Thứ bảy, 23/11/2024 13:51 (GMT+7)
Thứ năm, 14/10/2021 10:52 (GMT+7)

Nếu không được hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp khó có thể phục hồi trong năm 2022

Theo dõi KTMT trên

Ứng phó với Covid-19 là một trong những thách thức lớn nhất. Nên doanh nghiệp luôn tha thiết sự hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng để vượt qua thời điểm này.

Khó khăn chồng chất

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển & Kinh doanh: “Giai đoạn hiện tại, gặp khó khăn về Covid-19, tăng trưởng kinh tế trong quý 3/2021 giảm rất sâu là 6,17%. Theo dự đoán quý 4 sẽ tiếp tục giảm và tăng trưởng cả năm sẽ khá thấp. Triển vọng phục hồi trong năm 2022 còn chậm”.

Số liệu này cũng phần nào khẳng định được khó khăn các doanh nghiệp đang phải trải qua. Dịch bệnh kéo dài, khiến cho doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Đó là chưa kể những doanh nghiệp đã có chỗ đứng vững chãi trên thị trường, còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hay mới thành lập thì điều này thật sự đáng lo ngại.  

Theo Tổng Cục Thống kê, trong 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nếu không được hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp khó có thể phục hồi trong năm 2022 - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc chờ giải thể (Ảnh: Tạp chí Lao động & Xã hội)

Nhận thấy sự khó khăn này, cũng dễ dàng hiểu được số doanh nghiệp thành lập chắc chắn không còn tăng như mấy năm trước. Cụ thể, tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỉ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tín hiệu khả quan hơn khi Chỉ thị 16 được gỡ bỏ. Trong quý 4/2021, có 73,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn. Ngoài ra, có 13,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2021 tốt hơn quý 2/2021; 25,4% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 61,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Dự kiến quý 4/2021 so với quý 3/2021, có 43,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 26,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 30,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Doanh nghiệp cần gì sau đại dịch?

Nước ta đang trong hoàn cảnh vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đây là 2 nhiệm vụ vô cùng quan trọng nên không thể nghiêng bàn cân về một hướng. Có thể nhìn lại tốc độ tăng trưởng kinh tế rất mạnh của các nước trên thế giới, tiêu biểu là Trung Quốc, Mỹ, tuy nhiên, mấy tháng gần đây, tốc độ phục hồi của các nước đó bắt đầu chậm lại do rủi ro chủ yếu từ dịch bệnh. Nên, Việt Nam là nước đang phát triển, không thể lơ là hay chủ quan trước tình hình căng thẳng hiện tại.

“Trong giai đoạn này đang thiếu cơ chế đặc biệt cho nền kinh tế vì dịch bệnh gây tác động rất lớn. Cơ chế đặc biệt nghĩa là phải có chính sách tài khóa đặc biệt, đầu tư đặc biệt,hỗ trợ đặc biệt…để có thể phục hồi và phát triển kinh tế trong nước. Nếu không có hướng giải quyết rõ ràng, e rằng không chỉ quý 1 năm tới mà cả quý 2 hay quý 3 năm sau đều gặp khó khăn.”, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ

Trong tình trạng cấp bách này, Chính phủ cần đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, với các cơ chế trước đây về điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngân hàng vẫn e dè, hạn chế hoặc né tránh việc cho vay.

Nếu không được hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp khó có thể phục hồi trong năm 2022 - Ảnh 2
Các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ gấp (Ảnh minh họa: Internet)

Ông Dominic Vũ, Chủ tịch Liên minh Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất: “Chính phủ dành cơ chế hỗ trợ khẩn cấp trong tình huống đặc biệt này để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 95% số lượng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sau dịch, cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu và thực hiện các gói giải pháp an sinh xã hội đến tận tay người lao động để lấy lại niềm tin của họ về chính sách cũng như về triển vọng tăng trưởng”.

Còn đối với ông Dương Đỗ, CEO & Nhà sáng lập Toong: “Các chính sách miễn giảm thuế, lãi vay ngân hàng dành cho doanh nghiệp cần được thực hiện quyết liệt và nhanh chóng hơn. Đặc biệt, nên cân nhắc triển khai sớm các chính sách miễn giảm phí thuê mặt bằng do Nhà nước quản lý, để giảm bớt gánh nặng chi phí, tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi”.

Ngoài ra, những chương trình kết nối từ Nhà nước, các bộ ngành đến các doanh nghiệp  nhà cung ứng nước ngoài cần được đẩy mạnh, phát huy, nhân rộng. Từ đó, có thể tạo sự lan tỏa nhanh tới các doanh nghiệp triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ mới.

Trong thời điểm này, luôn phải xác định sống chung với dịch bệnh là một điều bình thường. Cho nên, ngoài những giải pháp cấp bách, hỗ trợ từ Nhà nước thì doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức để lạc quan hơn, nắm bắt cơ hội tốt hơn trong năm nay và những năm kế tiếp.

Thu Hà

Bạn đang đọc bài viết Nếu không được hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp khó có thể phục hồi trong năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới