Thứ bảy, 27/04/2024 08:10 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/01/2020 07:37 (GMT+7)

Biến rác thải thành năng lượng, bài toán khó cho Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Rác thải và xử lý rác thải đang là vấn đề nan giải tại nhiều quốc gia trên thế giới. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, họ đã tận dụng hiệu quả rác thải, biến rác thải thành tài nguyên, mang lại giá trị kinh tế lớn và phục vụ cho đời sống con người.

Biến rác thải thành năng lượng, bài toán khó cho Việt Nam - Ảnh 1
Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia xả rác ra biển hàng đầu trên thế giới.

Với tốc độ sử dụng đồ nhựa, túi nilon như hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có số lượng rác nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Trên đất liền, rác thải nhựa có ở nhiều nơi và gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người.

Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của nước ta khoảng 16 triệu tấn. Riêng lượng rác thải nhựa thải ra mỗi ngày ước tính khoảng gần 18 nghìn tấn và nằm trong số 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, với khối lượng khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng TP.Hà Nội và TP.HCM hàng năm có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó 50 – 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới. Song số lượng rác được thu gom về chỉ có gần 10% được tái chế sử dụng. Nguyên nhân là số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, nếu tính bài toán kinh tế, rác thải không phải bỏ đi tất cả mà có thể tận dụng, rác thải của ngành nghề này có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác. Vì vậy, coi rác thải là một loại tài nguyên đã được thế giới công nhận và việc tái sử dụng rác thải chính là thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, tức là tất cả trong một vòng khép kín, không lãng phí nguồn nguyên liệu nào.

Biến rác thải thành năng lượng, bài toán khó cho Việt Nam - Ảnh 2
Việc đầu tư các nhà máy xử lý tái chế rác thải thành nguồn năng lượng là yêu cầu cấp thiết.

Nhiều nước trên thế giới đã coi việc phân loại và xử lý rác là một ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận. Ðiển hình như ở Nga, các nhà khoa học nước này đã nghiên cứu cách tái chế nhựa, ứng dụng công nghệ cao đưa rác thải nhựa thành nguyên liệu nền để thu được nguyên liệu xăng dầu.

Ở Anh, một công ty đã áp dụng công nghệ mới có thể biến rác thải thành khí gas. Theo công ty năng lượng Plasma (Anh), đầu tiên rác thải từ thực phẩm, thủy tinh và giấy được đưa vào một thiết bị khí hóa, nơi xảy ra phản ứng hóa học ở nhiệt độ cao. Tại đây, khí oxy được tách ra và rác thải được phân tách thành những phân tử đơn giản để được biến thành khí nhân tạo có tên là khí tổng hợp Syngas…

Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải ở Việt Nam gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, nước ta có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.

Biến rác thải thành năng lượng, bài toán khó cho Việt Nam - Ảnh 3
Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ.

Ở Việt Nam, nhiều mô hình biến rác thải thành tài nguyên cũng đã được triển khai như: sản xuất điện, phân bón, vật liệu xây dựng từ rác thải sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương; một số nhà máy đốt rác phát điện trên cả nước cũng đi vào hoạt động nhưng chưa đạt hiệu quả cao.

Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, nhưng khi nhìn vào thực tế, tình trạng rác thải nhựa ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập. Các sản phẩm từ nhựa vẫn hiện diện khắp mọi nơi và gắn liền vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Rác thải chỉ có thể biến thành tài nguyên khi được phân loại từ nguồn và sử dụng công nghệ xử lý phù hợp. Tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của phân loại rác và xây dựng hạ tầng thu gom rác tiện lợi, phù hợp là những giải pháp được kỳ vọng có thể giải được bài toán khó này.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Biến rác thải thành năng lượng, bài toán khó cho Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới