Thứ sáu, 03/05/2024 04:23 (GMT+7)
Thứ hai, 25/04/2022 09:09 (GMT+7)

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Bộ Tài chính đã có đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đã đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì với mức đề xuất giảm từ mức 20% hiện nay xuống 12%.

Đề xuất giảm  xuống 12 %

Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh đến nguồn cung xăng dầu, trong khi nhu cầu mặt hàng này đang ngày càng tăng do việc triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế của các nước trên thế giới.

Giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao và diễn biến khó lường. Tại Việt Nam, nguồn cung và giá cả cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường xăng dầu thế giới. Tại kỳ điều chỉnh ngày 11/4/2022 là 27.309 đồng/lít đối với xăng E5 RON92 và 28.153 đồng/lít đối với xăng RON 95, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện Việt Nam có 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (3 doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu bay), hơn 300 doanh nghiệp phân phối xăng dầu đóng vai trò tạo nguồn cho hệ thống đại lý; trong đó, Tập đoàn Xăng dầu chiếm khoảng 45 - 50% thị phần, các doanh nghiệp đầu mối còn lại chiếm 50 - 55% thị phần.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu - Ảnh 1
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu. (Ảnh minh hoạ)

Các doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu chủ yếu từ nguồn của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và phần còn lại được nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và khu vực ASEAN theo thuế suất FTA.

Bộ Tài chính cho biết, hiện mặt hàng xăng động cơ, không pha chì dùng để sản xuất xăng RON92, RON95 có thuế suất MFN là 20%, thuế suất FTA tại các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VNEAEU) là 8%, EVFTA là 20%. Xăng nhập khẩu theo thuế nhập khẩu ưu đãi chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng lượng xăng tiêu thụ của cả nước.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có tác động lớn đến nền kinh tế, sự biến động về giá cả mặt hàng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mặt bằng giá cả, chỉ số CPI trong nước cũng như việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ đề ra cho năm 2022.

Trong khi đó, diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trước bối cảnh của dịch bệnh và xung đột chính trị trên thế giới đang diễn ra, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải có phương án điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu, tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN, đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống 12% (chênh 4% so với thuế suất FTA từ Hàn Quốc và ASEAN).

Bộ Tài chính đánh giá, phương án trên mặc dù có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước do hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc, nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.

Bên cạnh đó, mức chênh lệch 4% giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với xăng cũng là hợp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu mới trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ các thị trường truyền thống bị thiếu hụt, đồng thời vẫn đảm bảo được dư địa đám phán các Hiệp định FTA mới trong tương lai trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

Tiếp tục sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có công văn số 3662/BTC-CST gửi xin ý kiến rộng rãi tới các bộ, ngành, Hiệp hội về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Dự thảo Nghị định gồm 12 điều và 4 phụ lục, trong đó nội dung phần lời cơ bản được kế thừa các nội dung đang được quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và các nghị định sửa đổi, bổ sung có chỉnh lý, rà soát một số câu chữ, quy định cho phù hợp.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 3 nhóm nội dung. Đó là, chuyển đổi Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan để đảm bảo phù hợp với Danh mục AHTN 2022.

Đối với nhóm vấn đề này, Bộ Tài chính xin ý kiến về việc chuyển đổi Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, cụ thể như sau: Đối với Biểu thuế xuất khẩu, số dòng thuế của Biểu thuế xuất khẩu đã tăng từ 1.423 dòng thuế lên 1.540 dòng thuế (tăng 117 dòng thuế so với Biểu thuế xuất khẩu hiện hành), tuy nhiên, việc thay đổi về mô tả và mã số theo Danh mục AHTN 2022 không làm thay đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đang áp dụng hiện nay.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu - Ảnh 2
Ảnh minh hoạ.

Đối với Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục AHTN 2022 có một số thay đổi về mô tả hàng hóa, tên gọi của một số mã hàng so với Danh mục AHTN 2017 được sử dụng để ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành. Đồng thời, so với Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành thì một số mã hàng đã được tách, gộp và quy định mới.

Bộ Tài chính nêu ra 5 nguyên tắc chung cho việc áp dụng mức thuế suất MFN mới này, trong đó có 9.781 dòng thuế có mã số và mô tả không thay đổi so với Biểu thuế nhập khẩu MFN hiện hành; 1.278 dòng thuế được tách ra từ các dòng thuế hiện hành nhưng không có sự thay đổi về thuế suất MFN; có 1 nhóm hàng mới (mặt hàng thuốc lá nhóm 24.04) được bổ sung mới theo Danh mục HS 2022 mà trước đây Danh mục HS 2017 và ANTN 2017 không có quy định; 355 mã hàng được gộp từ các mã hàng khác nhau hoặc gộp vào từ một phần của một số mã hàng khác, tuy nhiên có 17/355 mã hàng có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện hành được áp dụng khác nhau cần xin ý kiến tổ chức, cá nhân có liên quan (cua ghẹ, điệp, xúc xích, các chế phẩm sau giết mổ, nguyên liệu thay thế lá thuốc lá, thuốc trừ nấm, plastic, sản phẩm bằng đá, máy đắp lớp, modun diot phát quang).

Đối với Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ô tô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) đã qua sử dụng (Phụ lục III dự thảo Nghị định) và Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan (Phụ lục IV dự thảo Nghị định) không có sự thay đổi về thuế suất khi chuyển đổi.

Ngoài ra, tại dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đề xuất rà soát, hợp nhất các quy định liên quan đến Biểu thuế thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung từ năm 2016 đến nay để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan hải quan trong tổ chức thực hiện.

Kể từ khi ban hành đến nay, Nghị định số 122/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần. Một số nội dung quy định tại điều, khoản của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP đã được Bộ Tài chính rà soát trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, Nghị định số 101/2021/NĐ-CP nên các nội dung quy định tại phần lời dự thảo Nghị định đang được triển khai thực hiện ổn định, chưa có phát sinh vướng mắc.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất kế thừa quy định đã được sửa đổi, bổ sung này và rà soát kết cấu lại cho phù hợp để thuận lợi cho việc thực hiện, cụ thể: Điều 8 về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô (Chương trình ưu đãi thuế) chính là Điều 7a Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Điều 9 về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đến 31/12/2024 chính là Điều 7b Nghị định số 122/2016/NĐ-CP...

Đối với các mặt hàng được chi tiết tại Chương 98, Bộ Tài chính cũng đã tiến hành rà soát toàn bộ Chương 98 để chuyển đổi mã số và mô tả hàng hóa tương thích với Danh mục AHTN 2022 mới, trong đó đề xuất bỏ mặt hàng tại Chương 98 bị trùng lắp với 97 Chương (thịt phụ phẩm của gà lôi, cá bột, cua, ghẹ hun khói, dây đồng). Ngoài ra, để đơn giản hóa biểu thuế, Bộ Tài chính đề xuất bỏ các dòng đã trùng tại nhóm 98.21 với 97 Chương và chỉ giữ lại các dòng thuế được chi tiết mức 7%.

Ngoài các vấn đề nêu trên, Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số mặt hàng để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện và xử lý kiến nghị của các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức quốc tế cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số tổ chức cá nhân vướng mắc về mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN như mặt hàng ống đồng, phân bón, xăng dầu, ethanol, lốp ô tô, kính ô tô, hạt nhựa, đều được Bộ Tài chính rà soát và xây dựng phương án.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

9,27 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.