Thứ bảy, 27/04/2024 15:51 (GMT+7)
Thứ năm, 10/11/2022 11:55 (GMT+7)

Quy định về kinh tế hợp tác thiếu tính đồng bộ với pháp luật hiện hành

Theo dõi KTMT trên

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác (từ điều 16 đến Điều 21) còn quá nhiều, mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm và tính thực chất mà tổ chức kinh tế hợp tác thực sự cần.

Nội dung chính sách còn thiếu tính định lượng

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sáng nay (ngày 10/11), đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) cho rằng, hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước còn dàn trải, thiếu trọng tâm. Đại biểu Tuyến chia sẻ, sau gần 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã đã góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển hợp tác xã, góp phần tăng thu nhập cho người lao động trong hợp tác xã, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, quy định pháp luật về kinh tế hợp tác còn nhiều nội dung chưa phù hợp, thiếu tính đồng bộ với pháp luật hiện hành.

Quy định về kinh tế hợp tác thiếu tính đồng bộ với pháp luật hiện hành - Ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang). Ảnh: QH

Về các nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác (từ điều 16 đến Điều 21) còn quá nhiều, mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm, chưa đặc trưng và tính thực chất mà tổ chức kinh tế hợp tác thực sự cần. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm xác định nội dung hỗ trợ mang tính tập trung nhằm mang lại tính khả thi cao và đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế. Bên cạnh đó, một số nội dung chính sách còn mang tính khái quát cao, thiếu tính định lượng, đại biểu Tuyến phát biểu.

Đối với thuế thu nhập trích lập quỹ chung và không chia và phần thu nhập hình thành tài sản chung không chia, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị cần quy định rõ: giao UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cho tổ chức kinh tế hợp pháp thuộc địa phương mình quản lý.

Về kiểm toán, tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân đại biểu đề nghị cần làm rõ quy định này để các tổ chức có liên quan dễ dàng trong triển khai thực hiện. Nếu kiểm toán là căn cứ để nhà nước hỗ trợ cho tổ chức kinh tế hợp tác thì đối với tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân, không bắt buộc kiểm toán thì việc hỗ trợ khách được căn cứ từ đâu?

Đối với chính sách hỗ trợ của nhà nước cho hợp tác xã, đại biểu Tuyến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét và thiết kế nội dung theo hướng hỗ trợ để phát triển tổ chức kinh tế hợp tác và sự hỗ trợ này sẽ giảm dần theo hiệu quả và sự tiến bộ hợp tác xã để tiến đến sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong thị trường.

Phát huy kinh tế hợp tác xã trong thời gian tới

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc (TP.Hà Nội) quan tâm đến một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tên gọi này đã bao trùm mọi chủ thể quy định ở trong Luật. Đây cũng là tên gọi đi vào lịch sử, trở thành một thương hiệu trong nền kinh tế Việt Nam, cần tiếp tục kế thừa phát huy trong thời gian tới.

Quy định về kinh tế hợp tác thiếu tính đồng bộ với pháp luật hiện hành - Ảnh 2
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (TP.Hà Nội). Ảnh QH

Đại biểu Lộc phân tích thêm, người có công đưa mô hình hợp tác xã về Việt Nam là Bác Hồ. Trong suốt sự nghiệp, Bác vẫn luôn quan tâm, phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã cũng là mô hình vừa thể hiện bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

Về liên đoàn hợp tác xã, theo đại biểu chưa nên đưa vào Luật này, cần tổ chức thí điểm có thực tiễn ở cho phù hợp hơn. Mặc dù trên thế giới đã có hình thức này từ lâu, nhưng đối với Việt Nam thì vẫn cần thí điểm để nghiên cứu, đánh giá việc thành lập liên đoàn hợp tác xã heo ngành hàng.

Dự thảo Luật cần thể hiện chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công, chuyển giao ủy quyền cho Hợp tác xã trong thực hiện các dịch vụ công như hỗ trợ phát triển kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại đầu tư, đồng thời, cũng cần tăng cường năng lực của Liên minh Hợp tác xã để thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng này, đại biểu Lộc đề nghị.

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) góp ý về nội dung chính sách của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác. Nhấn mạnh đây là nội dung hết sức quan trọng, song thực tế nhiều chính sách khó tiếp cận. Đại biểu Mai Văn Hải cũng đề nghị rà soát lại trong dự thảo Luật tránh dàn trải và tập trung để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách của Luật năm 2012 để làm sao hợp tác xã dễ tiếp cận nhất để thúc đẩy phát triển hoạt động hợp tác xã.

Theo đại biểu Mai Văn Hải cần quan tâm về chính sách phát triển nguồn nhân lực và đổi mới mô hình quản trị hợp tác xã; tháo gỡ về mặt chính sách về đất đai; tháo gỡ về chính sách về tín dụng; và về chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Quy định về kinh tế hợp tác thiếu tính đồng bộ với pháp luật hiện hành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới