Thứ sáu, 29/03/2024 19:03 (GMT+7)
Thứ tư, 27/04/2022 20:00 (GMT+7)

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành sẽ tạo “cú hích” lớn cho sự phát triển kinh tế ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Sau hơn 10 năm “ì ạch” triển khai, xây dựng, Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng. Dự án này được đánh giá sẽ tạo “cú hích” lớn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.

Một phần “xương sống” đất chín rồng hoàn thành

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là thành phần của tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến đường được mệnh danh trục “xương sống” thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công từ năm 2009 với quy mô chiều dài toàn tuyến 51,1km giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT, tuy nhiên triển khai chậm tiến độ do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, dự kiến ban đầu Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có quy mô mặt đường rộng 25,5 - 26,5m cho 4 làn xe chạy với vận tốc 120 km/h và có hai làn dừng xe khẩn cấp với tổng vốn đầu tư 19.000 tỉ đồng. Dự kiến hoàn thành vào quý 2/2013. Vậy nhưng dự án sau đó bị chậm triển khai do vướng mắc một số vấn để, nhất là khâu giải phóng mặt bằng.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành sẽ tạo “cú hích” lớn cho sự phát triển kinh tế ĐBSCL - Ảnh 1
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đến năm 2015 dự án dự án được tái khởi động bởi liên danh 6 nhà đầu tư với mục tiêu hoàn thành vào quý 2/2020.  Đồng thời, dự án được thực hiện theo hình thức BOT, vốn đầu tư được điều chỉnh xuống 14.678 tỉ đồng. Đến năm 2017, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh giảm còn 9.668 tỉ đồng. Đến tháng 3/2019, khối lượng công việc lúc này mới chỉ được khoảng 10%.

Để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019, Thường trực Chính phủ đã đồng ý chuyển đổi Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ Bộ Giao thông vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang. Sau đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn BOT là 10.482 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỷ đồng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trong thời gian ngắn, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được chuyển giao cơ quan quản lý từ Bộ Giao thông vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang, tỉnh cùng Doanh nghiệp dự án đã giải quyết khối lượng khá lớn các thủ tục pháp lý như: Điều chỉnh Dự án; ký kết phụ lục hợp đồng; điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án... để bảo đảm tiến độ Dự án.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, riêng về nguồn vốn, đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ Dự án, đến nay, tỉnh đã nhận được phần kinh phí và đã nhanh chóng phân bổ nguồn vốn này, hoàn ứng lại phần kinh phí Doanh nghiệp dự án đã ứng, đồng thời tập trung vào việc thi công Dự án trong thời gian tới. Đến nay, thời gian dự phòng cho Dự án đã hết cho nên phải đẩy nhanh tiến độ, rà soát lại tiến độ các nhà thầu, ký cam kết thực hiện đúng tiến độ thi công.

Đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, hiện các hạng mục nền mặt đường tuyến chính, tuyến nối của Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã hoàn thành. Các hạng mục an toàn giao thông trên tuyến chính, tuyến nối, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống giao thông thông minh (ITS)… đã được nghiệm thu.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành sẽ tạo “cú hích” lớn cho sự phát triển kinh tế ĐBSCL - Ảnh 2
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuậnsẽ tạo đà cho sự phát triển của ĐBSCL

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói việc hoàn thành cao tốc là bước khởi đầu để từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành tiếp 361 km cao tốc trên tuyến Bắc – Nam; đến 2025 hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.Việc đưa vào sử dụng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là hiện thực lời hứa của Chính phủ với hơn 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Tiền Giang và các tỉnh lân cận trong khu vực...

 Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tập trung đầu tư hoàn thành hệ thống giao thông kết nối, hệ thống đường gom, làn dừng khẩn cấp để phát huy tối đa hiệu quả.

Thông tin tại buổi khánh thành về thời gian khai thác Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đại diện chủ đầu tư cho biết, tuyến đường sẽ đưa vào chạy 2 chiều từ 7h30 ngày 30/4, dự kiến trong 60 ngày với tốc độ tối đa 80km/h và tốc độ tối thiểu 60km/h. 

Sở dĩ có việc dự kiến chạy trong 60 ngày là vì đây được xem là thời gian để công ty triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án.

Đẩy nhanh hoàn thiện kết nối vùng

Vùng ĐBSCL có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản và trái cây hàng đầu của cả nước. Những năm qua, vùng ĐBSCL đạt nhiều kết quả trong phát triển, tuy nhiên, hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn lớn nhất khiến khu vực này chưa phát triển như kỳ vọng dù có nhiều dư địa.

Tại Hội nghị thẩm định quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào cuối tháng 11/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển vùng ĐBSCL. Muốn phát triển được vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên là cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT và đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng ĐBSCL phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt. Cụ thể là ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành sẽ tạo “cú hích” lớn cho sự phát triển kinh tế ĐBSCL - Ảnh 3
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là sự mong đươi của rất nhiều người dân ĐBSCL

Được biết, sau Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, các tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Dự án có chiều dài gần 23 km, được khởi công từ đầu năm 2021. Trong 23 km toàn tuyến thì có hơn 10 km đi qua Đồng Tháp, bắt đầu tại còn lại trên địa bàn Vĩnh Long.

Được biết, tuyến Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có mức đầu tư là 4.800 tỷ đồng, giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh tuyến đường được thiết kế với vận tốc100 km/h, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32 m. Dự kiến, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự tính hoàn thành năm 2022, đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn 1 trong năm 2023.

Thông tin về dự án này, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là sự trông chờ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Cần Thơ cũng như người dân của cả vùng ĐBSCL. Tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ TP.HCM về TP.Cần Thơ từ 3-4 giờ xuống còn khoảng 2 giờ, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giao thông, giao thương của người dân ĐBSCL.

Đánh giá về tầm quan trọng của dự án này, đại diện tỉnh Vĩnh Long cho rằng, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu vận tải trên tuyến QL1, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực và dần hoàn thiện tuyến cao tốc theo quy hoạch.

Toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành vào năm 2023. Đây là tuyến đường huyết mạch thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối các tuyến chính đã và đang xây dựng tại ĐBSCL, tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Ngoài ra, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Trong tương lai gần, hệ thống giao thông ĐBSCL sẽ có nhiều điểm sáng với hệ thống đường bộ, cầu vượt sông lớn, cụm cảng và luồng, các sân bay trong vùng được đầu tư, điều này sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng ĐBSCL.

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành sẽ tạo “cú hích” lớn cho sự phát triển kinh tế ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.