Thứ bảy, 23/11/2024 02:51 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/07/2020 14:30 (GMT+7)

Cân nhắc hợp lý về lắp đặt, sử dụng điện Mặt Trời mái nhà

Theo dõi KTMT trên

Điện Mặt Trời mái nhà đang là một giải pháp được nhiều hộ dân và doanh nghiệp lựa chọn do thời gian lắp đặt nhanh và có thể bán điện lên lưới cho ngành điện để giảm chi phí.

Cân nhắc hợp lý về lắp đặt, sử dụng điện Mặt Trời mái nhà - Ảnh 1
Điện Mặt Trời mái nhà không chỉ mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà còn giúp chống nóng cho công trình và góp phần bảo vệ môi trường. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Cứ bước vào cao điểm nắng nóng, áp lực về thiếu điện, chi phí hóa đơn tăng vọt lại xảy ra tại mỗi hộ gia đình, doanh nghiệp.

Điện Mặt Trời mái nhà đang là một giải pháp được nhiều hộ dân và doanh nghiệp lựa chọn do thời gian lắp đặt nhanh và có thể bán điện lên lưới cho ngành điện để giảm chi phí. Tuy nhiên, để lắp đặt mô hình này vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Cân nhắc hiệu quả

Mới đây, Chính phủ đã có Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam; mức giá mua bán điện 8,38 Uscent/kWh (tương đương 1.943 đồng/kWh) được kỳ vọng sẽ tạo đà cho điện Mặt Trời mái nhà phát triển.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ đầu năm đến nay, trên toàn quốc đã lắp đặt 9.193 dự án điện Mặt Trời mái nhà với tổng công suất 273,76 MWp. Lũy kế đến nay, đã có 31.570 dự án điện Mặt Trời mái nhà đăng ký bán điện cho EVN với tổng công suất 657,88 MWp và sản lượng điện phát lên lưới là 311,8 triệu kWh.

Gia đình ông Nguyễn Phi Hùng (Bạch Mai, Hà Nội) kinh doanh nhà hàng, mỗi tháng chi phí tiền điện dao động từ 10-12 triệu đồng. Gia đình ông rất muốn lắp đặt điện Mặt Trời áp mái.

Qua tìm hiểu, với diện tích 50m2 mặt sàn, ông có thể lắp thiết bị điện áp mái đạt khoảng 6-8 kWp với chi phí khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Hùng còn một số băn khoăn về công nghệ thiết bị, tính ổn định, hiệu quả đầu tư, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị như thế nào... Nhất là tại miền Bắc, lượng nắng thấp hơn trong Nam, nhưng độ ẩm lại cao hơn có ảnh hưởng tới các tấm pin không?

Đối với doanh nghiệp, ông Đào Văn Phương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định, cho biết doanh nghiệp đang tiêu thụ bình quân từ 1,5-2 tỉ đồng/tháng tiền điện và có diện tích mặt bằng mái tại các nhà xưởng lớn, đủ để lắp đặt điện Mặt Trời có quy mô.

“Chúng tôi đang có chủ trương lắp đặt điện Mặt Trời mái nhà tại các nhà xưởng để vừa giảm nóng, vừa giảm bớt tiền điện trong sản xuất. Doanh nghiệp đang phối hợp với đơn vị điện lực để khảo sát, nghiên cứu, có thể mỗi năm xây dựng 1-2 modul điện Mặt Trời, mỗi modul khoảng 100 kWp với chi phí hơn 1 tỉ đồng/năm,” ông Phương nói

Hiện doanh nghiệp này đang đánh giá tính khả thi về kỹ thuật, kinh tế, phối hợp với đơn vị tư vấn của Điện lực Nam Định và các nhà thầu để lựa chọn nhà thầu và công nghệ. “Chúng tôi sử dụng vốn của doanh nghiệp để xây dựng và làm từng bước, từng giai đoạn, có đánh giá lại hiệu quả tiết kiệm điện, thời gian thu hồi vốn sau bao lâu, từ đó mới có thể tiến hành đầu tư...”

Cùng chung băn khoăn với ông Phương, ông Lê Văn Luận, Giám đốc Xí nghiệp 380, thành viên của Công ty cổ phần Phú Tài, tỉnh Bình Định, đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh đá granite xuất khẩu cho biết, mỗi tháng, xí nghiệp tiêu tốn khoảng 11 tỉ đồng tiền điện, chiếm tỉ lệ lớn chi phí trong sản xuất đá granite xuất khẩu.

