Thứ sáu, 29/03/2024 11:54 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/06/2022 16:00 (GMT+7)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tái khẳng định cam kết của Việt Nam tại COP26

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đang xây dựng lộ trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 cho các ngành như nông nghiệp, giao thông vận tải và sử dụng đất.

Mới đây, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu. Cuộc họp có sự tham gia của các quốc gia kinh tế lớn trên thế giới cũng như các tổ chức quan trọng của quốc tế. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu tại cuộc họp.

Mục tiêu chung

Phát biểu khai mạc tại phiên họp, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết, cuộc họp cấp cao trực tuyến Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu là nỗ lực tiếp theo của Hoa Kỳ trong việc sử dụng tất cả các công cụ đối phó với khủng hoảng biến đối khí hậu, giải quyết khẩn cấp vấn đề giá năng lượng tăng mạnh trên khắp thế giới xuất phát từ cuộc chiến Nga - Ukraine. Cuộc họp này cũng nhằm thúc đẩy Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác hướng tới an ninh lương thực và năng lượng lâu dài.

Theo Tổng thống Joe Biden, thế giới hiện nay đang gặp nhiều khủng hoảng về biến đổi khí hậu, từ đó gây ra nhiều ảnh hưởng tới môi trường sống tự nhiên. Tuy nhiên sau COP26 đã có hơn 50 quốc gia cam kết mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính nhằm duy trì sự ổn định về năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phần mình, Tổng thống Biden cho biết, Hoa Kỳ đã và đang có những hành động thực tiễn để cùng các quốc gia trên thế giới hướng tới giảm phát thải ròng (net zero) tới năm 2050. Theo đó, trong lĩnh vực giao thông thì Hoa Kỳ tăng cường sử dụng các phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo đã lắp đặt hơn 500 nghìn trạm sạc điện và kỳ vọng tới năm 2030 các phương tiện giao thông tại đây sẽ sử dụng năng lượng điện, giảm bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng, dầu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tái khẳng định cam kết của Việt Nam tại COP26 - Ảnh 1
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Trong ngành vận tải, đặc biệt là vận tải biển thì cũng hướng tới năm 2050 cũng không sử dụng năng lượng hóa thạch; trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hoa Kỳ cũng đã sử dụng các hoạt động nông nghiệp, phân bón thân thiện với môi trường và hướng tới COP 27 sẽ cam kết mạnh hơn nữa….; Đặc biệt, Hoa Kỳ luôn ủng hộ các sáng kiến phát, triển khoa học công nghệ ứng dụng để có thể tìm kiếm, phát triển ra các nguồn năng lượng tái tạo, dần loại bỏ các năng lượng tái tạo. Do đó, Tổng thống Biden cho biết, Hoa Kỳ luôn mong muốn và ủng hộ các cam kết mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu chung đã đặt ra tại COP26.

Đồng quan điểm với Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên hiệp Quốc (LHQ) cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn để chuyển dịch năng lượng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050 đó là tài chính. Do đó LHQ luôn ủng hộ các quốc gia đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo ổn định để giảm phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch hiện nay và LHQ luôn cam kết sẽ hỗ trợ về nguồn lực, tài chính. Đặc biệt, LHQ cũng mong muốn bên cạnh các quốc gia đã đưa ra mục tiêu tại COP 26 thì tới COP27 khối các doanh nghiệp, tập đoàn doanh nghiệp trên thế giới cũng tham gia nhiều hơn nữa.

Tại cuộc họp, đại diện các nền kinh tế lớn trên thế giới cam kết về thực hiện các nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu và cam kết đưa tiến trình phát thải, đặc biệt trong các lĩnh vực về giao thông, vận tải, nông nghiệp không phát thải…, các quốc gia đều ưu tiên đóng góp thực hiện mục tiêu đặt ra trong COP26 và hướng tới những cam kết mạnh mẽ hơn tại COP27.

Cam kết của Việt Nam

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, Việt Nam cảm ơn sáng kiến tổ chức Diễn đàn này cũng như vai trò của Hoa Kỳ trong thúc đẩy thực hiện các cam kết toàn cầu về khí hậu và năng lượng.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã khẩn trương triển khai các cam kết tại COP26; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ chuyển đổi năng lượng với năng lượng tái tạo chiếm hơn 33,7% sản lượng điện quốc gia. Trong năm 2020, Việt Nam là đứng đầu ASEAN và nằm trong top 10 quốc gia toàn cầu về công suất lắp đặt năng lượng mặt trời.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam có nguồn tài nguyên gió ngoài khơi lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tiềm năng 311 gigawatt nhờ vào điều kiện địa lý với hơn 3000 km đường bờ biển. Đây là cơ sở để Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045, Việt Nam sẽ tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) đạt trên 16,5% vào năm 2030 và 38,3-45,4% vào năm 2045 với các dự án điện mặt trời, năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi, sản xuất hydro, amoniac, địa nhiệt, sóng và có thể cao hơn nữa nếu có sự đồng hành và hỗ trợ của quốc tế.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, Việt Nam đang khởi động đàm phán với các nước Nhóm G7 để thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Việt Nam cũng đang xây dựng lộ trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 cho các ngành như nông nghiệp, giao thông vận tải và sử dụng đất đồng thời tăng tỷ lệ hấp thu carbon của rừng; thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đối với tàu biển hoạt động trên tuyến quốc tế, phi carbon hóa vận tải biển và triển khai phương tiện giao thông không phát thải, giảm phát thải khí methane trong trồng trọt, chăn nuôi, xử lý chất thải.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tái khẳng định cam kết của Việt Nam tại COP26 - Ảnh 2
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu tại cuộc họp.

Trong tháng 8/2022, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại với các đối tác phát triển, các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong nước và quốc tế để thúc đẩy hợp tác thực hiện mục tiêu net zero. Nhân Diễn đàn quan trọng này, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ một số quan điểm của Việt Nam để thúc đẩy hành động khí hậu và năng lượng.

Cụ thể, với việc đại dịch Covid đã được kiểm soát. Tuy nhiên bài học trong ứng phó với đại dịch Covid vừa qua cho thấy, thế giới không an toàn nếu một nước còn dịch bệnh và vì vậy cả thế giới phải đoàn kết chống dịch và vaccine phòng chống dịch phải được chia sẻ và mọi người dân được tiếp cận.

"Tương tự, để đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn cầu và tất cả các nước, không phân biệt phát triển hay đang phát triển phải hợp tác hành động vì mục tiêu net zero vào năm 2050 để giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C", Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.

Bên cạnh đó, vaccine hiệu quả nhất để chống biến đổi khí hậu là công nghệ xanh, chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Do đó, cần có cơ chế sử dụng tài chính minh bạch và cơ chế chia sẻ công nghệ xanh (như hydrogien, amoniac…) từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt.

Với những quan điểm như vậy, Việt Nam tin tưởng rằng các quốc gia mới có thể cùng nhau vượt qua khủng hoảng khí hậu và các khủng hoảng khác trong thế giới bất định và hướng tới COP27 bền vững, tốt đẹp.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Thủ tướng cũng cho rằng, mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cho rằng, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Các quốc gia phát triển cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã đưa ra, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau năm 2025.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỉ qua, là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.

PV

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Trần Hồng Hà tái khẳng định cam kết của Việt Nam tại COP26. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

TKV phủ xanh bãi thải mỏ với 2.000 ha cây xanh
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ tăng tốc thực hiện 'Xanh hóa môi trường khai thác mỏ', xây dựng tiêu chí 'Nhà máy trong công viên'. TKV đã trồng hơn 2.000 ha cây xanh trên bãi thải mỏ và riêng vùng Quảng Ninh trên 1.800 ha.
Trụ sở Techcombank đạt chứng nhận LEED Vàng về công trình xanh
Trụ sở Techcombank số 6 Quang Trung, Hà Nội và tòa nhà hội sở 23 Lê Duẩn, TP.HCM vừa được Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) trao chứng chỉ LEED Vàng. Để đạt được tiêu chuẩn này các công trình phải đáp ứng được 9 tiêu chí khắt khe nhất của USGBC.

Tin mới