Bình Dương: Chú trọng phát triển công nghiệp xanh, bền vững
Tỉnh Bình Dương đã và đang chú trọng phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững, bao trùm và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu “Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”.
Để cải tạo hành lang sinh thái, xây dựng hệ thống môi trường bền vững, Bình Dương đang triển khai mô hình “3 nhà” trong xây dựng thành phố thông minh, xây dựng vùng khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, đồng thời thực hiện quy hoạch TOD (Transit Oriented Development) và chuyển đổi mô hình phát triển.
Có thể khẳng định, Đề án Thành phố thông minh đã thể hiện quyết tâm của Bình Dương trong việc tìm kiếm động lực phát triển mới cho nền kinh tế - xã hội, phát triển hệ sinh thái xanh, bền vững.
Bình Dương xác định phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển tỉnh nhà. Hiện tỉnh đang định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp thông minh - sinh thái.
Trong đó, tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch; dành tối thiểu 25% diện tích khu công nghiệp cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung; có giải pháp bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động…
Để xây dựng phát triển khu công nghiệp thế hệ mới, tạo dư địa thiên nhiên cho phát triển, bảo đảm tăng trưởng xanh, Bình Dương thực hiện cải tạo, chỉnh trang các khu, cụm công nghiệp cũ, di dời các doanh nghiệp thâm dụng lao động tại khu vực TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Tân Uyên lên phía bắc của tỉnh.
Đồng thời, tái phát triển các khu vực đất công nghiệp hiện hữu sang các chức năng dịch vụ đô thị, dịch vụ công cộng và phục vụ chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, Bình Dương tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, thực hiện nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.
Trên tinh thần đó, Bình Dương luôn chú trọng công tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững và đóng góp vào thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái.
Tại địa bàn thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, hơn 20 năm qua, Công ty TNHH Diamond Việt Nam thực hiện gia công cho 4 nhãn hàng lớn, với hơn 4.000 công nhân. Chia sẻ của ông Trịnh Quốc Trương, Phó Phòng Nhân sự Công ty THHH Diamond Việt Nam: “Do ảnh hưởng từ khó khăn của thế giới và khu vực, đơn hàng của Công ty đã bị giảm gần 40%. Song công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo địa phương và Ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh Bình Dương nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải”.
Về vấn đề này, Giám đốc Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Nguyễn Trung Tín cho biết, với tổng diện tích hơn 12.662 ha, trong đó có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha, có thể thấy, quỹ đất hiện tại của các khu công nghiệp tại Bình Dương đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao.
“Trong giai đoạn tới, công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh sẽ có sự chuyển biến theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới. Do đó, các khu công nghiệ hiện hữu và các khu công nghiệp mới cần có các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng”, ông Tín thông tin thêm.
Theo ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Bình Dương xác định thực hiện cải thiện kết cấu và hình thái không gian đô thị khu vực phía nam, dịch chuyển công năng các khu sản xuất công nghiệp lên vùng lõi mới phía bắc, gắn với tái cơ cấu để trở thành các khu, cụm công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn và khu công nghiệp khoa học - công nghệ, để lại không gian phía nam cho phát triển đô thị, dịch vụ và thương mại.
“Bình Dương sẽ tận dụng tốt lợi thế của hệ thống giao thông kết nối vùng, hình thành hệ thống vành đai công nghiệp mới gắn với phát triển hệ thống logistics hiện đại”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bình Dương được xếp hạng là địa bàn hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 tại Việt Nam (sau TP.HCM) thu hút được 4.041 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 39,4 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư Pháp có 36 dự án đang hoạt động với số vốn đầu tư đăng ký là 121,9 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bình Dương có 2.852 doanh nghiệp trong nước đăng ký mới, với số vốn đăng ký 23.213 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 62.331 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 666.000 tỷ đồng.
Đầu tư nước ngoài thu hút 37 dự án cấp mới với số vốn đăng ký 343,4 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 4.113 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 40 tỷ USD.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp da giày và may mặc tại Bình Dương đã phải chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của thế giới. Qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp đã bị giảm đơn hàng từ 10 - 40%; công nhân nghỉ việc do không tổ chức tăng ca xảy ra tại nhiều công ty có quy mô khá lớn.
Lôi Vũ