Do vậy, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm điện như nâng cấp công nghệ sản xuất, hợp lý hóa quy trình hoạt động, giải pháp lắp đặt điện Mặt Trời mái nhà được doanh nghiệp tính đến.

Tuy nhiên ông Luận cũng đặt câu hỏi, liệu việc lắp đặt các tấm pin lên mái có ảnh hưởng đến kết cấu nhà xưởng, có chịu được những lực tác động lớn bởi hệ thống máy, ròng rọc công nghiệp chạy bên dưới... Ngoài ra, về hiệu quả đầu tư, vốn vay ưu đãi cho lĩnh vực này thế nào..., doanh nghiệp cũng cần phải có nghiên cứu và tìm hiểu thêm mới có thể tính tới chuyện đầu tư.

Theo EVN, hiện nay, có những dự án điện Mặt Trời lắp đặt trên mái nhà xưởng, nhà kho của khách hàng trong khu công nghiệp, vừa mua điện từ lưới điện của EVN để sử dụng và vừa bán điện Mặt Trời lên lưới điện của EVN qua máy biến áp 110kV.

Nhưng theo quy định tại khoản 5 và khoản 6, Điều 3 của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, các dự án trên được gọi là điện Mặt Trời nối lưới. Cũng theo Điều 5 của quyết định này, chỉ các dự án nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 hoặc đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ 01/7/2019 đến hết 31/12/2020 mới được áp dụng giá điện Mặt Trời nối lưới theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Các dự án điện Mặt Trời nối lưới còn lại, giá mua điện được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh. Do vậy, các dự án điện Mặt Trời áp mái nêu trên chưa xác định được giá điện.

EVN kiến nghị Bộ Công Thương xem xét các dự án điện Mặt Trời công suất dưới 1 MW trong trường hợp nêu trên là điện Mặt Trời mái nhà để khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện Mặt Trời.

Tạo điều kiện tối đa

Theo ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện nay, các thông tin về lắp đặt điện Mặt Trời áp mái đã không còn mới với các hộ gia đình, doanh nghiệp. Hộ gia đình vừa sử dụng ngay lượng điện tạo ra từ hệ thống điện Mặt Trời mái nhà, vừa bán được lượng điện dư cho EVN nếu không dùng hết.

Cân nhắc hợp lý về lắp đặt, sử dụng điện Mặt Trời mái nhà - Ảnh 2
Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, công suất 49,5MWp tại thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát là nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Bình Định được hòa lưới điện quốc gia. (Ảnh: TTXVN phát)

“Hộ gia đình đầu tư, lắp đặt và đấu nối vào lưới điện EVN không gặp khó khăn gì, chúng tôi cũng đang nỗ lực tuyên truyền và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng lắp đặt côngtơ, nối lưới hệ thống điện Mặt Trời mái nhà, ký hợp đồng mua bán điện và thanh toán tiền điện cho khách hàng.”

Ông Nguyên cũng cho biết thêm, đầu tư điện áp mái, người dân sẽ được hỗ trợ từ các đơn vị lắp đặt, ngân hàng về vay vốn ưu đãi, giảm chi phí đầu tư ban đầu, giảm chi phí mua thiết bị, bảo hiểm hiệu suất tấm pin, miễn phí bảo trì, bảo dưỡng 5-10 năm...

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân cũng nhấn mạnh quan điểm của EVN là tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư để khuyến khích phát triển điện Mặt Trời mái nhà.

EVN sẽ tạo điều kiện để nguồn điện Mặt Trời mái nhà phát triển phù hợp, mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải tỏa của lưới điện. Đồng thời, việc phát triển điện Mặt Trời mái nhà sẽ góp phần tạo nguồn cung điện tại chỗ, góp phần đảm bảo cung ứng điện khi hệ thống điện Việt Nam không còn nguồn dự phòng.

Song ông Nhân cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành cần đẩy nhanh nghiên cứu công bố thông tin, đưa ra hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn để hỗ trợ nhà đầu tư, người dân lựa chọn công nghệ phù hợp.

Để đẩy mạnh phát triển điện Mặt Trời mái nhà, hiện EVN đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) nghiên cứu thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện Mặt Trời áp mái và trình Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt ban hành.

Đây là vấn đề cần được quan tâm bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới, khi lượng điện Mặt Trời đưa lên lưới ngày càng lớn.

Đức Dũng

Bạn đang đọc bài viết Cân nhắc hợp lý về lắp đặt, sử dụng điện Mặt Trời mái nhà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới