BR-VT: Doanh nghiệp gặp khó do gián đoạn nguồn cung nguyên liệu
Thời gian qua, do đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất khiến các doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử, gỗ,… trên địa bàn tỉnh BR-VT gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, đơn hàng đã ký kết.
Theo kết quả tổng hợp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý 4/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với quý 3/2022. Các đơn hàng năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực dự kiến sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.
Nguyên nhân của sụt giảm đơn hàng chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, xuất nhập khẩu gặp lao đao do chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế. Trong đó, nguyên nhân là do giá dầu thế giới có thể sẽ bị đẩy lên mức cao, tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa được tháo gỡ, khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh. Đồng thời, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, trong bối cảnh trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, làm tăng chi phí đầu vào, kéo theo sức ép lên mặt bằng giá sản xuất trong nước.
Đặc biệt, thời gian qua, lãi suất tăng nhanh làm chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tăng cao; rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn hiện hữu khi Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “zero Covid”.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV, kết quả tổng hợp khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân định kỳ hàng tháng từ nửa cuối tháng 10/2022 cho thấy các doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, từ tháng 9/2022 đến nay, các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, điện tử, gỗ… không chỉ gặp khó khi đơn hàng sụt giảm mà những đơn hàng đang sản xuất cũng bị trở ngại do nguồn cung nguyên liệu khan hiếm và giá cả tăng.
Cụ thể, với ngành dệt may, ông Kim Hanbeom, Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Boomin Vina (chuyên sản xuất chăn len và thảm len, trụ sở tại TX. Phú Mỹ) - chủ đầu tư CCN Boomin Vina cho biết, hầu hết các nguyên liệu cần thiết để sản xuất mền đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, khi nguồn cung bị đứt gãy, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, theo bà Hoàng Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thương mại Dịch vụ Tiến Dũng (chuyên sản xuất các sản phẩm như bàn, tủ nail..., trụ sở tại TX. Phú Mỹ), hiện doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu do hầu hết phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc dẫn đến giá thành tăng cao. Trong khi những hợp đồng mà công ty đã ký thì không thể tăng giá. Đó là khó khăn lớn của doanh nghiệp hiện nay.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng trong tình trạng tương tự, ông Hyo Jin Choi, Phó giám đốc Công ty TNHH Kims Cook Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2) cho biết, hiện đơn hàng của công ty phủ kín đến cuối năm và cả quý I/2023. Nhưng khó khăn hiện nay là thiếu lao động và nguyên liệu. Do đó, doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Để giải quyết mối lo ngại này, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện Sở đang tích cực chỉ đạo các phòng ban chức năng cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép... để hỗ trợ giới thiệu cho doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp tận dụng nguồn nguyên liệu trong tỉnh, trong nước để bảo đảm chuỗi sản xuất cũng như cung ứng.
Song song đó, các doanh nghiệp cần được sự đồng hành, hỗ trợ từ cơ quan chức năng về cơ chế lẫn chính sách, nhất là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ.
“Các khó khăn hiện nay của DN sẽ được giải quyết bằng việc Việt Nam quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào ngành nguyên liệu thô là ngành chiến lược mũi nhọn của một quốc gia thì Boomin Vina cũng như các doanh nghiệp khác sẽ giảm mạnh chi phí sản xuất do không phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Có như vậy, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể từng bước “tự chủ” được nguồn cung sản xuất, phát triển kinh tế bền vững”- ông Kim Hanbeom chia sẻ.
Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh đạt 6.870 triệu USD, tăng 13,01% so với cùng kỳ. Trong đó nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày da, vải các loại tăng mạnh nhất chiếm 67,81% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Thị trường châu Âu có số sản phẩm nhập khẩu cao, chiếm 5,98% tỷ trọng trong toàn tỉnh, tăng 71,19% so với cùng kỳ. Thị trường châu Mỹ chiếm 15,56% tỷ trọng, tăng 1,43 lần so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu có tăng về giá trị nhưng sản lượng nhập khẩu từng chủng loại ngành hàng đều giảm do giá tăng.
Phạm Thạch