Nghệ An: Vợ chồng trẻ 5 năm tự nguyện nhặt rác bảo vệ môi trường
Bỏ qua những lời đàm tiếu, dị nghị về việc làm "không giống ai", hai vợ chồng anh Hồ Phi Quyết vẫn miệt mài với công việc nhặt rác thải mỗi khi cuối tuần, với mong muốn thay đổi nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp.
Đam mê nhặt rác
Đã hơn 5 năm nay, vào dịp cuối tuần, hai vợ chồng anh Hồ Phi Quyết (39 tuổi, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) lại chuẩn bị găng tay, khẩu trang, bao tải đi dọc con đường làng, kênh mương ngõ hẽm, đến những bãi biển đông người để nhặt rác.
Chị Nguyễn Thị Mai (35 tuổi) chia sẻ: “Trước đó, thấy chồng đi nhặt rác, em ủng hộ và rất vui vì hành động của anh sẽ làm cho xã hội này tốt đẹp hơn. Thời gian đầu, việc làm không giống ai nên vợ chồng tôi bị không ít lời dèm pha của nhiều người. Họ nói chúng tôi bao đồng, vác tù hàng tổng. Thế nhưng, vợ chồng tôi vẫn thường động viên nhau bởi việc làm của mình khiến cho môi trường sạch đẹp”.
Ban đầu, việc nhặt rác lúc chỉ xoay quanh địa phương xã Quỳnh Lộc rồi lan dần ra các xã, phường, dọc đường quốc lộ, kênh mương, bãi biễn lân cận. Rác thải được gom bỏ vào bao tải, cột lại cẩn thận rồi tập kết đến một điểm thu gom rác của công ty môi trường hôm sau đến nhận. Trong quá trình đi nhặt rác, anh Quyết dùng điện thoại chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội Facebook. Và từ đây, nhiều người đã hiểu và trực tiếp tham gia đi nhặt rác cùng vợ chồng anh.
Và cứ thế, tiếng lành đồn xa nhiều người hiểu ra ý nghĩa việc làm của họ nên ủng hộ, tham gia cùng. Sau 5 năm hành nghề, số người tham gia nhặt rác cũng nhân lên từ 2 người lên đến hàng chục người. Bên cạnh đó, câu lạc bộ yêu rác cũng được thành lập và đồng hành cùng anh chị.
Anh Hồ Phi Quyết chia sẻ: “Ban đầu, lúc cuối xuống nhặt rác, thật sự cảm thấy rất e ngại vì nhiều ánh mắt đổ dồn vào mình. Nhưng hiện tại, tôi rất vui mừng vì ngoài hai vợ chồng còn có thêm bà con lối xóm, các em học sinh cấp 2, cấp 3 cùng thầy cô giáo, các nhóm thiện nguyện, đoàn thanh niên của các xã…cùng hưởng ứng, tham gia dọn, bảo vệ môi trường. Trước đó, lúc dịch bệnh số thành viên nhặt rác tăng lên khá đông, giờ chỉ còn khoảng 30 người. Đến lúc có chương trình thu gom rác lớn, thường chúng tôi kết hợp với địa phương sở tại thì lượng người có khi lên đến 100 người tham gia”.
Hình ảnh đẹp và dũng cảm của anh Hồ Phi Quyết đã lan tỏa truyền cảm hứng cho nhiều người dân nơi đây. Chị Nguyễn Thị Lê tình nguyện viên trong nhóm nhặt rác cho biết: “Chúng tôi hoạt động đam mê đến nỗi cứ đi trên đường, tôi lại để mắt xem địa điểm nào có nhiều rác thải để cuối tuần mang bao tải đến đó nhặt”.
Mong muốn hết việc
Trước đó, trên địa phương thường xuất hiện nhiều bãi rác tự phát gây nhiễm môi trường. Để bảo vệ môi trường sống, xã Quỳnh Lộc yêu cầu người dân phân loại rác từ ngay nhà mình, tập kết rác đúng nơi quy định để cuối tuần công ty môi trường đến mang đi. Thế nhưng, không phải người dân nào cũng chấp hành nghiêm túc, vẫn còn tình trạng một số người dân vứt rác bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường.
Sau khi dọn xong chỉ một vài ngày, nhiều tuyến đường lại ngập rác thải, vợ chồng anh Quyết đăng tin lên mạng xã hội kêu gọi kinh phí làm biển báo với thông điệp “Hãy yêu môi trường sống của bạn, đừng xả rác”. Lời kêu gọi của họ được cộng đồng mạng hưởng ứng mạnh mẽ. Ngoài ra, vợ chồng anh Quyết còn đặt một số áo in dòng chữ với thông điệp: “Người Việt Nam không xả rác” nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường sống tốt hơn.
Theo đó, trong suốt 5 năm trời, hình ảnh 2 hai vợ chồng mang găng tay, đi ủng nhựa, tay bao tải lội xuống lòng mương, ngõ hẻm, bãi biển đã quá quen thuộc với hàng nghìn hộ dân nơi đây. Để thay đổi thói quen xả rác cũng như ý thức bảo vệ môi trường của người dân không dễ nhưng ít nhất cũng đã có sự chuyển biến tích cực. Điều đáng mừng hơn là người dân đã bắt đầu thay đổi thói quen bằng những điều nhỏ nhặt nhất để bảo vệ môi trường sống của mình. Đơn giản như phân loại rác từ gia đình, vứt đúng chỗ tập kết để công nhân công ty môi trường thu dọn…
5 năm, một hành trình khá dài "cúi xuống" để giúp người khác "lớn lên" trong suy nghĩ, thay đổi cách ứng xử với môi trường sống. Tuy vậy, gia cảnh nhà anh Quyết cũng chẳng khá giả, con cái lại không may mang trong mình căn bệnh ly thượng bì bẩm sinh nên hai vợ chồng chỉ có thể tranh thủ nhặt rác vào hai ngày cuối tuần. Mặt khác, hai vợ chồng cũng tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện để kêu gọi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như gia đình chị.
Nếu ai có dịp về xã Quỳnh Lộc thị xã Hoàng Mai, men theo các tuyến đường thì sẽ thấy một hình ảnh khác, đó là những con đường sạch đẹp không có túi ni lon và rác thải nhựa đầy đường như trước. Bên cạnh đó, hình ảnh vợ chồng anh Quyết nhặt rác miễn phí mới hiểu, dù hoàn cảnh cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nếu mỗi người chúng ta có ý thức, hành động đẹp và tấm lòng hướng về cộng đồng thì sẽ có môi trường xanh sạch đẹp hơn.
Ông Lê Tuấn Anh, bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lộc chia sẻ: “Hiện tại, xã Quỳnh Lộc đã được xây dựng 100% bê tông hóa các con đường. Trước đây, việc xả rác cũng rất tùy tiện, thế nhưng các tổ chức đoàn thể địa phương cũng tổ chức tuyên truyền, thu dọn và hành động của vợ chồng anh Quyết đã góp phần lan tỏa, giúp người dân nâng cao ý thức, thay đổi hành động trong việc bảo vệ môi trường xung quanh”.
Hy sinh thời gian, bỏ ra công sức nhưng anh Quyết luôn mong muốn một ngày không xa, vợ chồng anh sẽ không còn phải đi nhặt rác nữa. Khi đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân sẽ được nâng cao hơn, để không còn cảnh vứt rác bừa bãi dọc đường, đặc biệt là túi ni lon và rác thải nhựa.
Tuấn Quỳnh