Thứ ba, 30/04/2024 19:15 (GMT+7)
Thứ bảy, 11/06/2022 16:00 (GMT+7)

Cần khẩn trương khắc phục các bất cập trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Theo dõi KTMT trên

Kể từ khi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào vận hành đến nay, phương tiện di chuyển trên tuyến này thường xuyên xảy ra nhiều sự cố, một số trường hợp va chạm còn ảnh hưởng đến tính mạng người tham gia giao thông.

Được biết, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức khởi công từ tháng 11/2009, nhưng đến hết năm 2018, dự án chỉ mới hoàn thành được 10% tiến độ. Nguyên nhân xảy ra tình trạng đình trệ gần 10 năm là do dự án gặp nhiều vấn đề chưa thống nhất, phải trải qua 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần khởi công và  4 lần lùi thời hạn hoàn thành.

Đến tháng 3/2019, Tập đoàn Đèo Cả bắt đầu tham gia quản trị, điều hành dự án và bắt tay thực hiện. Chỉ hơn 3 năm sau đó, dự án đã đạt chuẩn thiết kế giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư mà Bộ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) từng phê duyệt.

Kể từ ngày tuyến cao tốc chính thức đi vào hoạt động (30/4/2022) đến nay (hơn 40 ngày vận hành), tổng lưu lượng xe lưu thông trên tuyến này khoảng gần 800.000 lượt, trung bình khoảng 23.000 lượt xe/ngày đêm.

Cần khẩn trương khắc phục các bất cập trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh 1
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn tuyến dài, lượng xe tăng đột biến tiềm ẩn mất an toàn cho người tham gia giao thông. (Ảnh nld).

Việc Tập đoàn Đèo Cả nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn để phục vụ người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lưu thông trên tuyến 2 Tết cổ truyền 2021, 2022 và thời gian lưu thông miễn phí vừa qua đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ dư luận xã hội và toàn thể lãnh đạo địa phương nơi dự án đi qua.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là tuyến huyết mạch quan trọng của vùng ĐBSCL. Tuyến cao tốc này chỉ mới đi vào vận hành gần đây, nhưng đã giải quyết được tình trạng ùn tắc gây bức xúc cho người dân nhiều năm trước; thúc đẩy sự liên thông kết nối, nâng cao phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó càng cho thấy, sự cấp thiết của dự án và chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương khi đã quan tâm chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ sớm đưa dự án vào sử dụng.

Để có thể giúp công tác quản lý khai thác vận hành dự án đảm bảo an toàn, thông suốt hơn, nhà đầu tư đã huy động nguồn lực cùng kết hợp với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã giải quyết kịp thời các vụ va chạm giao thông.

Cụ thể, phía quản lý dự án đã bố trí hơn 100 nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn, huy động các xe cứu thương, xe chữa cháy, xe cứu hộ cứu nạn… từ các dự án Hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Đồng thời, phối hợp với Chính quyền địa phương để tổ chức cứu hộ cho gần 230 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu; tiếp nhận giải đáp thắc mắc và sự cố qua số hotline là hơn 500 cuộc gọi.

Tuy nhiên, theo báo cáo của doanh nghiệp dự án, khi tuyến cao tốc đưa vào vận hành đã xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến an toàn giao thông. Gần đây nhất đã xảy ra các vụ va chạm giao thông nghiêm trọng, làm 2 người tử vong và 1 người bị thương.

Theo đó, hiện dự án này chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1 (giai đoạn phân kỳ), chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp, toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10km/điểm dừng (bên trái tuyến có 5 điểm dừng và bên phải tuyến 6 điểm dừng).

Chiều rộng mỗi điểm dừng xe khẩn cấp chỉ có 2m nên không khả thi để xe di chuyển tới điểm dừng, đặc biệt các loại xe container, dẫn đến rất khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ xử lý nhanh và kịp thời các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định của quy trình quản lý vận hành.

Trên thực tế, cả 2 tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương (49,6 km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (51,5 km) chỉ có 1 trạm dừng nghỉ tại km28+200. Như vậy, đoạn từ km28+500 đến cuối tuyến (km101+126) dài 73 km vẫn chưa được bố trí các trạm dừng nghỉ trên tuyến để cho các phương tiện dừng kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, nghỉ ngơi cho lái xe, người tham gia giao thông để đảm bảo đúng yêu cầu và tổ chức an toàn giao thông theo như pháp luật quy định.

Theo dự kiến đề ra, doanh nghiệp dự án sẽ triển khai thu phí từ ngày 1/7/2022 căn cứ theo phương án phê duyệt. Tuy nhiên với các bất cập nêu trên, doanh nghiệp dự án buộc đưa ra đề xuất cho các cơ quan chức năng tiến hành tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng liên quan đến phân kỳ đầu tư dự án, làm cơ sở để xem xét điều chỉnh quy trình vận hành khai thác để đảm bảo an toàn hơn.

Đặc biệt, cấp thiết bổ sung các điểm dừng cứu hộ cứu nạn, kiểm tra kỹ thuật đáp ứng quy mô theo chuẩn đường cao tốc để kiểm tra kỹ thuật, cứu hộ cứu nạn, tiếp nhiên liệu, xử lý sự cố phương tiện hư hỏng, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Ngoài ra, sớm có kế hoạch triển khai giai đoạn 2, hoàn thiện dự án với lý do tốc độ tăng trưởng kinh tế, lưu lượng xe về Miền Tây ngày càng tăng cao. Việc triển khai sớm giai đoạn 2 để hoàn chỉnh, đảm bảo quy mô kết nối với các tuyến cao tốc đầu tư theo quy hoạch trong khu vực như tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Huỳnh Mai t/h

Bạn đang đọc bài viết Cần khẩn trương khắc phục các bất cập trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hướng về mảnh đất Điện Biên anh hùng
Những ngày này, cả nước đang hướng về mảnh đất Điện Biên anh hùng. 70 năm qua, dấu ấn chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu vẫn còn hiện rõ trên mảnh đất miền Tây Bắc này.

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).