Thứ sáu, 20/09/2024 14:12 (GMT+7)
Thứ tư, 23/02/2022 09:00 (GMT+7)

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phương án điều chỉnh thuế xăng dầu

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu báo cáo trước ngày 28/2.

Ngày 22/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện gửi Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Công điện nêu rõ xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân tại một số địa phương.

Để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản có liên quan.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phương án điều chỉnh thuế xăng dầu - Ảnh 1
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phương án điều chỉnh thuế xăng dầu.

Xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng trục lợi

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan để xác định cam kết sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước thời gian tới, làm cơ sở cho việc nhập khẩu xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu theo thẩm quyền và quy định tại Nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83, theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công Thương chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình sản xuất, nhập khẩu, phân phối xăng dầu, điều hành giá xăng dầu và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về vấn đề này, đồng thời công khai các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và biện pháp xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự ổn định của thị trường xăng dầu.

Nghiên cứu phương án giảm thuế xăng dầu

Cũng trong công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2.

Bộ Công an tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và phân phối xăng dầu.

Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2022 việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm không bị gián đoạn. Trong đó, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu...; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm quy định.

Hiện thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng mỗi lít. Mức thuế này được quy định "cứng" trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.

Ngoài thuế bảo vệ môi trường, mỗi lít xăng hiện "cõng" các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế nhập khẩu 8%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu.

Ước tính, bình quân mỗi lít xăng, thuế, phí hiện chiếm khoảng 42-43%; còn dầu 21-27%. Tức là mua 100 đồng tiền xăng thì tiền thuế, phí là 42-43 đồng, và dầu là 21-27 đồng.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phương án điều chỉnh thuế xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Phát triển tín dụng xanh vì mục tiêu kinh tế bền vững
Tín dụng xanh đã và đang là động lực giúp phát triển kinh tế xanh, bền vững. Mặc dù vậy, tín dụng xanh ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu và cần có lộ trình xanh toàn diện để tăng cường nguồn tài chính và thúc đẩy các dự án thân thiện môi trường.

Tin mới

Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria
Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.