Cần hài hòa các trụ cột chính của phát triển bền vững
Năm 2019 đánh dấu một sự chuyển mình mạnh mẽ trong các hoạt động trọng tâm của Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (Hội KTMTVN).
Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam là một tổ chức chính trị, xã hội của đội ngũ trí thức uy tín trong hệ thống các Hội ngành thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam).
Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự nỗ lực của các hội viên tập thể và từng cá nhân, Hội đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng nền kinh tế xanh, hướng đến sự phát triển bền vững. Cuộc trao đổi của PV Kinh tế Môi trường với đại diện Lãnh đạo Hội KTMTVN - PGS.TS Trương Mạnh Tiến nêu cụ thể hơn về những thành tựu này cũng như hiểu rõ về những định hướng nhiệm vụ quan trọng của TW Hội trong năm 2020.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến. |
PV: Là tổ chức uy tín hoạt động trong lĩnh vực môi trường, kinh tế xanh, trong năm 2019 vừa qua, Hội KTMTVN đã có những hoạt động quan trọng nào đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, thưa ông?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Vấn đề môi trường nổi cộm nhất của năm 2019 đã được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đưa ra trong chủ đề về Ngày Môi trường thế giới (5/6) là “Ô nhiễm không khí”, kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Thậm chí, đã có những thời điểm, một số thành phố lớn của nước ta như Hà Nội, TP.HCM ô nhiễm không khí ở tình trạng đặc biệt nghiêm trọng, cảnh báo màu đỏ, tím.
Bên cạnh đó là nhiều hệ lụy của biến đổi khí hậu (BÐKH). Việt Nam là nước có đường bờ biển dài, số lượng các cơn bão và sự cố do thiên tai khá nhiều và thường xuyên xảy ra. 2019 là năm đỉnh điểm của hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Trung và Nam Bộ, hàng loạt vùng trồng lúa bị ảnh hưởng, dẫn đến mất cân bằng cán cân lương thực ở nước ta hiện nay, khi nền kinh tế đa phần là nông nghiệp. Nhiều giải pháp thay đổi cơ cấu cây trồng đã được đưa ra, chứ không “khoanh tay” chấp nhận.
Ấn phẩm Tạp chí Kinh tế Môi trường – Cơ quan ngôn luận của TW Hội KTMTVN, cập nhật những thông tin kịp thời, chính xác nhất về các vấn đề kinh tế, môi trường đến bạn đọc. |
Có thể thấy, Việt Nam cũng đang trong quá trình nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế, giải quyết để đạt được hiệu quả tốt nhất, giảm thiểu tác hại xấu bởi BÐKH. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành TW Ðảng khóa XI về chủ động ứng phó với BÐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã nêu rất rõ. Tiếp đến là việc triển khai, sự chỉ đạo của Chính phủ đến các địa phương cũng như 28 tỉnh, thành phố ven biển, những nơi bị tác động trực tiếp của nước biển dâng, của ô nhiễm từ đất liền đổ ra biển.
Thêm một vấn đề nhức nhối của BÐKH là sự ô nhiễm đến mức báo động đỏ của chất thải nhựa đại dương. Các bãi biển đẹp cũng bị ảnh hưởng, nhiều khu du lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ rác thải nhựa từ biển hay đại dương dạt vào, mà đó còn là hậu quả từ các cơ sở sản xuất dọc theo vùng biển, ý thức của người dân,... Hậu quả của “thảm họa Formosa” đối với 4 tỉnh ven biển miền Trung vẫn còn hiện hữu, những rạn san hô bị chết, nếu trồng trở lại cũng phải mất từ 50-70 năm. Những giá trị mà ngư nghiệp mang lại đều bị tổn thất nặng nề.
Các vấn đề môi trường nổi bật như trên đều được Tạp chí Kinh tế Môi trường - Cơ quan ngôn luận của Hội KTMTVN đề cập phản ánh thường xuyên, lấy làm chủ đề tiêu biểu xuyên suốt trong mỗi số Tạp chí được xuất bản. Những nhận định, dự báo, đồng thời đưa ra các chương trình hành động của các chuyên gia môi trường cũng được đề cập kịp thời và thường xuyên cập nhật. Tạp chí được đánh giá khá cao trong số các cơ quan truyền thông trong ngành tài nguyên và môi trường, đặc biệt trong hệ thống báo chí của LHHVN. Ðây cũng là thế mạnh của TW Hội đã được phát huy tối đa trong năm qua.
PV: TW Hội còn có những hoạt động trọng tâm nào khác, thưa ông?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Hội KTMTVN là hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam (LHH) nên các hoạt động của Hội sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của LHH, với những vấn đề tư vấn, phản biện, giám định xã hội.
Trong năm qua, Hội KTMTVN tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ này rất tích cực, đặc biệt tham gia tư vấn, phản biện các đề án, chiến lược của một số địa phương, một số ngành. Ví dụ như đề án liên quan đến quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh Phú Thọ, tỉnh Thái Bình; Quy hoạch phát triển cảng và dịch vụ cảng biển ở Quảng Ninh; Những vấn đề liên quan đến an toàn hồ đập Cửa Ðạt (Thanh Hóa), nhà máy điện Hòa Bình;...
13 cây Bồ Đề có nguồn gốc từ nơi đất Phật thành đạo (Buddha, Gaya Bihar, Ấn Ðộ) đã được Hội KTMTVN ươm mầm, gieo trồng tại nhiều ngôi chùa ở nước ta, chốn tĩnh lặng, linh thiêng trong tâm thức người Việt. Trong ảnh: PGS.TS Trương Mạnh Tiến (trái) trong lễ trồng cây Bồ Đề ở chùa Phúc Sen (Tiên Lãng, Hải Phòng). |
LHH Việt Nam là một trong những đơn vị được cho phép thử nghiệm diễn đàn khoa học tập hợp các chuyên gia bàn về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội lớn của đất nước. Hội KTMTVN thường xuyên tham gia vào các diễn đàn này. Hơn nữa, liên quan đến phản biện xã hội, trong năm 2019, có những diễn đàn mà LHH chủ trì, từng nhóm chuyên gia của Hội KTMTVN cùng tham gia để đưa ra những ý kiến thiết thực và hiệu quả.
Tại cuộc gặp mặt các trí thức và nhà khoa học tiêu biểu với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội đã có văn bản chính thức báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ về việc cần đưa giáo dục môi trường vào Luật Giáo dục một cách chính thống, có những điều khoản riêng biệt để thực hiện. Báo chí cũng là mặt trận quan trọng mà Hội đưa ra ý kiến quy hoạch lại các cơ quan báo chí, lưu ý những tờ báo, tạp chí về môi trường cần được chú trọng, đặc biệt lưu tâm đào tạo ra lực lượng tuyên truyền, phổ biến về môi trường cần được làm bài bản để mang những thông tin chính thống, mang tính định hướng đúng đắn đến độc giả.
Ðặc biệt, Trung tâm nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ về kinh tế môi trường của Hội đã có những việc làm tích cực trong việc tham gia xử lý rác thải nông thôn tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Công trình được nghiệm thu đánh giá là hoạt động điển hình, cho thấy việc có được lò đốt rác thải nông thôn đảm bảo các điều kiện môi trường về nhiệt độ, tác động môi trường là hết sức cần thiết, hướng đến chuyển giao cho các huyện, đảo vùng sâu vùng xa. Ðây là mục tiêu mà Hội giao cho Trung tâm.
Mặt khác, trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã công bố những vấn đề quan trọng liên quan đến tiềm năng bauxite Tây Nguyên trên Tạp chí Kinh tế Môi trường, 5 kỳ liên tiếp, với mong muốn rằng công trình này có thể đóng góp vào đề án phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược mà ÐH Ðảng đang hướng tới trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiềm năng bauxite Tây Nguyên là rất lớn, nếu chúng ta khai thác và chế biến sâu có thể đạt tới doanh thu 900 tỉ USD. Làm thế nào để quặng bauxite được khai thác hiệu quả nhất, để khoa học công nghệ thực sự đóng góp trong phát triển kinh tế đất nước. Ðó là những trăn trở của chúng tôi, và chắc chắn sẽ gửi kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền.
PV: Những hoạt động chính của Hội trong năm 2020 là gì, thưa ông?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Bước sang năm thứ 20, Hội KTMTVN sẽ có một sự kiện đặc biệt quan trọng, đó là tổ chức Ðại hội lần thứ V với tinh thần “Ðổi mới - Trí tuệ - Sáng tạo”. Chúng tôi vẫn chú trọng các hoạt động cốt lõi, sao cho đảm bảo sự hài hòa trụ cột kinh tế, môi trường để phát triển bền vững, làm sao để huy động tối đa nguồn lực trí thức trong Hội, đặc biệt tới đây sẽ huy động mạnh mẽ hơn nữa lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân. Ðảng ta luôn coi doanh nhân là đội ngũ nòng cốt cùng đội ngũ trí thức, giai cấp công nhân, nông dân. Ngay từ đầu đã phải chú trọng phát triển nền kinh tế xanh, làm sao để trong quá trình sản xuất, kinh doanh, không sản sinh chất thải (“zero waste”) hoặc chất thải của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Những vấn đề này, Việt Nam và thế giới cần quan tâm ngay từ đầu để giải quyết nỗi lo ô nhiễm. Hoạt động của Hội KTMTVN không nằm ngoài những nội dung đó. Luật Bảo vệ Môi trường đang được lấy ý kiến để sửa đổi và sẽ trình Quốc hội vào năm 2020, Hội sẽtích cực tham gia cùng các cơ quan Nhà nước được giao nhiệm vụ này.
Tiếp tục phát huy làm tốt hơn nữa những nhiệm vụ theo chỉ đạo của LHHVN về tư vấn phản biện, ứng dụng khoa học công nghệ,… và đổi mới phương thức hoạt động của Hội nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
PGS.TS Lưu Ðức Hải (áo trắng) – Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trong chuyến đi thực địa tại hồ bùn đỏ số 1 Nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Ðồng. |
Bên cạnh những hoạt động chuyên môn, Hội KTMTVN đến nay cũng là tổ chức tích cực tham gia phong trào trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cách đây 60 năm. Hai thập kỷ hình thành và phát triển, Hội đã ghi dấu ấn trong hệ thống các Hội ngành trực thuộc LHHVN bằng nhiều hoạt động xã hội và khoa học có ý nghĩa, nổi bật trong đó là chuỗi chương trình “trồng cây, trồng người”: Trồng cây Bồ Đề tại các địa điểm linh thiêng, hướng đến hành động bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. 13 cây Bồ Đề có nguồn gốc từ nơi Phật thành đạo (Buddha, Gaya Bihar, Ấn Ðộ) đã được Hội ươm mầm, gieo trồng tại nhiều ngôi chùa ở nước ta, chốn tĩnh lặng, linh thiêng trong tâm thức người Việt. Cây Bồ Đề giúp thanh lọc không khí, nhả khí oxy ngay cả vào ban đêm, đây cũng là loài cây có vai trò quan trọng trong nhiều nghi lễ Phật giáo. Bồ Đề vẫn được trồng ở một số nơi trên thế giới với ý niệm mang lại may mắn và hạnh phúc.
Mỗi lần trồng cây, bao giờ Hội cũng trao những phần quà tình nghĩa để giúp đỡ, động viên các cháu học sinh khó khăn, các gia đình chính sách, góp phần làm ấm hơn, đủ đầy hơn những mảnh đời thiện lành của cuộc sống. Bên cạnh việc trực tiếp tổ chức trồng cây, Hội còn cung cấp giống cây Bồ Đề cho một số tổ chức, cá nhân để trồng tại nhiều nơi linh thiêng thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có huyện đảo Trường Sa thân yêu.
Mỗi lần trồng cây, bao giờ Hội KTMTVN cũng trao những phần quà tình nghĩa để giúp đỡ, động viên các cháu học sinh khó khăn, các gia đình chính sách, góp phần làm ấm hơn, đủ đầy hơn những mảnh đời thiện lành của cuộc sống. |
PV: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, lãnh đạo Hội sẽ có những chỉ đạo kịp thời như thế nào để các hoạt động của Hội có thể thích ứng với thời cuộc?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Như tôi nói ở trên, dù công nghệ có phát triển mạnh mẽ như thế nào, chúng ta cũng cần phát triển hài hòa hai trụ cột kinh tế và môi trường đồng thời với tiến bộ, công bằng xã hội. Riêng với Hội KTMTVN, chúng tôi sẽ tận dụng triệt để thế mạnh ở phương tiện truyền thông của mình với tạp chí in và website kinhtemoitruong.vn, để đưa thông tin nhanh, kịp thời, chính xác nhất về các vấn đề kinh tế môi trường đến bạn đọc. Chúng tôi tin rằng với sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cùng nhiều tổ chức khác, Hội sẽ lan tỏa được các hoạt động áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn cuộc sống hiệu quả nhất có thể.
Nhân dịp năm mới, thay mặt TW Hội, kính chúc sức khỏe các hội viên, cùng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã và đang đồng hành cùng chúng tôi trên chặng đường xây dựng nền kinh tế xanh bền vững, kỳ vọng một năm mới nhiều thắng lợi mới.
Trân trọng cảm ơn ông! Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020 kính chúc ông sức khỏe, chúc TW Hội KTMTVN sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong nhiệm kỳ mới!
Phúc Thanh