Thứ bảy, 23/11/2024 07:57 (GMT+7)
Thứ tư, 31/03/2021 16:24 (GMT+7)

Cảnh báo cháy tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên tăng lên mức nguy hiểm

Theo dõi KTMT trên

Ngày 31/3, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, cấp báo động cháy toàn Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã tăng lên mức nguy hiểm và diễn biến phức tạp vì thời tiết khắc nghiệt.

Cụ thể, từ ngày 29/3, do chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng về phía Đông Nam, nhiệt độ tại thị xã Sa Pa tăng nhanh khiến gió Ô Quý Hồ nóng khô nổi lên. Tuy không là nguyên nhân gây cháy, nhưng mỗi khi gió Ô Quý Hồ hoạt động sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng.

Theo Trạm khí tượng tại Sa Pa ghi nhận được, bầu trời ít mây và nắng chói chang, gió nóng Ô Quý Hồ thổi theo hướng tây nam, tốc độ 4m/s, độ ẩm giảm xuống còn 14%. Với đặc tính nóng khô, nên mỗi khi xuất hiện, gió nóng Ô Quý Hồ làm tăng nguy cơ cháy rừng, đẩy cấp báo động cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên và vùng phụ cận lên cao.

Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết, Vườn quốc gia Hoàng Liên rộng hơn 28.000 ha, trải rộng qua 3 xã của thị xã Sa Pa (Lào Cai) và hai xã của huyện Tam Đường (Lai Châu). 

Do ảnh hưởng của gió nóng, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã đặt trạng thái báo động cảnh báo cháy rừng cấp 4, thuộc diện nguy hiểm (có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh), sau cấp 5 là cấp cuối cùng, thuộc diện cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, nguy cơ cháy cao luôn luôn rình rập và bùng phát bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Cảnh báo cháy tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên tăng lên mức nguy hiểm - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Để đảm bảo an toàn, Ban Quản lý Vườn đã tập trung lực lượng thường trực 24/24 giờ tại 15 chốt canh gác ở những khu vực trọng yếu, thường xuyên duy trì lực lượng kiểm lâm tại đây, kịp thời phát hiện và xử lý ngay tại chỗ, phòng ngừa cháy rừng xảy ra trong mùa hanh khô nguy hiểm. 

Cũng theo ông Lưu Minh Hải dự báo, gió Ô Quý Hồ sẽ tiếp tục hoành hành dữ dội tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên và các cánh rừng lân cận. Với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 26 - 27 độ C, tiết trời Sa Pa hanh khô mạnh cả ngày lẫn đêm. Đợt gió nóng khô này có khả năng kéo dài đến hết ngày 2/4, sau gió giảm dần rồi chấm dứt.

Theo Đài khí tượng - thủy văn Lào Cai, gió nóng Ô Quý Hồ tiếp tục kéo dài trong vài ngày nữa, đến ngày 2/4, sẽ giảm bớt và chấm dứt. Qua theo dõi nhiều năm, gió nóng Ô Quý Hồ thường xuất hiện tùy theo khối không khí nóng từ phía bắc tràn tới, kéo dài từ tháng 2 năm trước đến tháng 5 của năm sau, cao điểm nhất là vào tháng 4. Chính vì vậy, rất nhiều vụ cháy rừng ở Sa Pa thường xảy ra vào khoảng thời gian gió nóng Ô Quý Hồ xuất hiện.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong giai đoạn 2009-2018, nạn cháy rừng đã thiêu hủy gần 22.000 ha rừng của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đỉnh điểm vào năm 2010, khoảng 6.723 ha rừng đã bị lửa lớn thiêu rụi do nắng hạn kéo dài; năm 2007 xảy ra 749 vụ cháy rừng gây thiệt hại 4.188 ha. Vài năm trở lại đây, diện tích rừng bị cháy tuy có giảm mạnh, nhưng vẫn tồn tại những diễn biến bất ngờ và phức tạp khó lường.

Đặc biệt, vào những tháng cao điểm của mùa khô hạn, nắng nóng, nhiều khu rừng của Việt Nam nằm trong tình trạng cảnh báo có nguy cơ cháy rừng cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao khiến Chính phủ và các bộ, ngành thường xuyên phải ra công điện khẩn trương chỉ đạo phòng chống cháy rừng.

Nguyễn Ánh

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo cháy tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên tăng lên mức nguy hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới