Cách xác định F0, F1, ca nghi mắc Covid-19 có điểm gì mới?
Mới đây, Bộ Y tế vừa có công văn gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với các biến chủng có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta và Omicron. Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới có xu hướng tăng tại một số tỉnh, thành phố.
Vì vậy, để tiếp tục chủ động tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc, quản lý hiệu quả các ca bệnh Covid-19 trong bối cảnh cả nước đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phù hợp với điều kiện và nguồn lực của các địa phương, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tổ chức thực hiện giám sát bệnh Covid-19 với các nhóm đối tượng. Cụ thể:
Ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) là một trong số các trường hợp:
- Là người tiếp xúc gần (F1) và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giám hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.
- Là người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) và có có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như trên.
- Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2 ().
- Người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) là người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học... với ca bệnh xác định (F0) đang trong thời kỳ lây truyền.
- Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động.
Ca bệnh xác định (F0) là một trong số các trường hợp sau:
- Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR).
- Là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2.
- Là người có biểu hiện lâm sàng nghĩ mắc Covid-19 (ca bệnh nghi ngờ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).
- Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1 với virus SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).
Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:
- Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
- Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
- Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
- Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Ngoài ra, theo Bộ Y tế, thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT>30.
Không được "lơ là" trước biến thể Omicron
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định ca nhiễm Omicron này là ca nhập cảnh vì thế nguy cơ lây ra cộng đồng từ ca này là không có. Dù vậy, đây là trường hợp đầu tiên được phát hiện, nhưng chúng ta phải đề phòng có thể không phải là trường hợp duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm này.
Theo TS Phu, biến chủng mới này lây lan rất nhanh, đã xuất hiện tại hơn 100 nước trên thế giới. Vì thế, Việt Nam sẽ tiếp tục có ca mới nhiễm biến thể này. Theo một số nghiên cứu công bố trước đó, biến thể này gây ra các triệu chứng nhẹ nhưng nếu không kiểm soát được sẽ dẫn tới ca nhiễm tăng dễ dẫn tới quá tải cho các bệnh viện, hệ thống y tế, từ đó tăng ca tử vong.
"Người dân cần thực hiện tốt 5K vì 5K giúp cản trở lây nhiễm. Omicron là biến chủng mới nhưng vẫn là bệnh lây qua đường hô hấp dù lây nhanh, vẫn là giọt bắn. Virus chưa có biến đổi về đường lây. Lúc này điều chúng ta cần làm là nâng cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn các tình huống đối phó vì tất cả những thông tin về biến chủng này chưa có gì rõ ràng, đang nghiên cứu", TS Phu nhấn mạnh.
Lan Anh (T/h)