Thứ bảy, 27/04/2024 18:24 (GMT+7)
Thứ năm, 13/10/2022 08:00 (GMT+7)

Cà Mau triển khai linh hoạt các giải pháp thích ứng với diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Cà Mau đang chịu tác động nặng của biến đổi khí hậu. Hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan xuất hiện ngày một dầy hơn, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống sinh kế người dân.

Cà Mau là địa phương duy nhất trên cả nước có ba mặt giáp biển, với khoảng 250 km bờ biển. Có hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, sinh kế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và phần lớn diện tích của tỉnh thuộc vùng đất ngập nước ven biển, có 87 cửa sông thông ra biển nên chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH), biểu hiện rõ nét nhất trên địa bàn tỉnh những năm gần đây là: Vào mùa khô tình trạng nhiệt độ tăng cao, hạn hán, thiếu nước, xâm ngập mặn sâu vào nội đồng; vào mùa mưa tình trạng ngập úng đô thị, triều cường, nước biển dâng gây sạt lở đất bờ sông, bờ biển và sụp lún đất tại một số nơi diễn biến phức tạp,… ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân..

Mỗi năm, địa phương này mất đi diện tích đất rừng tương đương một xã. Theo số liệu của Sở NN&PTNT, chỉ tính từ năm 1996 đến 2017, tình trạng sạt lở nghiêm trọng đã làm địa phương mỗi năm mất 300 - 450 ha đất rừng phòng hộ ven biển, tương đương diện tích bình quân của một xã.

Cà Mau triển khai linh hoạt các giải pháp thích ứng với diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Đối với tình trạng sạt lở bờ biển, tỉnh Cà Mau huy động các nguồn nước tập trung gia cố, nâng cấp các tuyến kè biển. (Ảnh: HN)

Tại những vị trí có hệ thống đê, kè hộ đê (huyện U Minh và Trần Văn Thời), liên tiếp những năm qua, khi vào mùa mưa bão, cùng với thời điểm triều cường dâng cao đã gây áp lực rất lớn, dẫn đến việc tỉnh phải ban bố tình huống thiên tai nhằm xử lý kịp thời những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Trong tháng 7 vừa qua, tuyến đê biển Tây đã xuất hiện 5 vị trí nguy cơ bị vỡ rất cao, tỉnh phải ban bố tình huống thiên tai, kịp thời có giải pháp công trình theo cơ chế khẩn cấp với nguồn kinh phí gần 37 tỷ đồng.

Tại bờ biển Đông, trong tổng số hơn 142 km chiều dài hiện nay cũng có hơn 82 km trong tình trạng sạt lở. Đặc biệt, nguy hiểm hơn khi khu vực này chưa có đê kè như bờ Biển Tây. Nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng hơn cần phải được bảo vệ cấp bách như: Đoạn từ Kênh Chốn Sóng đến Kênh Năm Ô Rô thuộc xã Viên An; Đoạn từ cửa sông Bồ Đề đến cửa Sông Hố Ruồi thuộc xã Tam Giang Đông... Theo đó, buộc phải cấp bách xây kè phòng, chống sạt lở bờ biển Đông là 38,8 km.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra nhất là đối với tình trạng sạt lở, Cà Mau kiến nghị Trung ương có cơ chế thí điểm thực hiện xã hội hoá kè biển, các dự án tái định cư để đảm bảo hạ tầng, sinh kế cho người dân. Tiếp tục đầu tư hệ thống kè, đê biển trong cả nước nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng để bảo vệ tính mạng, tài sản, sản xuất của người dân và khôi phục rừng phòng hộ ven biển, xem xét lại việc nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau từ đê cấp IV lên đê cấp III để phù hợp thực tế địa phương.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Cà Mau xác định đây vẫn sẽ là một trong những ngành chủ lực, do đó, tỉnh đang tập trung triển khai cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhằm ngăn mặn, giữ ngọt, chống khô hạn, phát triển sinh kế phục vụ theo từng tiểu vùng sản xuất.

