Trường học đầu tiên ở Hà Nội lắp điện mặt trời
Sáng 8/6, Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) tổ chức khởi động chương trình “Trường học công dân xanh” và tiếp nhận công trình điện mặt trời mái nhà.
Trường THCS Nguyễn Trãi lắp đặt 8 tấm điện mặt trời loại 5,3 kW/h trên mái của trường. Thiết bị này hỗ trợ sử dụng quạt, đèn thắp sáng tại 18 phòng học, dự kiến tiết kiệm 1-1,5 triệu đồng một tháng.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, cùng với việc triển khai chương trình “Trường học công dân xanh”, Trường THCS Nguyễn Trãi cũng là trường học đầu tiên trên địa bàn quận sử dụng máy đo chất lượng không khí để định hướng các hoạt động giáo dục cho học sinh. Cùng với đó, việc nhà trường được tài trợ, tiếp nhận công trình điện mặt trời mái nhà sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của cán bộ giáo viên nhân viên và học sinh cũng như tác động tốt tới môi trường.
8 tấm điện mặt trời được lắp đặt trên mái của trường THCS Nguyễn Trãi. (Ảnh: Nhà trường cung cấp) |
Bà Lê Hoàn Châu, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi, cho biết với tháng thấp điểm, trường dùng hết 7 triệu đồng tiền điện, tháng cao điểm do sử dụng điều hòa nên tiền điện tăng gấp đôi. Việc giảm hơn một triệu đồng tiền điện một tháng giúp nhà trường tiết kiệm ngân sách nhà nước.
“Trường học công dân xanh” sẽ giúp nâng cao nhận thức và thúc đẩy niềm đam mê của học sinh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, dần hình thành trong các em ý thức về nếp sống xanh. Từ trên ghế nhà trường, các em đã có cơ hội học tập, trải nghiệm, tìm tòi và đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo trong sử dụng năng lượng bền vững, bảo vệ môi trường”, cô Lê Hoàn Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết.
Học sinh trường THCS Nguyễn Trãi, Ba Đình xem tranh vẽ mô hình năng lượng tái tạo, sáng 8/6. (Ảnh: Nhà trường cung cấp) |
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), đơn vị khởi xướng “Trường học công dân xanh”, chương trình bắt đầu được thực hiện từ năm 2018. Đến nay đã có 12 trường tham gia, chủ yếu tại Hà Nội, hai tỉnh Lào Cai và Cà Mau.
Thông qua Câu lạc bộ Sao xanh được thành lập tại mỗi trường, các học sinh sẽ được hướng dẫn kỹ năng, kiến thức về bảo vệ môi trường. Các em tự tổ chức những hoạt động tại trường mình cũng như tham gia các chương trình giao lưu, kết nối giữa các câu lạc bộ. Từ năm 2020, GreenID sẽ lập diễn đàn để các trường chia sẻ ý tưởng, hành động cụ thể đã thực hiện, qua đó sẽ chọn ra đơn vị làm tốt nhất, khích lệ các trường khác cùng học tập, áp dụng.
Trường THCS Nguyễn Trãi được Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) hỗ trợ hơn 90 triệu đồng trên tổng 114 triệu đồng tiền mua thiết bị và lắp đặt. Hoạt động này nằm trong dự án "Trường học công dân xanh" do trường THCS Nguyễn Trãi và GreenID thực hiện.
Giảm thiểu sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch - bảo vệ môi trường Việc sử dụng điện từ các nguồn tài nguyên hóa thạch như dầu mỏ, than đá, khí đốt, thủy điện… làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống con người. Hưởng ứng chính sách của Chính phủ và lời kêu gọi toàn thế giới hành động bảo vệ môi trường, việc các ngôi trường sử dụng điện năng lượng mặt trời, hệ thống mang đến nhiều lợi ích thiết thực hiệu quả và lâu dài như: tiết kiệm chi phí điện năng hàng tháng; giảm phát thải CO2; xây dựng mô hình trực quan - hiện đại về điện năng lượng mặt trời, tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu và khởi xướng những ý tưởng sáng tạo khoa học cải tiến, bảo vệ môi trường. Lan tỏa đến cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn năng lượng sạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thông qua việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời trong nhà trường, học sinh dễ dàng tiếp cận - trải nghiệm và quan sát trực quan từ mô hình thực tế của hệ thống điện mặt trời hòa lưới, từ đó khơi ngợi và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cũng như nâng cao kiến thức cho học sinh. |
Quang Huy