Cảnh báo chiêu trò lừa đảo bằng dịch vụ "hỗ trợ tích xanh Facebook"
Thời gian gần đây, Bộ Công an liên tục phát đi cảnh báo về chiêu “lừa đảo cấp tích xanh Facebook”, thế nhưng lại vẫn có rất nhiều người dính bẫy. Dù không mới, song chiêu thức lừa đảo qua mạng này mới “rộ” lại trong mấy năm trở lại đây.
Tích xanh Facebook là dấu xác nhận chính chủ của Facebook cung cấp cho các fanpage hoặc các tài khoản cá nhân, nhằm tránh giả mạo cũng như để khẳng định uy tín. Dấu này đặc biệt hữu ích với các tài khoản của người nổi tiếng, doanh nhân, người có tầm ảnh hưởng xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng đã tạo ra một thị trường dịch vụ mua bán danh ảo, thậm chí lừa đảo với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Từng vì muốn khẳng định bản thân bằng tích xanh Facebook, một chàng trai đã tìm mua tích xanh trên mạng rồi không may bị lừa mất 50 triệu. Đây cũng chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân từng mắc bẫy chiêu trò này.
Chỉ cần gõ "dịch vụ tích xanh" trên Google sẽ cho ra hơn 103 triệu kết quả tìm kiếm, đủ để thấy sự sôi động của thị trường này tại Việt Nam.
Thực tế, Facebook đã có những điều khoản rõ ràng cho cá nhân hay doanh nghiệp muốn được lên tích xanh. Như mỗi tài khoản phải có lượng theo dõi tối thiểu 10.000 người, phải có tầm ảnh hưởng tới xã hội, có đầy đủ giấy tờ cá nhân chính chủ và làm theo một quy trình thủ tục nhất định.
Vì vậy, dấu tích xanh không thể nhờ ai mua bán được, mà các doanh nghiệp chỉ có thể hỗ trợ tạo hồ sơ đủ điều kiện để gửi lên Facebook.
Từ nhu cầu lớn về dấu tích xanh và sự thiếu hiểu biết của người dùng, rất nhiều vụ việc biến tướng lừa đảo đã xảy ra trong thời gian qua. Như mới đây, Công an huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can sinh năm 2001 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đã góp vốn mua các tài khoản "tích xanh" bán kiếm lời, sau đó lừa dối lấy tiền để tiêu xài cá nhân.
Đầu tháng 8, công an huyện Bình Thạnh TP.Hồ Chí Minh cũng đã bắt giữ 1 đối tượng nhận làm dịch vụ tích xanh, sau đó chiếm đoạt tài khoản Facebook rồi nhắn tin mượn tiền và chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân nữa với số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng.
Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Nếu cùng 1 đối tượng thực hiện 2 hành vi đấy, ngoài việc hứa hẹn xin tích xanh, đưa thủ đoạn gian dối để xin tích xanh chiếm đoạt tài sản, sau đó có được thông tin, đối tượng này lại truy cập vào các tài khoản nhằm chiếm đoạt tài sản, đây là 2 hành vi phạm tội riêng biệt và sẽ bị xử lý theo 2 tội danh của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Nếu trong trường hợp lừa đảo từ 500 triệu đồng trở lên, người phạm tội có thể lên tới hình phạt cao nhất là chung thân".
Cũng theo luật sư, các trường hợp lừa đảo trên mạng hiện nay nhiều vô kể, tuy nhiên số vụ việc xử lý được lại rất ít bởi việc xác minh các đối tượng trên không gian mạng cực kỳ khó khăn. Vậy nên trước khi chờ đợi vào các cơ quan chức năng, người dân cần tỉnh táo trước mỗi giao dịch trên mạng xã hội.
Cách thức lừa đảo của các đối tượng mua bán tích xanh Facebook
- Bước 01:
Các đối tượng lừa đảo tìm cách tiếp cận những người có nhu cầu cấp tick xanh Facebook, sau đó chào bán các gói dịch vụ “cấp tick xanh”, “lên tick xanh”.
- Bước 02:
Sau đó, chúng yêu cầu các khách hàng phải cung cấp các thông tin như: Tên đăng nhập, mật khẩu, địa chỉ email, hình ảnh giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Bằng lái xe…) và hứa giúp họ xin dấu tick xanh Facebook để tăng uy tín, tương tác cho thương hiệu.
- Bước 03:
Sau khi đã có thông tin đăng nhập tài khoản Facebook của khách hàng, các đối tượng này chiếm đoạt quyền quản lý tài khoản và thực hiện các hành vi sau:
- Nghiên cứu các tin nhắn cũ của họ đã nhắn với bạn bè trước đó để bắt chước lại văn phong, cách nói chuyện rồi nhắn tin cho bạn bè trong danh sách bạn bè của nạn nhân để mượn tiền.
Tinh vi hơn, chúng dùng công nghệ để giả mạo hình ảnh chủ sở hữu Facebook trong các cuộc gọi với nạn nhân, mở tài khoản ngân hàng trùng tên với chủ tài khoản Facebook để tạo niềm tin với nạn nhân và đề nghị chuyển tiền vào các tài khoản này.
- Tống tiền chủ sở hữu Facebook để lấy lại tài khoản, fanpage….
- Bán tài khoản Facebook cá nhân hoặc fanpage cho người khác nhằm mục đích kiếm lời.
Cần làm gì để không bị sập bẫy lừa đảo?
Hiện nay, việc làm tick xanh Facebook đòi hỏi những điều kiện tương đối khắt khe, chỉ có nhà cung cấp dịch vụ Facebook thẩm định, kiểm duyệt và cấp tick xanh cho người dùng. Do đó, thực tế việc cấp tick xanh không hề dễ dàng như các lời rao bán trên mạng, bởi vậy người dùng cần đặc biệt cảnh giác.
Bên cạnh đó, việc để lộ thông tin giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân,… cho người lạ tiểm ẩn rất nhiều rủi ro nên nếu không thể xác thực độ tin cậy, uy tín từ phía yêu cầu cung cấp giấy tờ thì không nên dễ dàng cung cấp các thông tin, giấy tờ này cho họ.
Đặc biệt, khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo hoặc thấy có nghi ngờ, cần tìm cách xác thực thông tin trước khi thực hiện theo yêu cầu của phía bên kia hoặc liên hệ với cơ quan chức năng để được kịp thời giải quyết, xử lý.
Người dân có thể tự tìm hiểu về các thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay cũng như cách phòng tránh trên mục Tin pháp luật của LuatVietnam để không xảy ra sự việc lừa đảo đáng tiếc.
Hà Ly