Cà Mau triển khai linh hoạt các giải pháp thích ứng với diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Trồng rừng ngập mặn để phòng, tránh lụt bão. (Ảnh minh họa: Internet)

Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Cùng với các đề án kế hoạch cơ cấu lại từng ngành, ngành nông nghiệp đẩy mạnh liên kết trong phát triển sản xuất bền vững giữa các vùng, địa phương nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương theo hướng sinh thái, hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, đưa kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế toàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra trên diện rộng, ngoài công tác nghiên cứu nâng cấp cơ sở hạ tầng, Cà Mau cũng đang triển khai đầu tư xây dựng các đô thị theo hướng thông minh hiện đại, chú trọng các giải pháp có thể tích hợp được yếu tố thông minh và thích ứng với BĐKH.

Năm 2022, Cà Mau xác định chú trọng sử dụng kỹ thuật số để phát triển đô thị thông minh, hiện đại và thích ứng với sự BĐKH. Đặc biệt, ứng dụng đô thị thông minh cho phép tìm và tạo giá trị mới từ cơ sở hạ tầng hiện có, tạo ra những nguồn doanh thu, nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp chính phủ và người dân tiết kiệm chi phí và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.

Theo kịch bản BĐKH năm 2020 được Bộ TN&MT ban hành, phần lớn tỉnh Cà Mau có giá trị lún lớn hơn 5cm/10 năm do nguyên nhân tự nhiên và các hoạt động của con người, tại trung tâm TP Cà Mau hình thành các phễu lún với tốc độ cao trung bình từ 20 đến 50cm trong vòng 10 năm. Nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 79,62% diện tích của tỉnh Cà Mau có nguy cơ bị ngập, trong đó huyện Trần Văn Thời 93,28% diện tích, Cái Nước 89,01% diện tích có nguy cơ ngập cao nhất.

Bộ Xây dựng cho biết, đồ án quy hoạch tỉnh cần chú trọng cập nhật kịch bản BĐKH, đây là cơ sở để đồ án quy hoạch đề xuất khu vực phát triển đô thị, các giải pháp san nền, xác định cao độ xây dựng và phát triển hạ tầng cấp nước, thoát nước, chống ngập.

Cập nhật bổ sung quy hoạch mạng lưới cấp nước liên vùng từ cụm nhà máy nước sông Hậu 1 về Cà Mau đã được xác định trong Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, bổ sung giải pháp ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn cấp nước cho vùng hải đảo và một số khu vực trên đất liền của tỉnh Cà Mau. Bổ sung các giải pháp san nền và thoát nước mặt, xác định cao độ nền khống chế, phương án phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Bổ sung các dự án giảm thiểu ngập úng cho các đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau ứng phó với BĐKH, nước biển dâng.

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện chương trình, dự án liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của từng ngành, từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế về BĐKH, khẳng định sự chủ động, nỗ lực của tỉnh Cà Mau trong ứng phó với BĐKH; tích cực vận động hỗ trợ quốc tế mọi nguồn lực về năng lực, tài chính, công nghệ để ứng phó hiệu quả với các tác động của BĐKH,…

Thực hiện Kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH, từ nay đến năm 2030, Cà Mau sẽ đầu tư khoảng 19.011 tỷ đồng. Theo đó, sẽ có 3 nhóm dự án lớn với 55 công trình dự án lớn nhỏ sẽ được triển khai từ này đến năm 2030 nhằm nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Cà Mau cũng đang tập trung xây các giải pháp chủ động thích ứng, chủ động tiếp cận, linh hoạt thích ứng với tác động của BĐKH và các điều kiện tự nhiên khác. Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Xây dựng các mô hình cộng đồng thích ứng hiệu quả với BĐKH KT-XH các cấp, các ngành được xây dựng, cập nhật, bổ sung phải tính đến các yếu tố BĐKH.

An Như

Bạn đang đọc bài viết Cà Mau triển khai linh hoạt các giải pháp thích ứng với diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới