Thứ bảy, 23/11/2024 04:47 (GMT+7)
Thứ năm, 18/08/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin môi trường nổi bật nhất ngày 18/8

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc, miền Trung sắp đón mưa lớn; Việt Nam đã thực hiện 5 kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính; Mỗi phút thế giới mất đi vùng rừng có diện tích bằng 16 sân bóng đá... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 18/8.

Miền Bắc, miền Trung sắp đón mưa lớn

Từ chiều tối mai (19/8), miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ đón đợt mưa dông mới dài ngày, nhiều nơi xuất hiện mưa to.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong chiều nay (18/8), mưa dông xuất hiện cục bộ trên khu vực Bắc Bộ.

Dự báo từ chiều tối mai (19/8) đến 20/8, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao phát triển kết hợp với rãnh áp thấp, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-50mm, có nơi trên 70mm.

Thủ đô Hà Nội từ chiều tối ngày 19/8 đến ngày 20/8, có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Dự báo mưa dông kéo dài ở miền Bắc, Bắc Trung Bộ đến khoảng 22/8.

Cập nhật tin môi trường nổi bật nhất ngày 18/8 - Ảnh 1
Từ chiều tối mai (19/8), miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ đón đợt mưa dông mới dài ngày, nhiều nơi xuất hiện mưa to.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ chiều ngày 19/8 đến ngày 20/8 cũng có mưa rào và dông, cục bộ mưa to, thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 70mm. Dự báo mưa dông trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Nhận định xa hơn cho thấy, trong tháng 9/2022, tổng lượng mưa ở miền Bắc cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-20% với xác suất khoảng 70-80%. Sang tháng 10, tổng lượng mưa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 20-40%.

Riêng tại Trung Bộ và Nam Bộ trong tháng 10-11/2022 có lượng mưa cao hơn hẳn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Cụ thể, trong tháng 10/2022, tổng lượng mưa ở miền Trung phổ biến cao hơn từ 20-50% với xác suất khoảng 80-90%.

Việt Nam đã thực hiện 5 kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính

Theo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) từ năm 1994. Là một bên nước thành viên không thuộc Phụ lục I của Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu bao gồm kiểm kê quốc gia khí nhà kính để gửi Ban Thư ký Công ước.

Kiểm kê quốc gia khí nhà kính là việc tính toán lượng khí nhà kính phát thải/hấp thụ trong một năm cụ thể (trước năm thực hiện tính toán) trên cơ sở thông tin, số liệu hoạt động về các nguồn phát thải được thu thập, thống kê trong các lĩnh vực và hệ số phát thải, không phải theo các kịch bản. Kết quả này chưa bao gồm việc tính lượng khí nhà kính giảm phát thải.

Triển khai quy định của Công ước, từ năm 2010 đến nay Việt Nam đã thực hiện 5 kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho các năm cơ sở 2000, 2010, 2013, 2014 và 2016 phục vụ xây dựng các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu và đã gửi Ban Thư ký Công ước theo quy định.

Việc thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính tuân thủ các hướng dẫn kiểm kê quốc gia khí nhà kính của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính qua 5 kỳ kiểm kê, chưa bao gồm việc tính lượng khí nhà kính giảm phát thải, cụ thể:

- Năm 2000: 150,9 triệu tấn CO2 tương đương;

- Năm 2010: 264,2 triệu tấn CO2 tương đương;

- Năm 2013: 259,0 triệu tấn CO2 tương đương;

- Năm 2014: 278,7 triệu tấn CO2 tương đương;

- Năm 2016: 316,7 triệu tấn CO2 tương đương.

Từ năm 2020 trở về trước, mặc dù chưa phải thực hiện nghĩa vụ cắt giảm phát thải khí nhà kính, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và chỉ đạo triển khai các hoạt động giảm phát thải thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điểm mới trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi

Dự thảo Luật sẽ bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương.

Theo đó, Dự thảo Luật sẽ bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước.

Dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời, giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các Luật.

Cập nhật tin môi trường nổi bật nhất ngày 18/8 - Ảnh 2
Dự thảo Luật sẽ bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương.

Bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; quy định cụ thể về bảo vệ nguồn nước quan trọng cấp cho sinh hoạt; quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước.

Bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của Nhà nước hướng tới nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện và dần dịch chuyển theo hướng Nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm.

Bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó, quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hóa, chính sách xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Với quan điểm là phát triển kinh tế gắn liền với việc ’’đầu tư lại’’ trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, cải tạo cảnh quan, bảo tồn giá trị của hệ sinh thái liên quan đến nước…

Mỗi phút thế giới mất đi vùng rừng có diện tích bằng 16 sân bóng đá

Dữ liệu công bố mới đây cho thấy, diện tích cây xanh bao phủ trên toàn cầu bị thiêu rụi do cháy rừng từ tác động của biến đổi khí hậu hiện ở mức cao gấp đôi so với 20 năm trước.

