Ô nhiễm không khí có gây biến đổi khí hậu?
Theo hơn 99,9% các nghiên cứu về khí hậu cho thấy, biến đổi khí hậu là có thật và do con người tạo ra. Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ có những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sự an toàn của con người.
Ô nhiễm không khí có liên quan chặt chẽ với biến đổi khí hậu, trong đó quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch vừa gây biến đổi khí hậu, vừa là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí. Do đó những nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng có thể cải thiện không khí bị ô nhiễm, và ngược lại. Gần đây, Hội đồng liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng nếu quy trình sản xuất nhiệt điện từ đốt than không kết thúc vào năm 2050, nhiệt độ của Trái Đất sẽ tăng hơn 1,5 độ C và chúng ta có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng khí hậu lớn trong vòng 20 năm tới.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu dẫn đến lũ lụt gia tăng, các đợt nắng nóng kỷ lục, bão mạnh hơn và các mùa cháy rừng kéo dài hơn, khắc nghiệt hơn, tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của chúng ta. Hậu quả của biến đổi khí hậu là rất nghiêm trọng và nhu cầu giảm thiểu các chất ô nhiễm là cấp thiết.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu
Nguyên nhân gây nên hiện tượng này là do các yếu tố tự nhiên và nhân tạo. Trong đó, các nguyên nhân tự nhiên như thời kì băng hà, thời kì ấm áp, núi lửa, kiến tạo mảng,... Tuy nhiên, nếu do các hiện tượng tự nhiên thì quá trình này phải kéo dài hàng nghìn năm thì biến đổi khí hậu mới có thể gây hại đến con người và các sinh vật trên trái đất. Trong giai đoạn hiện nay, diễn biến của biến đổi khí hậu đã vô cùng nghiêm trọng vì vậy nguyên nhân chính đó là do tác động của con người, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người tác động đến môi trường, làm ô nhiễm môi trường là nguyên nhân chính.
Các hoạt động sản xuất công nghiệp, các phương tiện giao thông vận tải,... làm tăng khí nhà kính (CO2, CH4, N2O,....). Các khí này có khả năng giữ nhiệt cao, làm nhiệt độ bề mặt trái đất tăng dần lên dẫn đến sự tan dần của những khối băng vĩnh cửu ở Bắc cực, Nam cực, trên các đỉnh núi cao làm cho mực nước biển dâng cao. Trong đó CO2 là loại khí nhà kính quan trọng nhất. Một lượng lớn khí CO2 phát thải từ sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá, xăng, dầu,…).
Nhiệt độ tăng làm tăng nguy cơ xảy ra sét (cứ nhiệt độ tăng 1oC, nguy cơ sét tăng 12%). Tia sét phóng ra với tốc độ 36.000 km/h, có sức nóng 30.000oC, có thể gây cháy rừng, ngoài ra nạn chặt phá rừng tràn lan cũng làm tăng nhanh hàm lượng CO2 trong khí quyển. Nói chung lại do các hoạt động con người đã làm môi trường sinh thái nước ta bị ô nhiễm trầm trọng góp phần thúc đẩy biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam
Nước ta nằm trong danh sách các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi toàn cầu và mực nước biển dâng. Một số biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Về nhiệt độ: nhiệt độ cả nước có xu hướng tăng lên, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng lên 2,6 đọ ở Tây Bắc; tăng 2,5 độ ở Đông Bắc; tăng 2,4 độ ở đồng bằng Bắc bộ; tăng 2,8 độ ở Bắc Trung bộ; tăng 1,9 độ ở Nam Trung bộ; tăng 1,60C ở Tây nguyên và tăng 2,0 độ ở Nam bộ so với trung bình của thời kỳ 1980-1999.
Lượng mưa: mưa và lượng mưa tại các khu vực trên cả nước có xu hướng tăng. Tính chung cho cả nước, lượng mưa cả năm vào cuối thế kỷ 21 tăng khoảng 5% so với thời kỳ 1980-1999. Ở các vùng phía Bắc mức tăng lượng mưa sẽ nhiều hơn so với khu vực phía Nam.
Nước biển dâng: mực nước biển dâng sẽ dâng 30cm vào năm 2050 và cuối thế kỷ 21 sẽ dâng khoảng 75cm (Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiệt độ trung bình ở nước ta trong khoảng 50 năm qua tăng 0,70C và mực nước biển quan trắc ở các trạm Cửa Ông (Vịnh Hạ Long), Hòn Dấu (Đồi Sơn) tăng khoảng 20cm; tính trung bình mực nước biển ở Việt Nam đã tăng thêm 12cm).
Tác động đến trồng trọt và chăn nuôi: biến đổi khí hậu làm thay đổi các đặc tính của của đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của các loại cây trồng. Hiện tượng khô cằn cùng với việc mặn hóa, giảm lượng nước ngọt làm cho diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp. Rủi ro tăng lên do lũ lụt bất thường. Các mối đe dọa từ việc tăng sâu bệnh và dịch bệnh do thay đổi trong phân bố dịch bệnh truyền bệnh. Điều kiện sống của các loài sinh vật bị biến đổi dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại làm xuất hiện nguy cơ gia tăng các loài sâu bệnh, dịch rầy nâu, vàng lùn.
Tác động đến đời sống của con người: biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến đời sống của người dân. Nó tác động trực tiếp đến sức khỏe con người thông qua quá trình trao đổi năng lượng giữa cơ thể người với môi trường xung quanh, dẫn đến những biến đổi về sinh lý, tập quán, khả năng thích nghi và những phản ứng của cơ thể đối với các tác động đó. Các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng, gây nên những tác động tiêu cực đối với sức khoẻ con người, dẫn đến gia tăng một số nguy cơ đối với tuổi già, những người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, dị ứng. Tác động gián tiếp đến sức khỏe con người thông qua các nguồn gây bệnh làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, tiêu chảy, dịch tả...
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường có tỉ lệ thuận với nhau, khi một cái tăng cao kéo theo cái còn lại cũng tăng cao. Nó vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân của hiện tượng ô nhiễm môi trường. Biến đổi khí hậu là hiện tượng đáng lo ngại nhất toàn cầu mà mọi quốc gia đều quan tâm và tìm cách hạn chế sự ảnh hưởng của nó đến các mặt của đời sống xã hội tại mỗi quốc gia.
Tạ Nhị