Cần Thơ: Quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế
Với phương châm “không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế”, thời gian qua, TP. Cần Thơ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT).
Cụ thể, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVMT trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Cần Thơ đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý, BVMT thuộc thẩm quyền của địa phương.
Lồng ghép giải pháp BVMT trong các chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh - tế xã hội của thành phố; áp dụng chuyển đổi số hướng đến quản lý môi trường thông minh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của các công ty, doanh nghiệp.
Đặc biệt là ngoài thực hiện theo phương châm quán triệt và thực hiện nhất quán chủ trương, không thu hút đầu tư bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, TP. Cần Thơ còn luôn chú trọng đến công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án nhằm chủ động ngăn ngừa các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ giai đoạn đầu tư dự án.
Việc tổ chức thẩm định đánh giá tác động môi trường với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý môi trường cũng giúp cho công tác dự báo những tác động đến môi trường trên địa bàn TP. Cần Thơ ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ cũng đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các loại chất thải, từng bước nâng tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị lên 98,42% vào năm 2021.
Đối với các loại chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại, chất thải y tế đều được thu gom đúng quy định, đặc biệt là chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, góp phần bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh.
Về công tác xử lý chất thải, năm 2018, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP. Cần Thơ đi vào vận hành với công suất 400 tấn/ngày đã giải quyết cơ bản vấn đề rác thải sinh hoạt.
Đối với nước thải sinh hoạt đô thị, TP. Cần Thơ đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý với công suất 30.000m3/ngày đêm, còn nước thải phát sinh tại các Khu công nghiệp: Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Thốt Nốt,… đều được thu gom vào nhà máy xử lý tập trung để xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải vào nguồn tiếp nhận.
Cũng theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, Thành phố đã tập trung đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng hệ thống quan trắc không khí, nguồn nước tự động liên tục trên địa bàn.
Hiện tại, TP. Cần Thơ đã lắp đặt 5 trạm quan trắc tự động, trong đó có 4 trạm quan trắc nước mặt. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước, diễn biến xâm nhập mặn.
Không dừng lại ở đó, TP. Cần Thơ còn tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế để chia sẻ, học hỏi những sáng kiến, giải pháp về BVMT trên địa bàn thành phố. Kêu gọi, vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ triển khai thí điểm một số dự án trên địa bàn thành phố như: Dự án thu gom tự động rác nổi trên sông; mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; mô hình kinh tế tuần hoàn tại chợ nổi Cái Răng…
Một trong những hoạt động nổi bật trong thời gian gần do Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Cần Thơ tổ chức là sự kiện vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy bằng việc sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thới Lai, thông tin: "Luật BVMT đã quy định về việc phân loại rác thải tại nguồn. Trên cơ sở đó, chúng tôi tuyên truyền, vận động chị em tham gia mô hình để góp phần chung tay với các ngành chức năng thực hiện tốt các quy định về BVMT. Qua đó, ý thức BVMT của chị em ngày càng nâng cao, góp phần giúp địa phương thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng đến kiểu mẫu".
Với những nỗ lực trong công tác quản lý, BVMT đã góp phần giúp TP. Cần Thơ đạt nhiều giải thưởng về môi trường trong khu vực ASEAN.
Đơn cử, năm 2017, TP. Cần Thơ đạt chứng chỉ Thành phố tiềm năng bền vững môi trường ASEAN lĩnh vực không khí sạch. Năm 2021, TP. Cần Thơ cũng đạt giải thưởng Thành phố bền vững môi trường ASEAN và là 1 trong số 70 thành phố trên toàn cầu vào vòng chung kết chương trình Thành phố xanh 2021 - 2022 do tổ chức WWF khởi xướng.
Theo Lãnh đạo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, thời gian tới, công tác quản lý, BVMT trên địa bàn thành phố sẽ còn gặp nhiều khó khăn do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường tiềm ẩn từ các hoạt động phát triển kinh tế và áp lực của biến đổi khí hậu.
Do đó, TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVMT, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố.
Huỳnh Mai