Chủ nhật, 24/11/2024 10:25 (GMT+7)
Chủ nhật, 27/06/2021 05:30 (GMT+7)

Cấp bách giữ rừng trong mùa khô

Theo dõi KTMT trên

Trong thời gian qua, nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng. Nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).

Một số vụ cháy rừng đã xảy ra tại các địa phương như: Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế... gây thiệt hại về rừng, môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Gần đây nhất, vụ cháy lớn tại rừng thông đồi 320 đã xảy ra tại tiểu khu 159, thuộc xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là diện tích rừng thông phòng hộ hơn 40 năm tuổi do Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy quản lý.

Cấp bách giữ rừng trong mùa khô - Ảnh 1
Cháy rừng thông phòng hộ hơn 40 năm tuổi tại xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế). (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Đám cháy bùng phát dữ dội, cùng với địa hình đồi dốc đứng, bụi rậm chằng chịt, các phương tiện như xe chữa cháy, vòi phun nước… không thể tiếp cận nên các lực lượng phải dập lửa bằng công cụ thô sơ. Đến 20h30 phút cùng ngày đám cháy vẫn chưa được khống chế.

Được biết, đồi 320 có diện tích gần 40 ha, một phần là rừng thông tự nhiên có tuổi đời khoảng 40-50 năm tuổi, phần còn lại là keo tràm của bà con quanh vùng. Mặc dù chưa có con số thống kê về diện tích thiệt hại cụ thể nhưng theo ước tính bước đầu có hàng chục ha rừng thông phòng hộ gần 30 năm tuổi bị thiêu rụi. 

Theo thông tin từ UBND xã Bình Nam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ cháy lớn tại khu vực rừng phòng hộ ven biển, đoạn giáp ranh giữa xã Bình Trung và xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, đám cháy xuất hiện ở khu vực xã Bình Trung, sau đó lan sang xã Bình Nam, vệt cháy kéo dài khoảng 1 km.

Sau khi phát hiện vụ cháy rừng, chính quyền địa phương huy động hơn 100 người gồm lực lượng kiểm lâm, công an, dân quân tự vệ cùng người dân tham gia chữa cháy. Do cánh rừng này bị gãy đổ sau các đợt mưa bão cuối năm 2020, có nhiều cành nhánh, lá khô nên ngọn lửa cháy lan rất nhanh. Đến khoảng 14h cùng ngày, vụ cháy cơ bản được khống chế.

Trước đó, vào sáng ngày 3/6, tại thôn Tân Hải (xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã xảy ra vụ cháy rừng tràm và rười nghiêm trọng. Gần 500 người gồm các lực lượng, đơn vị, địa phương đang nỗ lực, cố gắng dập lửa giữa nắng nóng gay gắt.

Được biết, khu vực cháy xảy ra nằm ven biển, khó khăn nhất trong quá trình dập lửa là trời đang nắng nóng gay gắt, lại có gió Tây Nam thổi mạnh và liên tục. Cùng với đó lớp thực bì khu vực rừng tràm và rười này khá dày, cây khô dễ bén lửa bùng phát và lan rất nhanh. Đến 16h, đám cháy tạm thời được khống chế.

Đáng chú ý, tại Nghệ An đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng tại các huyện Diễn Châu, Thanh Chương và xã Quỳnh Lập. Cụ thể, vụ cháy xảy ra vào khoảng 14h ngày 30/5 tại khu vực xóm 4 mới, xã Diễn Lộc (huyện Diễn Châu). Nhận được tin báo từ người dân, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại địa phương, đồng thời có sự hỗ trợ của Công an huyện Diễn Châu đã kịp thời có mặt. Do đây là khu rừng thông, có thực bì dễ cháy cộng với thời tiết nắng nóng nên công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn. Sau hơn một giờ tích cực dập lửa, đám cháy cơ bản được khống chế, không cháy lan ra xung quanh.

Tại khu vực núi Nguộc (xóm 4, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) cũng xảy ra vụ cháy lớn vào khoảng 14h cùng ngày. Khu vực rừng bị cháy chủ yếu gồm các cây thông sản xuất do người dân trồng. Tuy nhiên, số lượng cây không nhiều, các loại bị cháy chủ yếu là thực bì. 

Tại thời điểm xảy ra cháy, thời tiết nắng nóng, nền nhiệt độ rất cao nên lửa lây lan nhanh. Sau nhiều giờ nỗ lực chữa cháy, lực lượng chức năng đã khống chế được các đám cháy, không để lây lan sang những diện tích rừng khác.

Cấp bách giữ rừng trong mùa khô - Ảnh 2
Cán bộ Đồn Biên phòng Quỳnh Phương tham gia chữa cháy. (Ảnh: Báo Biên Phòng)

Mới đây, vào khoảng 13h ngày 23/6, một đám cháy lớn bất ngờ bùng lên tại cánh rừng thuộc địa phận xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai. Ngay khi nhận được tin báo, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an và nhân dân trên địa bàn 2 xã Quỳnh Lập và Quỳnh Lộc nhanh chóng tới hiện trường, triển khai các phương án chữa cháy.

Do địa hình hiểm trở, cánh rừng nằm xa khu dân cư, cộng với thực bì chủ yếu cành cây khô nên đám cháy bùng phát dữ dội. Do đó, công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều nỗ lực dập lửa, đến 16h30' cùng ngày, lực lượng chức năng đã khống chế, dập tắt khoảng 90% lửa rừng. Ước tính, đám cháy gây thiệt hại khoảng hơn 10 ha rừng thông. 

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống cháy rừng

Trước tình hình đó, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại tối đa do cháy rừng gây ra, ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có Công điện số 3249/CĐ-BNN-TCLN gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ cấp bách về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo đó, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn.

Đồng thời, có phương án và sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước khi có cháy rừng xảy ra; chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; cấm các hoạt động sử dụng lửa gây nguy cơ cháy rừng.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động các phương án hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn các đơn vị đóng quân, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện, chữa cháy rừng khi có yêu cầu.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Gọi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, nắng nóng gay gắt sẽ làm tăng quá trình khô kiệt của vật liệu cháy, làm nóng và khô nhanh mặt đất khiến nguồn vật liệu cháy tích tụ trong rừng rất dễ bắt lửa. Do đó, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức cực kỳ nguy hiểm trong suốt mùa khô.

Cháy rừng sẽ hủy diệt toàn bộ thực vật, sinh vật, vi sinh vật, làm thay đổi hoàn toàn tính chất lý, hóa của đất trên diện tích bị cháy. Việc phục hồi hệ sinh thái rừng như trạng thái ban đầu là rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Vì vậy, công tác phòng, chống cháy rừng luôn luôn cần được xem trọng. Đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, các đơn vị chủ rừng hay Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng mà là trách nhiệm của mọi người dân.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cấp bách giữ rừng trong mùa khô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới