Chủ nhật, 08/09/2024 06:48 (GMT+7)
Chủ nhật, 27/03/2022 07:56 (GMT+7)

Các chính sách tài khóa giúp doanh nghiệp phục hồi cần đẩy mạnh

Theo dõi KTMT trên

Các chính sách tài khóa giúp doanh nghiệp phục hồi cần đẩy mạnh, tính từ đầu năm đến nay có 3 trên 5 chính sách thuế được thực hiện, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi

Đó là nội dung quan trọng trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/3 để đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là Bộ Tài chính cần thực hiện những chính sách tài khóa.

Đến thời điểm này, trong 5 chính sách thuế đã có 3 chính sách được thực hiện. Điều này đã tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp ngay từ những tháng đầu năm.

Các chính sách tài khóa giúp doanh nghiệp phục hồi cần đẩy mạnh - Ảnh 1
Từ đầu năm đến nay có 3 trên 5 chính sách thuế được thực hiện, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. (Ảnh minh họa).

Tính từ đầu tháng 2 đến hết năm nay, thuế giá trị gia tăng một số nhóm hàng hóa cơ bản được giảm từ 10% xuống chỉ còn 8%. Dự kiến, việc giảm 2% thuế VAT sẽ làm ngân sách hụt thu khoảng 50 nghìn tỷ đồng.

Còn tính từ cuối năm ngoái đến hết tháng 5 năm nay, lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được giảm một nửa. Theo ước tính, mức thu lệ phí trước bạ 2 tháng đầu năm nay giảm khoảng 4.000 tỷ đồng.

Về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm nay được giảm một nửa so với mức hiện hành, xuống chỉ còn 1.500 đồng/lít. Theo tính toán, các doanh nghiệp hàng không sẽ tiết kiệm được gần 1.600 tỷ đồng.

Chính sách thuế mong chờ sớm được ban hành

Chỉ còn 2 chính sách là giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn nộp các loại thuế vẫn đang chờ được ban hành. Năm ngoái, đã có khoảng 140 nghìn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh được gia hạn các loại thuế, với số tiền khoảng 96 nghìn tỷ đồng.

Cộng đồng doanh nghiệp hiện đang rất mong chờ chính sách này được ban hành để có thêm nguồn lực tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Được giảm thuế giá trị gia tăng từ đầu năm đã giúp Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc phần nào bớt khó khăn trong việc giữ giá sản phẩm bán ra khi hàng loạt nguyên liệu đầu vào tăng giá. Giữ được giá cũng là cách doanh nghiệp giữ được thị trường nhưng nếu được giảm tiền thuê đất và gia hạn nộp thuế doanh nghiệp có thêm các điều kiện phát triển lúc này.

Các chính sách tài khóa giúp doanh nghiệp phục hồi cần đẩy mạnh - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc cho hay: "Chúng tôi mong muốn các chính sách thuế sớm được triển khai để các doanh nghiệp phát triển tốt hơn bởi hiện chi phí quá lớn, nếu không có sự hỗ trợ thuế cầm cự sẽ khó".

Còn chính sách gia hạn nộp thuế thực chất là khoản vay không tính lãi của Nhà nước cho doanh nghiệp trong vòng từ 4 đến 6 tháng cũng rất có tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam cho hay: "Chính phủ đã dành khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Trong 6 tháng đó, người ta sẽ phải vay ngân hàng và chiếm dụng số tiền thuế đó để kinh doanh. Đây là giải pháp tốt và thời điểm này nên triển khai ngay".

Để nhằm thực hiện nhanh chóng các giải pháp phục hồi kinh tế qua chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 2 dự thảo của Nghị định về giảm tiền thuê đất, mặt nước và gia hạn nộp thuế.

Bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho hay: "Thuế giá trị gia tăng thì Tổng cục Thuế đang đề xuất gia hạn tối đa là 6 tháng cho số thuế phải nộp từ tháng 3 đến tháng 5 và quý I/2022. Thời gian cuối cùng nộp số thuế vào Ngân sách Nhà nước là 31/12/2022. Còn thuế thu nhập doanh nghiệp, thời gian gia hạn là 2 quý - quý I và quý III; thời gian gia hạn là 3 tháng".

Dự kiến số tiền được gia hạn từ các loại thuế vào khoảng 135 nghìn tỷ đồng. Số tiền này là nguồn lực để phục hồi kinh tế, góp phần kích thích tiêu dùng và kiềm chế lạm phát.

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu của chính sách là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025: Tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Các chính sách tài khóa giúp doanh nghiệp phục hồi cần đẩy mạnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

An Giang bứt phá, kinh tế - xã hội khởi sắc
Nhờ thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang duy trì xu hướng tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng và quý tiếp theo.
Cổ phiếu của Công ty VNG giảm sốc
Phiên giao dịch hôm nay 6/9, cổ phiếu VNZ của kỳ lân công nghệ VNG bất ngờ giảm mạnh vào cuối phiên chiều. Tính đến 13h45ph, cổ phiếu VNZ giảm gần 11%.

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.