Cần sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII để hiện thực hóa cam kết Net Zero
Theo các chuyên gia, Quy hoạch điện VIII thể hiện quyết tâm của Việt Nam về cắt giảm điện than, tận dụng tiềm năng lớn từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, giảm quy mô công suất nguồn điện khí LNG nhập khẩu đến năm 2030.
Đầu tư năng lượng tái tạo là lựa chọn tối ưu
Trong một nghiên cứu mới nhất với chủ đề Tái định hình ngành năng lượng tại khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn công nghệ toàn cầu Wärtsilä (Phần Lan) đã mô phỏng một số kịch bản cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam đến năm 2050.
Kịch bản đầu tiên là kịch bản thông thường với mục tiêu không giới hạn mức phát thải từ ngành điện. Theo kịch bản này, Việt Nam sẽ phát thải 320 triệu tấn carbon vào năm 2050, tăng gấp ba lần so với năm 2020, và việc đạt mục tiêu Net zero là không khả thi.
Kịch bản thứ hai giảm phát thải 50% vào năm 2050 so với kịch bản thông thường nêu trên; kịch bản thứ ba giảm phát thải 80% lượng phát thải vào năm 2050 so với kịch bản thông thường.
Cuối cùng là kịch bản Net zero với hệ thống điện không phát thải vào năm 2050.
Tất cả các kịch bản đều cho thấy, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, xây dựng được hệ thống điện Net Zero và đạt được mục tiêu độc lập năng lượng, thì năng lượng tái tạo cần là nguồn chính và cùng với đó là xây dựng nhà máy điện linh hoạt (ICE) và hệ thống pin tích trữ năng lượng.
Để giảm 80% lượng phát thải của Việt Nam, năng lượng tái tạo cần đạt 76% công suất lắp đặt vào năm 2050, và để đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050, 85% sản lượng điện phải đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo và nguồn điện linh hoạt sẽ giúp Việt Nam có thể loại bỏ hầu hết các nhà máy điện than vào năm 2040.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tăng cường đầu tư đáng kể vào năng lượng tái tạo để thúc đẩy cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng sản xuất năng lượng tái tạo nhanh nhất Đông Nam Á. Trước đó, ông lớn năng lượng lớn nhất Đan Mạch - Orsted đã cam kết đầu tư tới 13,6 tỷ USD cho khu trang trại điện gió 3,9 GW rộng lớn ở các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận của Việt Nam. Các dự án đầu tiên liên quan đến khoản đầu tư này sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào 2030, đại diện của Orsted chia sẻ với DW. Hồi tháng 8, Orsted đã ký thỏa thuận với một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Công ty TNHH MTV dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC, để hợp tác trong một số dự án năng lượng tái tạo.
“Dọn đường” để chuyển sang năng lượng xanh, sạch
Theo các chuyên gia, Quy hoạch điện VIII thể hiện quyết tâm của Việt Nam về cắt giảm điện than, tận dụng tiềm năng lớn từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, giảm quy mô công suất nguồn điện khí LNG nhập khẩu đến năm 2030.
Nêu ý kiến tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có chủ đề “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển” mới diễn ra, nhiều đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, để "dọn đường" cho việc chuyển sang năng lượng xanh, sạch.
Tại cuộc họp ngày 20/8, Thường trực Chính phủ đã kết luận: Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phê duyệt và phải bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, đây cũng là quy hoạch rất khó, nhất là trong bối cảnh hiện có nhiều biến động về năng lượng, chuyển đổi năng lượng trên thế giới do các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế, sự thay đổi, phát triển rất nhanh của công nghệ trong ngành năng lượng và yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu.
Thường trực Chính phủ đã đánh giá cao Bộ Công Thương trong việc xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII. Theo đó, Bộ Công Thương được yêu cầu tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII); trong đó tập trung thực hiện việc rà soát theo hướng giảm quy hoạch nguồn điện than đến năm 2030.
Ngoài các dự án đã được loại bỏ, không đưa vào Quy hoạch điện VIII như đã báo cáo, Bộ Công Thương phải tiếp tục làm việc với chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than khác đang triển khai song hiện có nhiều khó khăn để trao đổi, thống nhất về việc có tiếp tục hay không tiếp tục. Bên cạnh đó, cần tính toán thêm về quy mô nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, nhất là từ nước Lào, nâng quy mô phát triển nguồn điện sinh khối, hydrogen…
Ngoài ra, Bộ Công Thương rà soát tiến độ khả thi các dự án nhiệt điện sử dụng khí trong nước; đồng thời, tính toán cân đối giảm quy mô công suất nguồn điện khí LNG nhập khẩu đến năm 2030 và tăng nguồn điện gió với quy mô phù hợp, khả thi. Điện gió, điện mặt trời đang chiếm gần 1/3 tổng công suất các nguồn điện của Việt Nam, đạt khoảng 21.000 MW, đây cũng là nguồn năng lượng sạch trong tương lai.
Thực tế, Trong 3 năm thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế giá cố định khuyến khích (FIT), đến 31/12/2020, hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 17.000 MW điện mặt trời. Cũng với cơ chế giá FIT, đến ngày 31/10/2021, hệ thống điện đã tiếp nhận và đưa vào vận hành khoảng 4.000 MW điện gió. Các cơ chế ưu đãi khuyến khích này đã tạo thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển rất nhanh các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững theo định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 55/NQ-TW.
Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư mong đợi hiện nay là chính sách nào sẽ nối tiếp cơ chế FIT để quá trình phát triển năng lượng tái tạo được liên tục, tận dụng đà tăng trưởng cũng như các lợi thế rõ ràng trong chuỗi cung ứng quốc tế về công nghệ, tài chính vừa qua.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, với xu hướng giảm dần nhiệt điện than, phát triển nhiều hơn các nguồn năng lượng sạch, nhiều địa phương đã kiến nghị không dành quỹ đất cho đầu tư điện than dù đã có trong quy hoạch điện lực quốc gia, đồng thời xuất hiện trào lưu đề nghị đầu tư nhà máy điện khí hoá lỏng (LNG) tại các địa phương.
Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc quốc gia Việt Nam, mảng Năng lượng, Tập đoàn Wärtsilä nhìn nhận, với việc tạo ra một hệ thống điện dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể giải quyết vấn đề về sự biến động của nhiên liệu hóa thạch và các ràng buộc giảm phát thải, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong tương lai.
"Giảm phát thải carbon là một quá trình trong nhiều năm, đòi hỏi cần phải lập kế hoạch chặt chẽ, nhưng mục tiêu Net Zero của Việt Nam cho toàn nền kinh tế là hoàn toàn khả thi nếu ngành điện thực hiện các hành động cần thiết ngay hôm nay và trong thập kỷ tới để tiến tới một tương lai Net Zero vào năm 2050", ông Phạm Minh Thành nhấn mạnh.
Lan Anh