháng 8 là 80 mm. Tại Đảo Bắc của New Zealand, Auckland, thành phố lớn nhất của đất nước cũng nhận được cảnh báo mưa và gió lớn.

Theo các nhà chức trách, hơn 230 ngôi nhà ở Nelson, thành phố với dân số hơn 50.000 người, đã được sơ tán và nhiều cơ sở công cộng và đường xá phải đóng cửa. Một tuyên bố trên trang web của Hội đồng Thành phố Nelson cảnh báo nếu mưa tiếp tục trút xuống, sạt lở đất và lũ lụt sẽ xảy ra nhiều hơn và số người phải sơ tán sẽ tăng lên.

Trao đổi với chương trình truyền hình AM của New Zealand, Thị trưởng Nelson, bà Rachel Reese cho hay, mặc dù thành phố đã trải qua mưa lớn mà không có sự cố lớn nào, nhưng cơ sở hạ tầng đang chịu nhiều áp lực, xuất hiện tình trạng tràn nước thải.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin môi trường nổi bật nhất ngày 19/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.