Cứ mỗi phút thế giới lại mất đi một vùng rừng có diện tích tương đương 16 sân bóng đá.

Nghiên cứu cho biết trong 2 thập kỷ qua, mỗi năm lại có thêm 3 triệu ha rừng bị tàn phá do cháy rừng - tương đương diện tích nước Bỉ. Phần lớn diện tích cây xanh bị ảnh hưởng nằm ở những khu rừng ở Bắc bán cầu bao phủ phần lớn nước Nga, Canada và bang Alaska của Mỹ, những nơi lưu trữ lượng carbon lớn nhất trên Trái Đất.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland (Mỹ) đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để lập bản đồ những khu vực mất rừng, bao gồm cả những khu vực bị thiêu rụi do cháy rừng nhưng đã hồi sinh. Đây là những đám cháy làm chết toàn bộ hoặc phần lớn khu rừng và gây ra những thay đổi lâu dài đối với cấu trúc rừng và thành phần hóa học đất.

Dữ liệu cho thấy năm 2021 là một trong những năm ghi nhận tình trạng cháy rừng nghiêm trọng nhất kể từ đầu thế kỷ này, với 9,3 triệu ha bị tàn phá trên toàn cầu.

Theo dữ liệu của Global Forest Watch và nhóm nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), diện tích rừng bị mất trong năm ngoái chiếm hơn 1/3 tổng diện tích rừng mất đi trên toàn cầu.

Phần lớn - khoảng 70%, diện tích che phủ rừng bị thiêu rụi do hỏa hoạn trong 2 thập kỷ qua nằm ở các khu rừng ở Bắc bán cầu, nguyên nhân có thể là do các vùng ở vĩ độ cao đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn phần còn lại của Trái Đất. Năm 2021, Nga đã mất 5,4 triệu ha rừng do cháy rừng, tăng 31% so với năm 2020 và là mức cao nhất từng được ghi nhận.

Nghiên cứu cho biết nguyên nhân một phần là do các đợt nắng nóng kéo dài vốn không thể xảy ra nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu do tác động của hoạt động con người. Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng biến đổi khí hậu và cháy rừng có thể biến những khu rừng sâu - vốn là "bể chứa" carbon, trở thành nguồn thải carbon.

Các nhà nghiên cứu cho biết biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân chính làm gia tăng các vụ cháy rừng khi mà những đợt nắng nóng khắc nghiệt khiến rừng khô cằn ở mức cao gấp 5 lần so với một thế kỷ rưỡi trước.

Anh hạn chế sử dụng nước để ứng phó với hạn hán

Ngày 17/8, nhà máy cấp nước lớn nhất tại Anh đã công bố các biện pháp hạn chế sử dụng nước trong bối cảnh phần lớn vùng England đang trải qua đợt hạn hán khắc nghiệt.

Theo thông báo từ nhà máy nước Thames Water, đảm nhận cung cấp cho khoảng 15 triệu người ở thủ đô London và các hạt xung quanh, biện pháp cấm sử dụng vòi tưới nước được áp dụng từ ngày 24/8. Theo đó, các khách hàng không được sử dụng vòi để rửa xe, tưới vườn, bơm nước vào bể bơi nhỏ cho trẻ em hay các bể bơi hoặc vệ sinh cửa sổ. Những người vi phạm sẽ bị phạt. Đây là lần đầu tiên biện pháp hạn chế này được áp dụng tại thủ đô của nước Anh trong khoảng 10 năm qua.

Cập nhật tin môi trường nổi bật nhất ngày 18/8 - Ảnh 3
Mực nước hồ xuống thấp do hạn hán tại Crawley, Anh, ngày 17/7. (Ảnh: TTXVN)

Biện pháp trên được đưa ra sau khi các nhà máy cấp nước ở hầu hết các vùng ở xứ Wales, phía Nam và Đông Nam England áp dụng hạn chế tương tự trong khi các nhà cung cấp ở các khu vực phía Tây Nam và phía Bắc England cũng tuyên bố sắp triển khai các biện pháp như vậy. Như vậy, tính đến cuối tuần tới, tổng số khách hàng chịu những hạn chế trên sẽ lên mức gần 30 triệu người.

Hồi tuần trước, Anh đã chính thức ban bố tình trạng hạn hán tại hầu hết vùng England sau khi ghi nhận tháng 7 khô hạn nhất kể từ năm 1935. Nước này cũng ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục, lần đầu vượt 40 độ C trong tháng 7. Giới chuyên gia ngày càng tin rằng tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến các hình thái thời tiết cực đoan như sóng nhiệt và hạn hán xảy ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin môi trường nổi bật nhất ngày 18/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới