Những 'lá chắn sống' trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19
Trong những khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến..., các cán bộ ngành y tế và lực lượng chống dịch đang căng mình, thần tốc chạy đua trước “cơn bão” Covid-19.
Cuối tháng Tư, thời điểm người dân đi lại nhiều trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, Việt Nam lại xuất hiện ca mắc Covid-19. Nhiều địa phương phát hiện các bệnh nhân Covid-19, nguồn lây bệnh mạnh, lịch trình di chuyển và tiếp xúc dày đặc khiến tình hình dịch diễn biến nhanh và phức tạp.
Ở những địa phương có ổ dịch, lực lượng cán bộ, y bác sỹ đang không quản khó khăn, vất vả, nỗ lực phòng chống dịch bệnh cả ngày lẫn đêm. Họ là những lá chắn sống, những tấm khiên chống dịch để đảm bảo an toàn cho người dân.
Tinh thần tương trợ vùng có dịch
Ngày 14/5, Bắc Giang ghi nhận 30 ca dương tính SARS-CoV-2, ngày 15/5 là 85 ca mới và ngày 16/5 có thêm 98 ca mắc Covid-19. Số lượng ca mắc Covid-19 tại Bắc Giang tăng chóng mặt.
Ngay lập tức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã lập đoàn công tác đến làm việc tại Bắc Giang và họp đến 23 giờ 30 (ngày 15/5) để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch tại đây.
Đồng thời, từ chiều ngày 15/5, 200 nhân viên y tế tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) chia làm 10 tổ công tác đã khẩn trương tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân đang làm việc tại Công ty trách nhiệm Hữu Hạn Crystal Martin Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).
Sau khoảng 9 giờ làm việc không ngừng nghỉ, các nhân viên y tế của bệnh viện đã hoàn thành việc lấy mẫu tại công ty Công ty trách nhiệm Hữu hạn Crystal Martin Việt Nam và tiếp tục di chuyển để tiến hành lấy mẫu cho công nhân tại Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghệ Lens Việt Nam.
Tính đến 22 giờ ngày 15/5, các nhân viên y tế bệnh viện đã lấy mẫu cho 9.000 người. Và trong đêm 15/5, đoàn đã lấy được mẫu cho 3.000 người.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó Giám đốc bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển (tỉnh Quảng Ninh) cho biết bệnh viện sẽ sử dụng phương pháp xét nghiệm hiện đại đảm bảo nhanh và hiệu quả nhất để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang sàng lọc, phát hiện các trường hợp F0, F1.
Đồng thời, các bác sỹ đang khẩn trương vẽ bản đồ dịch tễ của vùng, khu công nghiệp, góp phần sớm nhất không chế dịch bệnh.
Với tinh thần tương thân, tương ái, các y bác sỹ không quản khó khăn, nguy hiểm, hỗ trợ những vùng có dịch không kể ngày đêm, mong sao có thể khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất.
Tại Bắc Giang, do dịch Covid-19 bùng phát tại các khu công nghiệp, nên ước tính Bắc Giang cần xét nghiệm cho 200.000 người. Bắc Giang chưa bao giờ phải đón nhận một đợt dịch và tốc độ lây lan nhanh chóng và có nhiều ca nhiễm virus SARR-CoV-2 liên tục đến vậy. Bắc Giang thật sự cần sự trợ giúp của lực lượng y tế ngoài địa phương để lấy mẫu, đảm bảo thời gian thực hiện nhanh nhất, chính xác nhất và tiết kiệm nhất.
Sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các tỉnh khác về mọi nguồn lực y tế không chỉ tạo điều kiện mà còn củng cố quyết tâm để tỉnh Bắc Giang khống chế dịch Covid-19, không để dịch lây lan rộng hơn.
Tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang, nguồn nhân lực chính trong khu cách ly được phân công gồm 7 bác sỹ, 10 điều dưỡng, thay phiên nhau đảm bảo công việc chăm sóc bệnh nhân cũng như nghỉ ngơi, cân bằng sức khỏe cho chính các y bác sỹ.
Từng lớp áo, quần bảo hộ, mặt nạ, khẩu trang, tấm chắn che mặt được các y bác sỹ khoác lên người mỗi 6 giờ sáng một cách cẩn trọng nhất. Họ hiểu rằng cuộc sống những ngày này là một cuộc chiến thực sự với căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà chỉ cần thao tác sai, bộ đồ bảo hộ rách hoặc bị hở, họ từ chiến sỹ chống dịch, có thể bị virus xâm nhập vào cơ thể và trở thành nguồn lây nhiễm.
“Mỗi khi mặc bộ đồ bảo hộ là bắt đầu cuộc sống khác” là chia sẻ của những y bác sỹ tại đây. Họ đã chấp nhận xa gia đình, vợ con trong một thời gian dài và chưa biết bao giờ sẽ được trở về nhà khi đợt dịch Covid-19 này còn rất phức tạp tại Bắc Giang.
