Thứ năm, 28/03/2024 18:01 (GMT+7)
Thứ năm, 10/11/2022 17:50 (GMT+7)

Cần có quy định chi tiết về loại hình bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp

Theo dõi KTMT trên

Theo đại biểu Hà Ánh Phượng, đối với bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp, đại biểu nêu quan điểm, cần có quy định chi tiết về loại hình này nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.

Còn thiếu thống nhất về khái niệm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 10/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thích ứng với môi trường kinh doanh mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong dự thảo luận.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho rằng, cần có quy định chi tiết về loại hình bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp.

Cần có quy định chi tiết về loại hình bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp - Ảnh 1
Đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ). Ảnh: QH

Về hàng hóa có khuyết tật, cần có sự rà soát các quy định về hàng hóa khuyết tật để có thể thu hồi hay có chế tài xử lý vi phạm. Đối với bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp, đại biểu nêu quan điểm, cần có quy định chi tiết về loại hình này nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, đại biểu Phượng cho hay.

Theo đại biểu Phượng, về vấn đề hàng hóa có khuyết tật và khái niệm hàng hóa có khuyết tật, quy định như trong dự án Luật còn thiếu thống nhất, trùng lặp trong cách giải thích cùng một từ ngữ. Cụ thể Khoản 4, Điều 3 dự luật giải thích sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gồm 3 loại dựa trên nguồn gốc phát sinh khuyết tật nhưng Điều 33 dự luật về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật lại tiếp tục giải thích, phân loại các sản phẩm, hàng hóa này dựa trên khả năng gây thiệt hại đến tài sản hay sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Ngoài ra, còn thiếu thống nhất về khái niệm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật với văn bản quy phạm pháp luật khác. Cụ thể, dự thảo luật quy định tại Khoản 3, Điều 34 về việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra thực hiện theo pháp luật dân sự.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 lại không có quy định nào về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chỉ có quy định về hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng trong khi hai khái niệm này lại không đồng nhất với nhau. Vì vậy, đại biểu Phượng đề nghị rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất trong việc giải thích các từ ngữ, khái niệm ngay trong dự luật, đồng thời đối chiếu dự thảo luật với các văn bản pháp luật khác có liên quan về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không vướng mắc, khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.

Về bán hàng trực tiếp, tại Mục 3, Chương III dự thảo luật quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp. Theo đại biểu Phượng, quy định này là chưa chính xác vì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trên không gian mạng hoặc qua phương tiện viễn thông từ xa. Vì vậy, đề nghị xem xét quy định này.

Tại Khoản 3, Điều 45 dự thảo luật quy định về các hành vi bán hàng đa cấp bất chính. Theo đại biểu Phượng khái niệm bất chính dường như không thể hiện được yêu cầu gì trong quản lý nhà nước nên xem xét chuyển giao quy định về các hành vi bị nghiêm cấm không được thực hiện.

Khoản 2, Điều 46 dự thảo luật quy định hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện về hình thức quy định tại Điều 23 của luật này. Trong khi đó, khoản 1, Điều 23 dự thảo luật quy định, hình thức hợp đồng, giao kết với người tiêu dùng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan. Như vậy, điều luật này chỉ dẫn chiếu đến pháp luật dân sự mà không có quy định cụ thể về hình thức hợp đồng. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 46 dự thảo đã quy định rõ hình thức hợp đồng bằng văn bản. Do vậy, quy định như trên là chưa rõ ràng. Do đó, đối với nội dung này nếu chưa quy định ngay trong luật thì nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra

Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho biết, khoản 3 Điều 34 quy định rằng, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tuy nhiên, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng xử lý hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự. Để việc thực hiện bồi thường thiệt hại kịp thời, đại biểu đề nghị cần bổ sung Điều 34 một khoản quy định, phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế.

Cần có quy định chi tiết về loại hình bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp - Ảnh 2
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh).  Ảnh: QH

Về việc quy định liên quan đến miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, dự thảo Luật quy định: Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng. Đại biểu cho rằng quy định như vậy còn bất cập, sơ hở, không đảm bảo bảo vệ đầy đủ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Cùng với đó, đại biểu Vân đề nghị sửa khoản1 Điều 35 này thành: miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra khi chứng minh được khuyết tật sản phẩm hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật của thế giới tính đến thời điểm hàng hóa gây ra thiệt hại. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ buộc các doanh nghiệp không ngừng nâng cao quản lý chất lượng, có trách nhiệm hơn với sản phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng.

Trách nhiệm các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) góp ý về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật tại Điều 33 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú cơ bản nhất trí của dự thảo luật chia sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thành hai nhóm: nhóm có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng và nhóm có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Cần có quy định chi tiết về loại hình bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp - Ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang). Ảnh: QH

Trên cơ sở này để quy định mức độ trách nhiệm tương ứng của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc thu hồi đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Tuy nhiên, để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, đại biểu Tú cho biết.

Ông Tú  cho rằng, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra Điều 34, khoản 1, Điều 3 dự thảo luật quy định người tiêu dùng cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Như vậy, người tiêu dùng bên cạnh việc mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, còn mua sử dụng dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Tuy nhiên, Điều 34 dự thảo luật mới chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng…

Để bảo vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị Điều 34 dự thảo luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Điều 73 dự thảo luật. Thứ nhất, Khoản 1, Điều 13 dự thảo luật chỉ quy định chung là tiền bồi thường thiệt hại, đối tượng thụ hưởng trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.

Trong trường hợp khởi kiện công cộng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì việc xác định cụ thể đối tượng được thụ hưởng và mức thụ hưởng của từng đối tượng trong tổng số tiền được bồi thường thiệt hại là rất quan trọng. Dự thảo luật cần quy định cụ thể tiêu chí, nguyên tắc để xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng và mức thụ hưởng để làm cơ sở Tòa án quyết định trong bản án, đại biểu Tú phát biểu.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Cần có quy định chi tiết về loại hình bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.