Thứ ba, 19/03/2024 16:33 (GMT+7)
Thứ bảy, 03/06/2023 17:30 (GMT+7)

Cà Mau: Áp lực lớn từ việc xử lý rác thải, nước thải

Theo dõi KTMT trên

Dù đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chủ trương, chính sách, thế nhưng đến nay tình trạng thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn đang là bài toán nhức nhối, chưa có lời giải.

Rác thải bủa vây 

Theo thống kê cho thấy, hiện nay lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Cà Mau khoảng 812,7 tấn/ngày (ở khu vực đô thị là 261,1 tấn/ngày; ở khu vực nông thôn là 551,6 tấn/ngày). Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị đạt khoảng 87,8%, tương ứng với khối lượng 246,7 tấn/ngày; còn tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt là 88,3%; tương ứng với khối lượng thu gom thực tế là 504,8%.

Bên cạnh đó, tổng lượng nước thải phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 43.338 m3/ngày đêm (số liệu phân tích từ công tác bảo vệ môi trường năm 2022). Đáng nói, với khối lượng nước thải rất lớn nhưng hiện nay, các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa có khu xử lý nước thải tập trung đưa vào vận hành, nước thải chưa xử lý thải trực tiếp ra môi trường; nước thải nông thôn cũng chưa được thu gom, xử lý.

Cà Mau: Áp lực lớn từ việc xử lý rác thải, nước thải - Ảnh 1
Rác thải ùn ứ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ảnh TTXV

Những con số biết nói đã cho chúng ta thấy thực trạng đáng báo động về tình trạng ô nhiễm rác thải, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt tại các khu đô thị và khu dân cư trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Và vấn đề này luôn là vấn đề bức xúc, nhận được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận.

Dù lượng rác thải phát sinh môi ngày là rất lớn, nhưng trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay chỉ có duy nhất một nhà máy xử lý rác. Đáng nói hơn, trong thời gian gần đây, nhà máy xử lý rác này luôn hoạt động trong tình trạng cầm chừng với nhiều lần tạm ngưng để sửa chữa, nâng cấp. Mỗi lần như  vậy, ngành chức năng địa phương này lại ban hành những văn bản hỏa tốc để yêu cầu thực hiện bố trí, tập kết, quản lý rác thải để tránh gây ô nhiễm.

Công tác quản lý còn nhiều khó khăn

Thông tin đến báo chí, Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho rằng: “Qua kết quả rà soát thực hiện theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cho thấy, tiêu chí môi trường hiện tại vẫn chưa đạt. Có 6/6 xã, thị trấn thực hiện thu gom, xử lý chất thải, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp trực tiếp ≥ 50% tổng lượng phát sinh. Chưa có mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp quy mô cấp xã trở lên. Huyện chưa có công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp. Hiện trên địa bàn huyện sử dụng tạm 1 ha đất xử lý rác, nếu thời gian kéo dài (do không xác định được thời gian, lộ trình đầu tư xây dựng khu xử lý rác tập trung của tỉnh), lượng rác thải của huyện không đủ khả năng để xử lý sẽ ứ đọng, gây ô nhiễm nghiêm trọng”..

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng Phúc Lâm (đơn vị chuyên thu gom, vân chuyển rác thải trên địa bàn tỉnh Cà Mau) cho biết: “Hiện nay, mỗi ngày công ty đều thu gom 2 tấn, nhưng thực tế vẫn không hết rác. Do một số tuyến đường khu dân cư không có lối vào, thêm vào đó người dân sống theo tuyến sông rạch nên cứ vô tư thả rác xuống sông. Ðợt vừa rồi nhà máy ngưng để bảo trì là rác dồn ứ liền, dù đã chốn lấp và xử lý nhưng vẫn không hết”.

Cà Mau: Áp lực lớn từ việc xử lý rác thải, nước thải - Ảnh 2
Là nhà máy xử lý rác thải duy nhất tại Cà Mau, nhưng đơn vị này hoạt động cầm chừng dẫn đến tình trạng rác thải bị ùn ứ, gây ô nhiễm.

Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều chủ trương, chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Điển hình, UBND tỉnh chủ động tham gia ý kiến đóng góp đối với định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; Chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, lập quy hoạch địa điểm xử lý rác thải tập trung của huyện hoặc khu vực liên huyện mang tính đồng bộ, liên kết giữa các khu vực lân cận; Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có sử dụng công nghệ cao, giảm quỹ đất cho công tác xử lý chôn lấp, bảo vệ môi trường.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế kiểm soát trong hoạt động thu, chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển rác; Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; Thu hút, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng thêm cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch cấp thẩm quyền phê duyệt; Rà soát, bố trí quỹ đất để đầu tư, xây dựng bãi chôn lấp rác thải dự phòng tại địa phương; Ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động, quy định trong việc thu gom, phân loại chất thải tại nguồn ở hộ gia đình, cá nhân; Đầu tư, lắp đặt camera tại các tuyến đường chính, khu dân cư tập trung để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân loại, thu gom rác của các hộ gia đình, cá nhân và đơn vị thu gom, vận chuyển rác,….

Nhà máy xử lý rác thải độc nhất Cà Mau hoạt động cầm chừng?

Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng-Thương Mại-Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư và được xây dựng theo chính sách ưu đãi đầu tư, với tổng vốn 300 tỉ đồng, Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư. Trong đó, 40% vốn ưu đãi do Nhà nước hỗ trợ là do ngân sách trung ương (khoảng 120 tỉ đồng), ngân sách tỉnh hỗ trợ 10%. Còn 50% vốn còn lại là của nhà đầu tư.

Công suất nhà máy 200 tấn/ngày, sử dụng dây chuyền xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ Vibio. Dự án được xây dựng vào năm 2010, đến năm 2012 thì đưa vào sử dụng.

Từ khi đi vào hoạt  động đến nay, nhà máy xử lý rác này đã nhiều lần xin tạm ngưng tiếp nhận, xử lý rác. Lần lượt, vào năm 2014 (sau khoảng 2 năm đi vào hoạt động), tiếp đó là tháng 10/2018 (sau khoảng 6 năm đi vào hoạt động) và gần đây nhất là cuối năm 2022. Lý do các lần ngưng tiếp nhận rác mà Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng-Thương Mại-Du lịch Công Lý đưa ra là nhằm để bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị máy móc.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Cà Mau: Áp lực lớn từ việc xử lý rác thải, nước thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Quảng Nam: Thu hút hơn 20.000 tỉ đồng đầu tư 16 dự án
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thoả thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư của 16 dự án.