Quên mình chống dịch
Trong suốt thời gian 24/24 giờ nhiều ngày qua, Phòng xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh hoạt động hết công suất. Đội ngũ cán bộ làm công tác xét nghiệm tại đây đang dồn tổng lực chạy đua cùng thời gian, tận dụng từng phút để xử lý các xét nghiệm. 30 y bác sỹ được huy động phục vụ công tác xét nghiệm đã ở lại cơ quan trong suốt thời gian qua.
Để thực hiện nhanh nhất, chuẩn xác nhất, 21 cán bộ xét nghiệm được chia làm 3 ca, duy trì hoạt động xét nghiệm suốt 24/24.
Bác sỹ Vương Thị Tuyến, Trưởng khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh-Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: "Từ hôm Bắc Ninh bùng phát dịch Covid-19 đến nay, đội ngũ y bác sỹ chúng tôi làm việc cả ngày và đêm, quên cả hôm nay là thứ mấy. Có những ca trực khoảng 8 tiếng, các cán bộ đã thực hiện xét nghiệm 3.000 mẫu gộp. Chúng tôi nỗ lực làm các công đoạn xét nghiệm nhanh nhất, chuẩn xác nhất để đạt mục tiêu 10.000 mẫu gộp 1 ngày."
Bác sỹ Ngô Thị Xuân, Giám đốc CDC tỉnh Bắc Ninh chia s hai vợ chồng cùng làm ngành y nên từ khi dịch bùng phát, ngày nào hai vợ chồng cũng làm việc từ sáng đến đêm, rồi ở lại nơi làm việc, tránh tiếp xúc với người thân.
Trong đợt cao điểm thực hiện công tác lấy mẫu, truy vết xuyên đêm ở ổ dịch Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trong 1 đêm, các cán bộ y tế đã lấy gần 11.000 mẫu để xét nghiệm SARS-CoV-2.
Lực lượng y bác sỹ mỏng nên suốt nhiều ngày, chúng tôi căng mình, làm việc hết công suất lấy mẫu xét nghiệm cho mấy nghìn người.
Bác sỹ Xuân kể: "Y bác sỹ phải mặc bộ đồ bảo hộ, đeo 2 lớp kính, hơi thở và mồ hôi mờ cay mắt khi làm việc trong tình hình khẩn trương cao độ. Nhiều cán bộ trẻ lẫy mẫu liên tục nhiều giờ đến đau cả tay, cổ họng khô khốc. Cả một ngày, y bác sỹ chỉ có nửa tiếng buổi trưa để ăn, thậm chí nước cũng không dám uống vì không thể dễ dàng cởi và mặc đồ bảo hộ để đi vệ sinh. Mệt, đến giờ nghỉ, nhiều bạn nhai trệu trạo xuất cơm xen lẫn mồ hôi và cả nước mắt. Nhưng chúng tôi động viên nhau để vững tinh thần, cố gắng ăn và tranh thủ nghỉ ngơi để có sức chiến đấu chống dịch."
"Bao giờ hết dịch, nhân dân bình yên chúng ta lại được trở về với gia đình, chúng tôi chỉ biết nắm tay và động viên nhau như vậy trong hoàn cảnh dịch bệnh nguy hiểm, phức tạp này," bác sỹ Xuân chia sẻ.
Áp lực đối với các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch không chỉ đến từ số lượng, khối lượng công việc quá nhiều, thời gian yêu cẩu khẩn cấp mà còn từ việc công việc xét nghiệm yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác cho từng mẫu.
Xa gia đình, làm việc bất kể ngày đêm, ca kíp, điều kiện sinh hoạt, ăn ở trong các vùng dịch thiếu thốn là điều các y bác sỹ luôn phải chấp nhận khi đã khoác lên mình bộ áo trắng.
Thêm vào đó, lần chống dịch truyền nhiễm này, các y bác sỹ còn phải khoác thêm những bộ đồ bảo hộ nhiều giờ liên tục, làm việc trong điều kiện nóng bức ngột ngạt của ngày Hè…
Thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa… khiến người dân cảm thấy cuộc sống như chậm lại, nhưng trong những khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến..., các cán bộ ngành y tế và lực lượng chống dịch đang căng mình, thần tốc chạy đua trước “cơn bão” Covid-19.
Hình ảnh những y bác sỹ áo trắng, trong lớp áo bảo hộ, kiêm trì chống dịch trên mọi mặt trận sẽ khắc sâu trong tâm trí những bệnh nhân, những người đang thực hiện cách ly và nhân dân cả nước.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Đội ngũ cán bộ, y bác sỹ, những chiến sỹ áo trắng không quản khó khăn, vất vả, sẵn sàng hy sinh, nâng cao trách nhiệm lương y trên tuyến đầu chống dịch khiến người dân thêm tin yêu ngành y và tin tưởng Việt Nam sẽ nhanh chóng khống chế được dịch Covid-19.
Ngọc Bích