Bức ảnh bác sĩ trẻ cạo trọc đầu xung phong vào tâm dịch gây xúc động cho người xem
Hiện nay, có hàng ngàn y bác sĩ của các bệnh viện lớn trên cả nước và đông đảo sinh viên ngành y, dược đã xung phong lên đường hỗ trợ các địa phương vùng dịch, trong đó có bác sĩ trẻ Đặng Văn Hiệu - Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM.
Hình ảnh nụ cười của bác sĩ trẻ Đặng Văn Hiệu xuống tóc trước khi lên đường vào tâm dịch chống giặc Covid-19 tại Bắc Giang được đồng nghiệp là bác sĩ Lê Minh Khôi công tác cùng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đưa lên facebook của bệnh viện, chỉ trong 5 tiếng đã có 601 lượt người chia sẻ, 219 lượt bình luận và 3.500 lượt người yêu thích.
Bác sĩ Lê Minh Khôi viết: “Chưa có một tấm ảnh nào về nụ cười lại có thể làm tôi muốn bật khóc như tấm ảnh này. Tấm ảnh của một đồng nghiệp trẻ đang xuống tóc để đêm nay đi vào tuyến lửa Bắc Giang. Muốn khóc vì nụ cười đẹp như một thiên thần. Muốn khóc vì cảm động và tự hào. Muốn khóc vì một tình yêu thương như cứ dâng trào trong lồng ngực”.
Đọc những dòng cảm xúc của anh Khôi và được nhìn thấy tấm hình, ai cũng dâng trào nước mắt, trân quí lòng nhiệt huyết cao cả của tuổi trẻ ngành y dược không nề hà gian khó, sẵn sàng xung phong ra trận, chiến đấu với "dịch Covid-19".
Bác sĩ trẻ Đặng Văn Hiệu cũng như hàng nghìn y bác sĩ của ngành y đã xung phong vào tuyến lửa chống dịch với tâm thế tự hào, chiến đấu, hy sinh; như hàng vạn cán bộ quân đội, công an, dân quân cùng hàng triệu người Việt Nam đang ngày đêm đoàn kết một lòng, sẵn sàng xả thân, cống hiến để cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh.
Đây là những người lính xung trận tuyến đầu sau lời hiệu triệu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 27/5. Đến nay, có gần 26.000 sinh viên, giáo viên các trường y khoa đăng ký sẵn sàng lên đường đến với những điểm nóng nơi dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp để tham gia khoanh vùng, dập dịch.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang, hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang có 1.400 nhân viên y tế, sinh viên học sinh, các trường Đại học y khoa, có lực lượng quân đội, công an tham gia mọi mặt trận chống dịch ở Bắc Giang.
Chứng kiến hình ảnh bác sĩ Hiệu xuống tóc, bác sĩ Lê Minh Khôi tâm sự: “Có những con người bình thường không hoa mỹ, không đao to búa lớn, đã đứng lên trong những thời khắc nguy nan như thế này. Làm cùng bệnh viện nhưng trước khi bắt gặp tấm ảnh này, tôi chưa một lần trò chuyện cùng em. Giờ thì xin hẹn đến ngày chiến thắng”.
“Một tấm ảnh hơn ngàn lời nói. Có lẽ nói nhiều nữa cũng bằng thừa. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy, tâm thế hiến dâng ấy đã vượt lên trên tất cả những mỹ từ đẹp đẽ nhất. Cảm ơn em, một người thầy thuốc trẻ trong trăm ngàn người thầy thuốc Việt Nam”, bác sĩ Lê Minh Khôi viết.
Nhiều dòng cảm xúc đã ca ngợi bác sĩ Đặng Văn Hiệu với những lời chia sẻ chân thành. Bạn Đinh Thị Huyền viết: “ Em đọc mà nghẹn ngào xúc động. Nhìn thấy thương ghê mặc dù chưa bao giờ trò chuyện cùng em này, xin cầu mong em khoẻ và sớm quay về với gia đình và đồng đội. Quá đổi tự hào về em trai!”.
Cùng tâm trạng xúc động, bạn Nguyễn Văn Vân viết: “Yêu em và ngưỡng mộ. Chúc em và đồng sự vượt qua khó khăn góp phần vào dập tắt dịch”.
Được biết Bắc Giang đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị để vận hành hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng (ICU) tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang dự kiến sẽ đưa vào hoạt động sau 3 ngày nữa. Theo đó, hiện Bắc Giang thiếu trang thiết bị y tế và không đủ y bác sĩ chuyên ngành hồi sức; cần được hỗ trợ sinh phẩm, test kit nhanh và vật tư, hóa chất phòng chống dịch trong giai đoạn tiếp theo.
Trong thời gian tới, dịch bệnh ở Bắc Giang có thể lan rộng, Bộ Y tế khẳng định đã chuẩn bị lực lượng, hoàn toàn chủ động để hỗ trợ Bắc Giang. Hiện Bộ Y tế đã điều động hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang trực tiếp hỗ trợ Bắc Giang.
Để thiết lập thêm đơn vị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang với công suất 100 giường, Bộ Y tế sẽ điều nhân lực chuyên môn từ Bệnh viện Trung ương Huế ra hỗ trợ.
Trong hai tuần qua, những chiến sĩ áo trắng nơi tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh đã gác lại chuyện riêng, làm việc cật lực với công suất 200% để lấy mẫu xét nghiệp cho người dân, nhanh chóng khoanh vùng dập dịch trong cái nắng oi ả của ngày hè.
Kể sao hết những nỗi gian truân mà các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đang phải ngày đêm khống chế dịch Covid-19. Những y bác sĩ trẻ như Đặng Văn Hiệu đã và đang làm rạng ngời truyền thống ngành y, nối tiếp truyền thống hào hùng ra trận năm xưa của thế hệ cha anh như: Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm ... đã làm nên lịch sử.
Viết Tôn